Từ lâu, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị cũng như các thế lực thù địch đã tích cực sử dụng chiêu bài đòi Việt Nam phải “nghiêng” về bên ngoài, không được hợp tác với bên kia trong các mối qun hệ quốc tế. Các đối tượng xấu ra sức tuyên truyền xuyên tạc chính sách đối ngoại của Việt Nam nhằm được Việt Nam đi vào quỹ đạo lệ thuộc đối với một số nước, từ đó tạo nền tảng để tấn công về chính trị.
Vừa qua, RFA Tiếng Việt lại đăng tải bài viết với tiêu đề “Việt Nam sẽ thế nào khi tiếp tục chính sách “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc?” Đây không phải là lần đầu tiên RFA tung ra bài viết có nội dung sai lệch về chính sách đối ngoại của Việt Nam. Thực tế, trò xuyên tạc chính sách đối ngoại, vu khống Việt Nam không “dứt khoát” trong quan hệ quốc tế, yêu cầu Việt Nam phải theo “phe này”, “phe kia” là một thủ đoạn thường xuyên được các trang mạng này “tận dụng”. Thông qua thủ đoạn này, điều mà chúng mong muốn là bó hẹp, cô lập mối quan hệ của Việt Nam với một số nước trên thế giới; mặt khác, bằng cách hướng lái chính sách đối ngoại, các thế lực thù địch hiện thực hóa âm mưu đưa Việt Nam đi vào quỹ đạo lệ thuộc, từ đó làm chệch hướng sự nghiệp cách mạng mà Việt Nam đang thực hiện.
Xuyên tạc chính sách đối ngoại của Việt Nam
Hiến pháp của Việt Nam ghi nhận rõ: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch và một số phần tử phá hoại, cơ hội chính trị vẫn không từ thủ đoạn xuyên tạc chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hơn nữa, những năm qua, mối quan hệ giữa Mỹ – Trung có những diễn biến căng thẳng. Lợi dụng mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc và Việt Nam – Hoa Kỳ để gia tăng hoạt động công kích. Những kẻ này đưa ra lập luận cho rằng việc Việt Nam bắt tay cả với Mỹ và Trung Quốc là đang thực hiện chính sách “đu dây”, không dứt khoát.
Đồng thời, RFA cũng rêu rao cho rằng những “hạn chế” trong sự phát triển về nhân quyền tại Việt Nam đang ngăn cản mối quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia dân chủ, đặc biệt là Mỹ. Thông tin được các đối tượng tung ra cho rằng: “Chính phủ (Việt Nam) ngày càng gia tăng (đàn áp) nhắm vào các blogger và luật sư, những người đại diện cho các nhà hoạt động nhân quyền và tự do tín ngưỡng, đặc biệt là những người mà giới chức quy kết là có liên quan đến các mạng lưới dân chủ hoặc phê phán chính sách của chính quyền đối với Trung Quốc”, “Phía Hoa Kỳ quan ngại về “thành tích” nhân quyền của Việt Nam, mà thành tích này đang bị “teo tóp” trong mấy năm vừa qua và điều này luôn là rào cản trong việc cải thiện quan hệ song phương.” v.v…
Việc Nam luôn độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế
Bàn về việc hợp tác quốc tế, có thể thấy Việt Nam luôn luôn sẵn sàng thiết lập mối quan hệ hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới, với bất cứ ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thực tế, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện. Riêng trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam vừa tăng cường quan hệ với Trung Quốc, vừa làm sâu sắc hơn quan hệ với Mỹ trên cơ sở mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước này ngày càng trở nên tốt đẹp, thực chất và hiệu quả hơn. Việc thiết lập và củng cố quan hệ ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc là đúng đắn, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, không phải là “đu dây” như luận điệu thâm độc được các thế lực thù địch rêu rao.
Đối với luận điệu cho rằng những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam ngày càng “teo tóp”, ngăn cản hợp tác ngoại giao của Việt Nam thì thực tế không cần nói nhiều, chính thực tế sinh động về thành tựu nhân quyền tại Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất bác bỏ luận điệu được rêu rao. Các giá trị nhân quyền tại Việt Nam là dành cho tất cả mọi người, chứ không phục vụ riêng cho những yêu sách của một số đối tượng chống đối núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”.
Việt Nam luôn độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế. Không một ai, không một thế lực nào có thể chống phá chính sách đối ngoại của Việt Nam, yêu cầu Việt Nam phải “nghiêng” về “phe này”, chạy theo “phe kia”.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Cánh cò