Gần đây, BBC, VOA, RFA, Việt Tân và một số trang tin tiêu cực khác đang tích cực đào bới thông tin, tung ra nhiều nội dung chống phá lệch lạc liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh để bôi nhọ, hạ bệ uy tín, hình ảnh của Việt Nam.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một chiến dịch lớn mà Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện nhằm làm trong sạch nội bộ, tạo nền tảng xây dựng một bộ máy công quyền trong sạch, vững mạnh, phục vụ hiệu quả cho người dân. Nhiều quan chức thoái hóa, biến chất đã bị vạch trần tội ác và đưa ra xét xử trước pháp luật một cách nghiêm minh. Tuy nhiên, có không ít “cáo già” đã sử dụng những chiêu trò nhằm trốn tránh việc xử lý của pháp luật.
Xử lý đối tượng phạm tội công khai, đúng quy định của pháp luật
Trịnh Xuân Thanh là một trong những cái tên từng thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Là một cán bộ lãnh đạo cấp cao, từng giữ vị trí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhưng lại có nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hiện tại, Trịnh Xuân Thanh đang chấp hành bản án tù chung thân cho những sai phạm của mình.
Thế nhưng gần đây, một số trang mạng nước ngoài như VOA, BBC, RFA cùng một số cá nhân, tổ chức chống phá, cơ hội cính trị lại ráo riết tung ra những bài viết, thông tin liên quan đến Trịnh Xuân Thanh như bài “Quanh tin Việt Nam vinh danh 2 cán bộ an ninh vì vụ bắt cóc ở Đức” của BBC Tiếng Việt, bài viết “Bạn biết gì về chuyên án có bí số ‘VT17’ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về nước?” của VOA Tiếng Việt… Nội dung các bài viết đều vu khống Việt Nam “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh, xuyên tạc thông tin cho rằng Việt Nam“lợi dụng mối quan hệ ngoại giao với các nước khác để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật”…
Trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, cần phải hiểu rõ, tháng 6/2016, những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh bị phát giác sau vụ việc “xe Lexus biển xanh” cùng sai phạm tại công ty PVC. Ngày 19/8/2016, Trịnh Xuân Thanh có đơn xin nghỉ phép một tháng “đi nước ngoài trị bệnh” rồi mất liên lạc, bỏ trốn. Ngày 16/9/2016, Bộ Công an khởi tố Trịnh Xuân Thanh về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đồng thời phát lệnh truy nã quốc tế.
Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh đến cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đầu thú. Như vậy, sau gần 1 năm lẩn trốn, “cáo già” Trịnh Xuân Thanh đã trình diện trước cơ quan chức năng, đầu thú về hành vi phạm tội của mình. Trong đơn đầu thú, Trịnh Xuân Thanh đã viết: “Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ suy nghĩ không hết tôi đã trốn tại Đức. Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh bấp bênh luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan An ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật”. Đồng thời, video ghi hình đầu thú của Trịnh Xuân Thanh đã được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam.
Chính người trong cuộc đã chấp nhận sự thật, khai báo rành mạch với mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật, nhưng những “con buôn dân chủ” lại cố tình gán ghép, biến tướng sự việc thành “bắt cóc”. Vì muốn chống phá đất nước, những kẻ luôn miệng bảo “đấu tranh vì nhân dân” đã sẵn sàng “khóc mướn” cho một tên tội phạm bị truy nã một cách thật thô thiển và nực cười…
Lưới trời lồng lộng, thưa nhưng khó thoát
Hiện tượng một số quan chức thoái hóa, biến chất, sau khi hành vi phạm tội bị phát hiện đã lẩn trốn ra nước ngoài để trốn tránh pháp luật là một hiện tượng xấu, gây ảnh hưởng lớn đến công tác điều tra, xử lý đối tượng phạm tội. Tuy nhiên, “lưới trời lồng lộng, thưa nhưng khó thoát”, Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì trong việc áp dụng các biện pháp để xử lý nghiêm những người phạm tội, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Các đối tượng rêu rao cho rằng chính quyền Việt Nam “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh khi ông này đang xin tị nạn tại Đức. Như đã đề cập ở trên, đây là luận điệu thiếu chính xác. Ngoài ra, khi nói về tị nạn, cần hiểu rõ, tị nạn là việc một người phải chuyển khỏi nơi cư trú truyền thống vượt qua biên giới quốc gia vĩnh viễn hoặc một thời gian nhất định.
Cần phải hiểu, theo Công ước về vị thế của người tị nạn 1951, Nghị định thư về vị thế người tị nạn năm 1967: “Người tị nạn là người do sự sợ hãi có cơ sở là sự bị ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, hoặc do là thành viên của một nhóm xã hội cụ thể nào đó, hay vì quan điểm chính trị, đang ở ngoài đất nước mà người đó có quốc tịch và không thể, hoặc, do sự sợ hãi như vậy, không muốn tiếp nhận sự bảo vệ của quốc gia đó; hoặc người không có quốc tịch đang sống ở ngoài quốc gia mà trước đó đã từng cư trú do kết quả của những sự kiện đó mà không thể, hoặc do sự sợ hãi, mà không muốn trở lại quốc gia đó”. Còn Trịnh Xuân Thanh, y là một quan chức tham nhũng có những hành động coi thường, bất tuân pháp luật. Một tên tội phạm bị truy nã, thì có thể gọi là “người tị nạn” hay không, câu trả lời xin dành cho các nhà “dân chủ” tự suy nghĩ.
Trịnh Xuân Thanh đã bị xét xử và kết án một cách công khai, theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả mọi hành động xuyên tạc thông tin liên quan đến vụ việc để gây phương hại cho Đảng, Nhà nước Việt Nam đều không thể chấp nhận.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Cánh cò