Những gánh hàng hoa vẫn rực rỡ trên hè phố. Những cành lê trắng muốt vẫn nở tinh khiết trên những tuyến phố Hà Nội. Thế nhưng, khác hẳn với mọi năm, người dân Thủ đô đón Tết Nguyên tiêu, Rằm tháng Giêng Tân Sửu trong điều kiện bình thường mới với nhiều hình thức lần đầu tiên xuất hiện.
Dịch COVID-19 đã làm biến đổi những thói quen thường niên nhưng không vì thế mà ý nghĩa đặc biệt của Tết Nguyên tiêu bị phai nhạt trong mỗi gia đình người Hà Nội.
Tổ chức lễ cầu an trực tuyến
Trong những ngày lễ tết truyền thống của người Việt, Tết Nguyên tiêu, Rằm tháng Giêng là một ngày Lễ lớn.
Ngày 26/2 (15/1 âm lịch), chính là Tết Nguyên tiêu hay còn có tên gọi là Tết Thượng nguyên. Nhiều người có quan niệm rằng, “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Chính vì vậy, như thường lệ, vào ngày này, không khí cúng Rằm diễn ra nhộn nhịp ở khắp mọi nơi. Người dân thường lên chùa cầu an và cúng tại nhà.
Nhưng khác biệt rất lớn so với mọi năm, Rằm tháng Giêng năm nay ở Hà Nội, trước cửa các ngôi đền, chùa đều dán thông báo đóng cửa để phòng dịch COVID-19 theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại chùa Tảo Sách (quận Tây Hồ), chùa Hà (quận Cầu Giấy), đền Quán Thánh (quận Ba Đình), chùa Liên Phái (quận Hai Bà Trưng)…, khung cảnh vắng vẻ vì đóng cửa không đón khách. Người dân đến chùa chỉ thành tâm vái vọng từ phía ngoài cổng và không tụ tập làm lễ. Nhiều sạp bán đồ hàng mã trước cổng chùa cũng đóng cửa im lìm.
Thành kính bái lễ, cầu khấn trước cửa chùa Tảo Sách, chị Trần Thị Mơ cho biết, hàng năm vào dịp Rằm tháng Giêng, chị thường đến chùa làm lễ để cầu bình an, may mắn, hạnh phúc cho mọi người trong gia đình. Năm nay, chùa đóng cửa, chị tranh thủ đi ngang qua và chỉ dừng lại vài phút vái từ xa để tâm thoải mái, yên lòng.
“Việc nhà chùa đóng cửa, không nhận khách là cần thiết để tránh tụ tập đông người sẽ không an toàn nếu dịch bệnh chưa dứt. Năm nay dù chỉ vái vọng từ xa để cầu bình an cho cả nhà nhưng tôi vẫn hài lòng vì vừa để phòng dịch cho mình, gia đình mình và cộng đồng. Mong rằng, dịch bệnh sớm qua đi để những người dân Hà Nội lại sớm được thành tâm đi lễ chùa như bình thường”, chị Mơ chia sẻ.
Nét mới mùa Tết Nguyên tiêu năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh dễ phát tán, lây lan, có cơ sở tôn giáo tổ chức lễ cầu an đầu năm theo hình thức trực tuyến. Người dân có thể theo dõi buổi lễ qua mạng xã hội. Nếu như những năm trước đây, vào ngày này cảnh người dân la liệt bắc ghế ngồi từ trong chùa, ra cổng và tràn ra vỉa hè hàng hành, lớp lớp thì năm nay, chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) tổ chức Lễ cầu an đêm 14 tháng Giêng (âm lịch) và phát trực tuyến qua trang Facebook để các phật tử theo dõi, cùng tham gia khóa lễ. Trước cổng chùa cũng dán thông báo để phật tử biết lịch và theo dõi trên mạng xã hội. Đại diện chùa Phúc Khánh cho biết, hoạt động cầu an năm nay nhà chùa không thu phí và người dân tùy tâm công đức.
Cúng dường online
Đáng chú ý, Rằm tháng Giêng năm nay, một số chùa ở Hà Nội bắt đầu áp dụng hình thức rất mới trong văn hóa nghi lễ tại Hà Nội, đó là cúng dường online.
Thực tế, ở một số nước Đông Nam Á, cúng dường bằng hình thức quét mã QR đã có từ khá lâu thì từ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hình thức này cũng đã xuất hiện ở các chùa của Việt Nam, khi mà dịch bệnh có diễn biến phức tạp. Rằm tháng Giêng năm nay, rất nhiều người dân đã cúng dường online vì họ cho rằng phát tâm sẽ nhận phước báo, hình thức phát tâm cũng cần phù hợp với tình hình thực tế khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra.
Điều đặc biệt là thay vì phải chuẩn bị tiền lẻ, tiền mới như thông thường, giờ đây, chỉ cần với 1 chiếc điện thoại di động, người dân có thể quét mã QR tại các chùa để có thể cúng dường bày tỏ lòng thành. Không chỉ hạn chế việc đổi tiền lẻ, giúp minh bạch, công khai tiền công đức, mà thử nghiệm này còn nhằm đáp ứng nhu cầu được cúng dường của người dân trong tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến một số chùa đóng cửa.
Mặt khác, cúng dường online sẽ đáp ứng được việc tránh tập trung đông người. Bên cạnh đó là tránh được hiện tượng bấy lâu nay vẫn được phản ánh là việc đặt tiền lẻ lên tay tượng. Cúng dường online nhận được sự ủng hộ của nhiều người, bởi lẽ giá trị cốt lõi của cúng dường là phát tâm thiện. Giá trị này sẽ không mất đi dù phật tử chọn cúng dường online hay theo hình thức truyền thống.
Chia sẻ về hình thức nghi lễ mới mẻ này, chị Trần Minh Phương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: Mình có tâm thì ở đâu cũng nhận được sự phúc báo. Còn theo thời đại, hình thức sẽ phù hợp cho từng giai đoạn. Việc chuyển sang cầu cúng online, một số nơi có ý kiến trái chiều là không truyền thống nhưng với thế hệ trẻ ngày nay, hình thức này đáp ứng được nhiều tiêu chí, đặc biệt là hạn chế đi lại, tụ tập đông người. Đơn vị triển khai mã QR để nhận cúng dường online cũng triển khai nhiều biện pháp bảo mật, đảm bảo an toàn cho các giao dịch.
Đặt cỗ online
Lên chùa lễ Phật cầu an, ở nhà nấu cỗ cúng dường tổ tiên. Lễ cúng Rằm tháng Giêng là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Trong bối cảnh hạn chế tụ tập đông người phòng dịch bệnh, phần đông người Hà Nội đều lựa chọn ở nhà nấu cỗ thắp hương, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, thay vì đi lễ bên ngoài. Tùy điều kiện kinh tế của từng gia đình mà món ăn trên mâm cúng ngày Rằm khác nhau. Các món trong mâm cỗ có thể được điều chỉnh sao cho phù hợp và đầy đủ, tươm tất, thể hiện lòng thành kính của con cháu.
Tuy nhiên, cuộc sống bận rộn và tình hình dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp khiến dịch vụ đặt cỗ ngày Rằm tháng Giêng giao tận nhà cũng ngày càng được ưa chuộng hơn, đặc biệt là năm nay.
Dành thời gian lựa chọn thật kỹ, tham khảo ý kiến đánh giá của cộng đồng mạng, chị Lê Nhung, ở quận Thanh Xuân đã chọn được cho mình một cơ sở kinh doanh soạn cỗ online được người dùng đánh giá 5 sao trên ứng dụng gọi thức ăn. Chị Nhung chia sẻ, dù đặt cỗ nấu sẵn qua các ứng dụng tiện ích nhưng tôi thấy cơ sở này có thực đơn rất đầy đủ, đúng với truyền thống của người Việt. Mâm cỗ được chị Nhung đặt hàng online cũng có đầy đủ các vị (chua, cay, mặn, ngọt, bùi) tượng trưng cho sự hài hòa âm dương trong cuộc sống.
Giá mỗi mâm cỗ cúng dao động từ 1 đến 2 triệu đồng, tùy theo món. Anh Phong, đầu bếp của một nhà hàng dịch vụ nấu cỗ, bán hàng qua mạng tại quận Thanh Xuân cho biết, cỗ cúng Rằm tháng Giêng năm nay tại nhà hàng kết hợp đầy đủ các món truyền thống và các món hiện đại, giá từ 999.000 đồng đến 1,8 triệu đồng. Trong đó, mâm cỗ mặn có giá từ 999.000 đồng đến 1,5 triệu đồng được nhiều khách lựa chọn nhất.
Anh Phong cũng thông tin thêm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều gia đình có xu hướng cúng rằm đơn giản hơn. Nắm bắt xu thế này, nhiều nhà hàng đã tính đến phương án cắt giảm món ăn để mâm cỗ cúng có giá bình dân từ 500.000 đến 700.000 đồng/mâm. Nếu mâm cỗ truyền thống năm ngoái có giá tiền từ 1 triệu đồng trở lên bao gồm 8 – 10 món thì các mâm cỗ rằm năm này chỉ gồm 5 món.
Mỗi mâm cỗ sẽ có những món chủ đạo như bánh chưng, gà hấp, nem, canh măng, các món salad, nộm, rau củ quả ăn kèm cho đỡ ngán. Ngoài mâm cỗ, nhà hàng nơi anh Phong làm việc cũng nhận đặt cỗ theo món. Tùy theo nhu cầu của khách, có thể tự chọn món riêng rồi mới ghép mâm. Thậm chí, nhiều khách chỉ đặt một vài món theo sở thích.
Lên cổng chùa vái vọng, cúng dường online, dự lễ cầu an trực tuyến hay đặt cỗ cúng online, theo sự phát triển của thời đại và xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng có nhiều hơn những mô hình tâm linh thời đại số, đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu của xã hội, nhất là trong thời buổi dịch bệnh. Nghi thức cúng Rằm tháng Giêng, cầu bình an, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên vẫn là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt vượt qua dịch bệnh, tai ương.
Nguồn: Báo Tin tức