Cuteo@
Anh Lê Chí Thành, một cán bộ công an trại giam bị tước quân tịch, đuổi ra khỏi ngành vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật công tác của ngành, liên tục xuất hiện quấy rối CSGT trên khắp các nẻo đường đất nước. Sáng nay báo Người lao động đã có bài phản ánh kểu cứ “nêu vấn đề cho nó khách quan” mà không thể hiện quan điểm của người viết và Tòa soạn. Bài viết thiếu đi quan điểm của tác giả và dĩ nhiên nó đánh mất vai trò của báo chí trong việc định hướng cho người dân phải tuân thủ pháp luật. Và do đó, nhiều ý kiến cảm tính, thiếu hiểu biết được dịp bùng nổ (xem tại đây).
Trích bài báo:
Nội dung video ghi lại cảnh một nhóm người áp sát một chốt CSGT để quay phim (bằng điện thoại). Hai bên xảy ra đôi co khi CSGT yêu cầu nhóm này di chuyển ra khỏi khu vực làm việc (khoanh vùng bằng cọc tiêu giao thông) nhưng nhóm người liên tục “dẫn luật” khẳng định CSGT đang “làm sai nghiệp vụ”.
Người quay video cho rằng việc lập chốt trên đường của CSGT là “bẫy người đi bộ”. Người này nói: “Anh yêu cầu tôi ra khỏi đây vì lý do gì? Anh đừng có xô đẩy, xô đẩy là không đúng đâu. Anh đang lấn chiếm lòng lề đường của người đi bộ. Anh có thể được thực hiện nhiệm vụ, tuần tra kiểm soát và xử lý an toàn giao thông nhưng không được lấn chiếm lòng lề đường của người đi bộ. Anh biết sẽ bị phạt tiền thế nào không? Các anh phải biết mình đang làm gì? Các anh không trả lời được tôi à?”…..Xuyên suốt video, người quay liên tục khẳng định nhóm côn đồ cầm hung khí là “tiếp thị sữa” do CSGT sử dụng để “hỗ trợ” trong lúc làm nhiệm vụ. Người này cho biết, mình là “người trong ngành ra” nên có thể dễ dàng nhận dạng được “tiếp thị sữa” và mục đích quay video để “nói lên sự thật”, “giúp mang lại cuộc sống bình yên” cho người dân”.
Hết trích.
Dưới góc độ nào đó, việc phản ánh kiểu như thế cũng có mặt tích cực. Từ các tình huống mà nhóm Lê Chí Thành hay các nhóm khác quậy các tổ CSGT sẽ giúp cho CSGT luôn phải giữ mình, bình tĩnh xử lý các tình huống mới phát sinh, bao gồm cả những tình huống không có trong sách vở. Nó giúp CSGT phải tự trang bị cho mình kiến thức tâm lý, xã hội, kiến thức pháp luật không chỉ giới hạn trong phạm vi luật giao thông đường bộ nữa. Tình huống ấy cũng giúp CSGT hoàn thiện quy trình quy phạm tác nghiệp cũng như cách thức phản ứng nhanh, chính xác và đúng đắn trước những đòi hỏi (có lý và vô lý) của người dân như một đòi hỏi của thực tiễn khách quan.
Là người theo dõi rất nhiều các clip dạng này, không bàn đến ai đúng ai sai ở đây, dựa trên những căn cứ pháp luật, người viết có lời khuyên về quy trình đạo tạo, quy trình tác nghiệp và cách ứng xử đúng với các quy định của pháp luật, đúng với văn hóa của người Việt. Những góp ý này có thể không hoàn hảo, nhưng ít nhất nó cũng gợi mở nhiều vấn đề cho lực lượng CSGT khi gặp các tình huống như thế này.
1. Phải có đủ CSGT trong sạch, có bản lĩnh chính trị, chắc về nghiệp vụ.
Con người luôn là mấu chốt của mọi vấn đề. CSGT là lực lượng thường xuyên phải đối mặt với các vi phạm pháp luật của người tham gia giao thông, người chứng kiến và luôn là lực lượng động chạm đến lợi ích của người dân. Một khi đã động chạm đến lợi ích của người dân thì sẽ có phản ứng mà phần lớn là phản ứng tiêu cực. Đây là điểm khó nhất của CSGT.
Trước tiên CSGT phải có đủ điều kiện cần thiết về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn của một CSGT theo quy định của ngành công an. Nói gì thì nói, đây là ưu tiên số 1.
Về phẩm chất, nếu đúng quy định thì không còn gì để nói. Ngắn gọn lại là phẩm chất trong sạch, liêm khiết, chí công vô tư, tận tụy với công việc, có bản lĩnh chính trị để không bị tha hóa và đủ nhậy bén để phát hiện và xử lý vấn đề.
Về chuyên môn, CSGT tốt nhất là phải đúng chuyên ngành ở các bậc Trung cấp cho đến Đại học. Nói rõ điều này vì nhiều địa phương vẫn còn chuyện luân chuyển cán bộ xuất phát từ hậu cần, hoặc các lực lượng khác sang làm CSGT. Đội ngũ này kém về chuyên môn do không được đào tạo bài bản, nên khi va phải vấn đề xương xẩu là không thể giải quyết được, hoặc có phản ứng sai dẫn đến người dân bất bình.
Chuyên môn ở đây phải nói đến 3 khía cạnh (1) chuyên môn nghiệp vụ CSGT, bao gồm các kỹ năng hướng dẫn, điều tiết giao thông; kỹ năng xử lý các vụ tai nạn; kỹ năng tuần tra, kiểm soát; kỹ năng xử phạt hành chính, cưỡng chế vi phạm.. (2) chuyên môn về áp dụng pháp luật, bao gồm luật giao thông đường bộ, luật công an nhân dân, các quy định về xử lý vi phạm hành chính, luật báo chí, luật dân sự…; (3) Khả năng ứng xử chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp nghĩa là ứng xử bình tĩnh, nhanh chóng, chính xác, không có lời nói hay hành vi thừa, không bị cuốn theo mục đích của những kẻ gây rối, hướng các đối tượng bị kiểm tra đi vào mục đích chính của vấn đề. Điều đó cũng có nghĩa là ứng xử phải đúng mực, phù hợp với các quy định của pháp luật và hài hòa với các quy tắc ứng xử xã hội theo truyền thống văn hóa. Sự nghiêm túc, lịch sự, thân thiện, đúng mực của CSGT sẽ là yếu tố quan trọng để người dân chấp hành pháp luật. Điều này giúp giảm thiểu các phản ứng tiêu cực từ người dân hoặc những kẻ soi mói.
2. Có quy trình cụ thể để tác nghiệp.
Phải có kế hoạch. Đây là yêu cầu bắt buộc để làm cơ sở pháp lý cho tổ công tác làm việc. Kế hoạch này cũng làm cho hành vi của mỗi cán bộ trong tổ trở nên hợp pháp, được pháp luật cho phép và bảo vệ.
Có kế hoạch và dứt khoát phải thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng thời gian, khung giờ, địa điểm, cung đường, tuyến phố, số lượng người và phương tiện kèm theo và đúng mục đích được duyệt, trừ trường hợp được điều động đột xuất từ lãnh đạo, chỉ huy.
3.Chuẩn bị kỹ.
Chuẩn bị đủ quân số, đúng người cần, bao gồm cả lực lượng CSGT và các lực lượng khác đi kèm (CSCĐ, CSTT…) chuẩn bị đủ phương tiện cần thiết (sẽ nói ở mục sau); dự kiến các tình huống có thể xảy ra để có phương án xử lý thích hợp.
Phân công từng cán bộ đảm nhiệm các vai trò cụ thể: Người chịu trách nhiệm ghi biên bản, biên lai, người thu tiền, người điều tiết giao thông; người bắt giữ phương tiện vi phạm; người hỗ trợ và bố trí đội hình dự kiến.
Dự kiến địa điểm lập chốt kiểm tra, kiểm soát: Chọn vị trí theo quy định của ngành. Nên dự kiến vài địa điểm theo chu trình tuần tra. Địa điểm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, cho chính CSGT.
Địa điểm có đủ chỗ cho thiết lập hàng rào bảo vệ xe vi phạm tránh mất cắp, tránh cướp xe, tránh bị làm phiền khi lập biên bản.
Theo nghĩa hẹp, cần phải dự kiến cả một ô đất để kê bàn ghế làm việc, để giữ xe vi phạm với hàng rào, dây căng chuyên dụng hoặc cọc tiêu, kèm theo các biển báo.
Dự kiến các lực lượng sẽ phải phối hợp khi cần thiết: CSHS, CSCĐ, Công an phường, CSKT, CS phòng chống Ma Túy, Môi trường, dân quân tự vệ, và thậm chí là các ban ngành, các tổ chức dịch vụ khác.
4. Đủ phương tiện tác nghiệp.
Muốn làm tốt công việc cần phải có đủ các loại phương tiện thiết bị hỗ trợ, bao gồm: Ô tô, xe máy chuyên dụng, gậy hoặc vỉ điều tiết giao thông, đen pin (nếu làm ban đêm), còi cảnh sát, biển báo nguy hiểm, biển báo khu vực không được xâm phạm, cọc tiêu, trang phục phản quang, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện liên lạc, dây căng khu vực giới hạn cấm xâm nhập, cá biệt có vụ còn phải dùng đến biển cấm quay phim chụp ảnh…
Một trong các loại phương tiện quan trọng là máy đo tốc độ, máy truyền dữ liệu, máy sao dữ liệu, máy đo nồng độ cồn, máy in kết quả và máy quay video. Các loại phương tiện này để cung cấp cho người dân kết quả kiểm tra khiến họ tâm phục khẩu phục.
Riêng máy ghi hình, ghi âm phải phân công một CSGT quản lý và ghi nhận toàn bộ các sự việc. Máy ghi hình giúp cho CSGT không thể có hành vi tiêu cực đồng thời ghi nhận kết quả hoạt động thực thế của CSGT, để sau rút kinh nghiệm. Ý nghĩa khác là nó giúp ghi nhận toàn bộ sự việc khi có các đối tượng quấy rầy, hành hung người, hoặc bất hợp tác với CSGT để xử lý sau này. Đây cũng là nguồn tư liệu quý để tuyên truyền pháp luật trên báo chí và là nhu liệu để làm công tác truyền thông.
5. Đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng.
Tuần tra, kiểm soát, điều tiết giao thông hay xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ thì đương nhiên CSGT phải đóng vai trò chính.
Tuy nhiên, trên các tuyến giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông thường không chỉ giới hạn trong phạm vi vi phạm luật lệ giao thông đường bộ mà còn mở rộng ra các lĩnh vực khác, chăng hạn như: Gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, phá hủy phượng tiện hay tài sản công dân, buôn lậu, buôn bán vũ khí, chất độc, động vật hoang dã, phòng chống dịch bệnh… và thậm chí còn lợi dụng vụ việc để chính trị hóa các vấn đề xã hội, nhằm mục đích chính trị bẩn thỉu… Do đó, CSGT cần phải phối hợp với các lực lượng chức năng khác mới có kết quả.
Nói đến phối hợp thì phải nhịp nhàng, phải có kế hoạch phối hợp, phân công nhiệm vụ, có cơ chế trao đổi thông tin và phối hợp xử lý theo trình tự thủ tục pháp luật.
Muốn sự phối hợp đạt đến trình độ cao thì cần phải có quy chế phối hợp. Đây là điều cần phải hướng tới thay vì chỉ trích trong giai đoạn hiện nay.
Với các bộ phận trong nội bộ ngành công an, trước hết và chủ yếu là mỗi chốt, mỗi tổ phải phối hợp tốt với Trung tâm chi huy với phòng điều khiển trung tâm để kịp thời ứng phó với các sự cố hoặc cần điều động khi cần thiết. Sau nữa là phối hợp với các phòng ban, đơn vị bạn trong việc huy động, trưng dụng lực lượng, phương tiện. Đối với ngoài ngành thì CSGT phải phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức hay cá nhân đã nói ở trên.
6. Triển khai kế hoạch trên thực địa.
Sau khi di chuyển đến địa điểm lập chốt, cần nhanh chóng cắm cọc tiêu, biển báo, căng dây chuyện dụng, tạo ra một khu vực độc lập, an toàn cho cán bộ xử lý vi phạm và để bảo vệ tài sản của CSGT cũng như của người vi phạm.
Đây là khu vực người không có trách nhiệm không được phép vào, trừ khi có sự cho phép của tổ công tác. Vì thế, cần có biển báo đặt ngay bên ngoài, quy định rõ, đây là khu vực tác nghiệp, người không có trách nhiệm không được tự ý ra vào.
Về nguyên tắc, CSGT chỉ làm việc với người điều khiển phương tiện giao thông chứ không làm việc với người ngồi sau, người đi nhờ, kể cả chủ phương tiện. Hiểu rõ điều này để CSGT không cãi nhau, tranh luận vô bổ với người khác, dẫn đến lạc chủ đề và có thể mắc sai lầm. Nắm chắc nguyên tắc này thì CSGT chỉ cho người điều khiển phương tiện được phép vào khu vực làm việc đã căng dây chuyên dụng, đồng thời ngăn cản không cho các thành phần khác được vào trong khu vực này.
Khi tác nghiệp, CSGT phải thực hiện đúng lễ tiết, tác phong và trang phục theo đúng quy định của ngành công an, đủ phù hiệu, biển tên, và các loại giấy tờ cần thiết.
Các CSGT trực tiếp xử lý vụ việc phải chú ý không nói nhiều, chỉ giải thích 1 đến 2 lần theo quy định của pháp luật, không tranh cãi với người không có trách nhiệm và nếu bị ngăn cản tác nghiệp thì gọi ngay lực lượng phối hợp để xử lý.
Chú ý là, người dân được phép sử dụng phương tiện ghi hình đề giám sát CSGT làm việc. Theo tôi việc này rất tốt và nên khuyến khích. Việc giám sát của người dân đối với lực lượng CSGT chỉ xấu đi khi bị lợi dụng để thực hiện mục đích xấu.
Khi đã có khu vực làm việc được căng dây khoanh vùng và có biển báo cấm xâm nhập thì người dân chỉ được phép giám sát khi đứng bên ngoài dây căng đó. Làm được điều này, CSGT sẽ không bị phân tâm bởi các câu hỏi cù nhầy, không bị quấy rối, không bị những lời nói gây sự hay kích động của các đối tượng xấu, bởi họ không thể vào sát nơi anh ta làm việc. Nó cũng giữ an toàn cho CSGT và tránh được trường hợp các đối tượng xấu cướp giấy tờ, biên bản…
Nói thêm, theo quy định của Thông tư 67/2019/TT-BCA, người dân sẽ có 5 hình thức giám sát đối với lực lượng CAND trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó có hình thức giám sát qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Tuy nhiên khi giám sát lực lượng CSGT, mọi hoạt động giám sát của người dân không được gây cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT.
Nếu cố tình gây cản trở việc CSGT thực hiện nhiệm vụ bằng những hành vi cụ thể thì có thể phải chịu trách nhiệm hành chính với lỗi cản trở người thi hành công vụ theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Mức xử phạt có thể lên đến 5 triệu đồng. Vụ anh Lê Chí Thành là biểu hiện cao của sự vi phạm này.
Thậm chí nghiêm trọng hơn, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự vì tội Chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.
7. Có phương án ứng phó với các tình huống cụ thể khi bị quấy rầy.
Các dấu hiệu quấy rầy: Người bị kiểm tra vừa xuống xe là rút điện thoại quay video kèm theo là những câu hỏi hách dịch, những câu vu khống, kích động, xuyên tạc, bắt bẻ câu chữ, chỉ ra cái sai của CSGT, thái độ hùng hổ, chửi bới hỗn láo, vô văn hóa….Hãy nhớ rằng, khi không thấy CSGT có sai phạm gì, các đối tượng thường chỉ bừa một ai đó ở gần và vu đó là “tiếp thị sữa”. Hành vi quấy rầy cũng có thể là liên tục hỏi, vặn vẹo hoặc áp sát các CSGT khiến họ không thể làm việc…
Phương châm là hãy tôn trọng quyền quay phim của họ, bỏ ngoài tai những câu nói khó nghe, tập trung vào nhiệm vụ của mình. Hãy chào, thông báo lỗi và kiểm tra. Nếu họ tiếp tục chống đối không chấp hành cho kiểm tra thì cảnh báo lần 1, lần 2 và lần 3. Nếu không chấp hành thì phối hợp lực lượng xử lý theo quy định.
Với các trường hợp xâm nhập vào khu vực làm việc đã khoanh vùng bởi dây căng chuyên dụng thì cưỡng chế ra ngoài. Nếu cố tình xâm nhập thì có thể phối hợp bắt giữ.
Riêng chiến sĩ có được phân công vẫn tiếp tục quay phim tư liệu để bảo vệ mình và bảo vệ lẽ phải, làm căn cứ xử lý đối tượng sau này.
Tổ CSGT nên mang theo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công việc để có thể dẫn các điều luật, các quy định để người dân hiểu và chấp hành. Tất nhiên, các văn bản này không ngăn được các hành vi quá khích. Với họ, việc bắt giữ và phạt hành chính sẽ có tác dụng hơn nhiều.
8. Làm truyền thông.
Lâu nay, công tác truyền thông của CSGT có vẻ chưa tốt, khiến cho góc nhìn của người dân về CSGT chưa đúng.
Truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội nói chung và các vấn đến liên quan đến công việc của CSGT nói riêng. Truyền thông tác động đến nhận thức của công chúng, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của công chúng. Khi mà một ứng xử của công chúng được lặp đi lặp lại sẽ thành nề nếp, tập quán cuối cùng trở thành những chuẩn mực của xã hội. Nhờ đến truyền thông mà những vấn đề của CSGT được xã hội chấp nhận và lan truyền nhanh trong công chúng.
Trong lĩnh vực này, làm tốt truyền thông sẽ giúp các cơ quan nhà nước đưa thông tin chính sách, pháp luật về an toàn giao thông đến người dân, thuyết phục họ thay đổi về nhận thức và hành xử đúng pháp luật. Ở khía cạnh khác, truyền thông làm cho công tác của CSGT được minh bạch, trong sạch thông qua thông tin phản biện của người dân.
Đối với CSGT, ngoài việc trông đợi vào cơ quan truyền thông của Bộ công an, của các báo đài thì có lẽ họ cũng nên tự mình làm công tác truyền thông để lan tỏa những thông tin hữu ích, đúng đắn đến công chúng và giúp công chúng chắt lọc thông tin khi gặp phải những thông tin lộn xộn trên báo chí và mạng xã hội và cùng với công chúng lên án những hành vi tiêu cực của chính CSGT. Cách làm đơn giản nhất là cũng cấp các vụ việc cụ thể, các âm thanh, hình ảnh, tư liệu cho các cơ quan báo chí để nhờ họ lan tỏa đến quần chúng. Cách khác cũng rất khuyến khích là bản thân CSGT cũng có thể tự mình viết bài đăng trên báo, viết trên mạng xã hội về các vấn đề của mình, hoặc phản bác các vụ việc mà báo chí, hay mạng xã hội hiểu sai. Ngoài những nội dung đó, thì tuyên truyền phổ biến pháp luật về các vấn đề mà người dân còn đang hiểu sai trên thực tế để họ điều chỉnh hành vi cũng là một trong những cách hay. Nhưng nếu không làm tốt truyền thông, thì có lẽ hình ảnh về CSGT còn lâu mới sáng trước mắt người dân được.
Bài đã dài, tôi tạm thế đã, nếu được khuyến khích sẽ viết tiếp và viết sâu hơn nữa. Cuteo@ cảm ơn các anh chị em đã bỏ công sức đọc một bài dài hơn cán thuổng này.
Nguồn: Tre làng