Cộng đồng mạng đang xôn xao về đoạn clip được phát tán trên mạng xã hội; theo đó, một nam sinh cấp 3 khi bị cô giáo thu điện thoại trong giờ học. Nam sinh này lớn tiếng yêu cầu cô trả đồ, đồng thời văng tục, chửi rủa. Nhiều bạn can ngăn nhưng cậu học sinh ngày càng hung hăng. Đỉnh điểm, nam sinh lao lên bục giảng, giật chiếc điện thoại trên bàn và tát thẳng vào mặt cô giáo. Hiện chưa rõ trường hợp này diễn ra ở địa phương, trường học và thời gian nào; cũng không loại trừ khả năng đây là cảnh được dàn dựng. Tuy nhiên, nhìn vào những gì đang xảy ra khiến cho mỗi người trong chúng ta không khỏi suy nghĩ?
Ảnh: Học sinh tát giáo viên ngay tại bục giảng (Ảnh cắt từ clip)
Hành vi trên thật đáng buồn, khi một nghề danh giá như nhà giáo đã bị chà đạp một cách không thương tiếc. Trông xưa lại ngẫm đến nay, nghĩ mà buồn cho “thân phận của người thầy” trong thời buổi ngày nay. Còn đâu cái gọi là “Tiên học lễ, Hậu học văn”. Hành vi đáng lên án nêu trên xuất phát từ những lý do sau:
Thứ nhất, đó là những áp lực đến từ mạng xã hội. Trong thời buổi hiện nay, khi mà giáo dục chịu nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là khi mạng xã hội xuất hiện thì thầy cô giáo cũng đứng trước áp lực rất ghê gớm từ nhiều phía. Chưa nơi đâu dưới gầm trời này lại có nhiều “quan tòa” như ở Việt Nam; chỉ cần nhìn qua sự việc chưa cần xem xét kỹ bản chất vấn đề nhưng những “quan tòa” đã vội vàng “phán xét, kết án, luận tội” giáo viên.
Thứ hai, đến từ phía các cơ quan chức năng, nhà trường. Không ai cổ súy cho bạo lực học đường hay xâm phạm thân thể học sinh nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức chấp nhận được như bắt quỳ, đứng úp mặt vào tường, thậm chí là dùng thước đánh vào mông đối với những học sinh cá biệt, không chịu học tập thiết nghĩ chẳng có gì quá to tát. Thế rồi, các cơ quan chức năng thay vì xem xét kỹ bản chất vụ việc để có biện pháp xử lý cho minh tường thì lại chạy theo vuốt đuôi quần chúng, bảo sao mà học trò không ngang ngược đánh cả thầy cô giáo; bảo sao mà một số phụ huynh chẳng nhảy chồm lên ngồi xổm trên đầu, trên cổ giáo viên.
Thứ ba, để dẫn đến hành vi sai trái ngang ngược như trên chính là do gia đình và chính người học. Khi mà chính gia đình học sinh không hiểu được vấn đề người dạy dỗ con cái mình nhiều nhất, sát nhất, cả mặt kiến thức và đạo đức chính là người thầy, người cô ở Nhà trường. Chính gia đình đã thiếu đi sự phối hợp với nhà trường và xã hội để chung tay giáo dục nhân cách một con người. Để rồi đã biến những đứa con của mình thành những ông “Vua con”, sẳn sàng dẫm đạp lên chính những người thầy, người cô để bảo vệ cho con cái mình mà dù biết con mình đã làm sai.
Người xưa dạy người rất chú trọng đến việc giáo dục cái tâm, cái nết của con trẻ, lấy tâm làm nền tảng để giáo dục, uốn nắn con người. Hình thức bên ngoài cũng rất quan trọng nhưng nội tâm mới là yếu tố quyết định. Giáo dục một con người trở nên hoàn thiện phải từ nơi chính tâm, biết điều hay, lẽ phải có thế khi lớn lên mới mong tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ.
Trẻ con phải được giáo dục, phải được sự chung tay từ gia đình, nhà trường và xã hội; khuyến khích những việc làm tốt, trách phạt những việc làm sai; để rồi khi lớn lên trẻ em biết đâu là đúng đâu là sai; chứ không phải là bảo vệ tất cả những gì chúng làm; làm như thế là giết chết cả một thế hệ.
Liên quan đến vụ việc này, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Công an để xác minh tính xác thực của clip nêu trên. Theo nguồn tin, hiện các cơ quan chức năng đã có facebook của người đăng tải đoạn clip lên mạng xã hội./.
Huyền Pha
Nguồn: Người con Đất Mẹ