Được biết, vừa qua Tổ chức có tên Justice for Myanmar (Công lý cho Myanmar) cáo buộc rằng Viettel “đồng lõa với những vi phạm nhân quyền tàn bạo tại Miến Điện qua việc đầu tư vào doanh nghiệp của quân đội Miến Điện”. Những luận điệu kệch cỡm, phiến diện, quy chụp được đưa ra cho thấy rõ sự thiển cận trong nhận thức của một số kẻ chống phá núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”.
Căng thẳng chính trị tại Myanmar hiện đang nhận được sự quan tân đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Sau một thời gian chuyển đổi từ chính quyền quân sự sang dân sự, những mâu thuẫn, bất đồng đã phát sinh trong nội bộ đất nước. Đỉnh điểm của những bất đồng nêu trên là việc quân đội Myanmar tiến hành đảo chính, bắt giữ một số quan chức chính quyền và lãnh đạo đảng NLD vào ngày 01/2/2021. Cho đến hiện tại, tình hình tại Myanmar vẫn hết sức căng thẳng, những cuộc biểu tình đông người đã diễn ra. Thậm chí, đã có người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người dân và lực lượng quân đội. Trước tình hình trên, nhiều tổ chức “đòi công lý”, “thúc đẩy dân chủ” cho Myanmar đã được hình thành. Đáng nói, một số cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng vấn đề tại Myanmar để làm cớ công kích đối với Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam.
Luận điệu cà khịa “Ông chú” Viettel
Trước tình hình tại Myanmar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar. Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”.
Tại Phiên họp đặc biệt lần thứ 29 của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, cũng đã nêu lên quan điểm của Việt Nam: “Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế và các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại Myanmar, phù hợp với mong muốn và lợi ích của người dân Myanmar”.
Có thể thấy, Việt Nam luôn tôn trọng lựa chọn của người dân Myanmar, mong muốn một nền hòa bình, dân chủ sẽ được củng cố tại Myanmar. Tuy nhiên, một số đối tượng có cái nhìn phiến diện lại cố tình tung ra những nhận định, luận điệu quy chụp, xuyên tạc để chống phá Việt Nam. Gần đây nhất, Tập đoàn Viettel đã bị các đối tượng cho vào “tầm ngắm” để thực hiện công kích. Theo đó, các đối tượng cáo buộc Viettel “lạm dụng, tiếp tay cho các vi phạm về nhân quyền của quân đội Myanmar”…
Những luận điệu lố bịch đang được các đối tượng tung ra có thể kể đến như: “Hoạt động kinh doanh của Viettel với quân đội Myanmar đã mang lại nguồn thu nhập quan trọng, khả năng tiếp cận công nghệ, vũ khí nước ngoài và một bộ máy giám sát mở rộng mà quân đội Myanmar có thể áp dụng đối với người dân”, “Liên Hiệp Quốc có thể cáo buộc là Viettel cung cấp trang thiết bị liên quan đến quân sự hoặc hỗ trợ cho quân đội của Myanmar”, “Justice For Myanmar phát hiện bằng chứng đáng lo ngại cho thấy Viettel đang hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Myanmar thông qua việc chuyển giao công nghệ và đào tạo, nâng cao năng lực kỹ thuật của quân đội. Bằng cách đó, Viettel và Bộ Quốc phòng Việt Nam đang đóng góp vào các hoạt động quân sự ở các địa bàn người dân tộc Myanmar và hỗ trợ, tiếp tay cho tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người” v.v…
Mở mắt ra mà xem!
Viettel là một trong những tập đoàn kinh tế quan trọng của Việt Nam. Không chỉ dừng lại tại thị trường trong nước, Viettel còn vươn ra đầu tư tại nhiều nước, trong đó có Myanmar. Tại thị trường Đông Nam Á này, Viettel đã đầu tư vào công ty MyTel, trong đó Viettel nắm 49% cổ phần, 28% thuộc về Star High, công ty con của Myanmar Economic Corp MEC (tập đoàn thuộc Quân đội Myanmar), và 23% còn lại là của Myanmar National Telecom Holding, liên doanh 11 công ty địa phương.
Sự gia nhập thị trường của MyTel đã giúp giảm 40% giá internet di động của, góp phần phổ cập dịch vụ internet với mật độ từ 31% (tháng 6/2018) lên đến 55% (tháng 9/2019). Tính hết quý I năm 2020, MyTel đã vượt 10 triệu thuê bao, đang vươn lên vị trí số 2 về cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar, và cũng là nhà mạng đi dộng đầu tiên phủ sóng 4G toàn quốc.
Nói như vậy để thấy những lợi ích mà “ông chú” Viettel mang lại không chỉ là các doanh nghiệp mà còn cho cả nhân dân Myanmar. Nếu Viettel ngừng đầu tư, MyTel sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí phá sản. Và dĩ nhiên, hệ quả đầu tiên sẽ là hàng chục triệu thuê bao không thể hoạt động, giá dịch vụ internet gia tăng, việc tiếp cận với internet của người dân sẽ bị bó hẹp.
Thông suốt về thông tin là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy dân chủ, nhân quyền. Phải chăng, các “nhà dân chủ” đang muốn người dân Myanmar bị cô lập với thế giới, không được tiếp cận với internet, nên mới cố tình tấn công Tập đoàn Viettel? Một đất nước Myanmar bị cô lập cho những kẻ mạo danh “dân chủ”, “nhân quyền” mặc sức tung hoành, mị dân, nhận chìm đất nước Myanmar trong chính biến, máu và nước mắt, như những gì đã xảy ra tại Libya, Ả Rập?
Nếu đúng như vậy thì thực sự là quá thâm độc.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Cánh cò