Giành được danh hiệu Grand Slam thứ 18, tiếp tục biến giải Australia mở rộng thành vương quốc riêng của mình, Novak Djokovic đi vào lịch sử giải đấu với những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”.
Melbourne – “đất mẹ” của Nole
Kỷ lục được viết tiếp ở giải đấu ra đời cách nay 116 năm, với 109 kỳ tổ chức (tính cả năm nay), Djokovic lần thứ 9 trong sự nghiệp giành chiến thắng trên mặt sân cứng ở Melbourne trong tổng số 9 lần vào chung kết giải Australia mở rộng. Nole trở thành tay vợt thứ 2 trong lịch sử giành được 9 danh hiệu Grand Slam ở một giải đấu, kém Rafael Nadal (Tây Ban Nha), người giành được 13 Grand Slam tại Roland Garros.
Bảo vệ thành công “ngôi vương” tại giải đấu trong 3 năm liên tiếp, giành được danh hiệu Grand Slam thứ 18 trong sự nghiệp, Djokovic chỉ còn kém 2 danh hiệu so với kỷ lục của bộ đôi Roger Federer (Thụy Sĩ) và Rafael Nadal.
Bên cạnh đó, Djokovic còn san bằng kỷ lục của Nadal, trở thành tay vợt giành được 6 Grand Slam sau khi bước qua tuổi 30. Ở tuổi 33, Djokovic – người cha của hai đứa con – chắc chắn chưa dừng lại, mà còn hướng đến những cột mốc mới trong sự nghiệp.
Kể từ lần vô địch giải đấu lần đầu tiên năm 2008, Djokovic chỉ để thua có 4 trận tại Melbourne. Các trận thua trước các đối thủ Andy Roddick và Jo-Wilfried Tsonga ở tứ kết các giải đấu năm 2009 và 2010; thua trước Denis Istomin và Chung Hyeon ở các giải đấu năm 2017 và 2018. Kỷ lục này có thể thua Nadal (người chỉ để thua 3 trận trên mặt sân đất nện sở trường) nhưng sân đất nện hoàn toàn khác với sân cứng – nhiều tay vợt thi đấu xuất sắc trên mặt sân cứng. Điều đó khiến chiến thắng của Djokovic thêm phần đặc biệt. Nhiều chuyên gia nhận xét, Djokovic như thể cảm nhận được cả từng thay đổi nhiệt độ ở Melbourne.
Không có ai giành được nhiều Grand Slam trên mặt sân cứng như Djokovic. Federer, Pete Sampras và Jimmy Connors đều 5 lần vô địch giải Grand Slam trên mặt sân cứng Mỹ mở rộng. Cùng với đó, Federer, Andre Agassi và Mats Wilander là ba tay vợt 2 lần vô địch giải Grand Slam trên mặt sân cứng Australia mở rộng. Như vậy, kể cả thành tích của “huyền thoại sống” Federer trên mặt sân cứng cũng chưa thể so sánh được với Djokovic.
Bảo vệ thành công chức vô địch lần này trên “thánh địa” Melbourne, Nole tiếp tục giữ vững ngôi số 1 thế giới cùng số tiền thưởng hơn 1,5 triệu USD, là tay vợt nam thành công nhất trong lịch sử Australia mở rộng và ở trong khoảng cách có thể trở thành tay vợt nam thành công nhất lịch sử Grand Slam.
Nối dài hành trình chinh phục
Năm 2016, Djokovic đang trên đỉnh cao phong độ bỗng nhiên sa sút vì những rắc rối cá nhân, để rồi rơi xuống “đáy” năm 2017, khi bị loại ngay từ vòng 2 Australian mở rộng, dừng bước ở tứ kết Roland Garros và Wimbledon. Đến US Open năm đó, Nole vắng mặt.
Đầu năm 2018, khó khăn tiếp diễn với tay vợt người Serbia khi anh bị loại khỏi vòng 4 ở Australia mở rộng và phải dừng bước ở tứ kết Pháp mở rộng.
Phải tới Wimbledon 2018, rồi Mỹ mở rộng năm đó, Djokovic mới có thể trở lại là chính mình với những chiến thắng ấn tượng.
Kể từ Wimbledon 2018 đến nay, trong 10 kỳ Grand Slam đã diễn ra, Djokovic áp đảo với 6 lần vô địch. Và nếu không có sự cố đánh bóng trúng trọng tài ở Mỹ năm 2020, thành tích của Nole có thể còn ấn tượng hơn.
Đây được xem là thời điểm Djokovic ở trong kỷ nguyên chiến thắng thứ hai của bản thân, chinh phục cột mốc 18 Grand Slam.
Djokovic có tham vọng ẵm trọn 4 danh hiệu Grand Slam trong năm 2021, điều anh chưa từng làm được trước đây, để vượt qua Nadal và Roger Federer – những người đang cùng chia sẻ kỷ lục 20 danh hiệu Grand Slam.
Và với anh, cuộc cạnh tranh Grand Slam với Federer và Nadal giống như một động lực. “Chừng nào Federer và Nadal còn thi đấu, tôi sẽ còn nỗ lực để giành danh hiệu.” – Djokovic chia sẻ vui như vậy sau chức vô địch ở Grand Slam đầu tiên trong năm. Ở tuổi 33, chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc săn danh hiệu của Djokovic chậm lại.
Nguồn: Báo Tin tức