“4 giờ 17 phút ngày 17/2/1979, giữa lúc nhân dân Hoàng Liên Sơn đang ngủ ngon thì bất thình lình hàng loạt đạn đại bác từ phía Bắc giội tới làm khắp biên giới bốc lửa ngùn ngụt. Hàng loạt quả đại bác thi nhau trút xuống thị xã Lào Cai, Cốc Lếu, nhằm thẳng các cơ quan, nhà máy…”
Từ mờ sáng 17/2 đến 5/3/1979, Trung Quốc huy động 600.000 quân, mở cuộc tấn công quy mô lớn gồm nhiều quân đoàn, tập đoàn quân trên dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng đến Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu).
Mặc dù, quân Trung Quốc đông đảo như vậy nhưng những từ “run sợ” hay “lo sợ” chưa bao giờ có trong tư duy quân sự cũng như trong suy nghĩ của người Việt Nam.
Ngày 5-3, Chủ tịch Tôn Đức Thắng công bố Lệnh tổng động viên toàn quốc “để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc”.
Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi lệnh tổng động viên:
“Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa.
Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ…
Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc”.
Không khí sục sôi của những ngày tháng ấy cũng hiện lên rõ nét trong từng nét mặt sống, chiến đấu của quân và dân Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.
Chiến Nguyễn
Nguồn: Nghệ An thời báo