Hôm nay, ngày 17/2/2021, Viễn tôi cũng như nhiều đồng bào cả nước lại nhớ về ngày 17/2/1979, ngày mà Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới với phát biểu cuồng ngôn “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Ngược dòng lịch sử, sau khi đã chuẩn bị kỹ càng, đêm 16 rạng sáng ngày 17.2.1979 (tức là đêm thứ Bảy rạng ngày Chủ nhật), lợi dụng trời tối, sương mù, phía Trung Quốc bí mật đưa lực lượng lớn quân đội vượt biên, luồn sâu, ém sẵn ở nhiều khu vực toàn tuyến biên giới, từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu). Đồng thời, triển khai đội hình gồm một lực lượng lớn áp sát biên giới chuẩn bị tấn công.
Việc mở cuộc chiến tranh trên biên giới phía Bắc (theo giới quân sự và sử học) là nhằm giúp Trung Quốc hy vọng thực hiện được 5 mục tiêu:
– Một là cứu chế độ diệt chủng Pon Pol;
– Hai là tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ để giúp họ xây dựng bốn hiện đại hóa (nông nghiệp, công nghiệp, quân đội, khoa học – kỹ thuật);
– Ba là phá hoại nền quốc phòng và làm nền kinh tế của ta suy yếu;
– Bốn là uy hiếp Lào từ phía Bắc để suy yếu liên minh chiến đấu Việt – Lào;
– Năm là thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận thế giới.
Với truyền thống quật cường và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bắt đầu từ ngày 17.2.1979 đến giữa đầu tháng 3.1979, quân và dân cả nước ta, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc lại đứng lên đánh đuổi quân thù xâm lược ra khỏi bờ cõi.
Cụ thể, trên mặt trận Lạng Sơn (Quân khu 1), mở đầu đợt tấn công đối phương sử dụng các Quân đoàn 43, 55 và 54 (dự bị), có 160 xe tăng, xe bọc thép, 350 pháo cơ giới chia làm nhiều mũi đánh vào bản Chắt (Đình Lập), Chi Ma, Ba Sơn (Lộc Bình), Tân Thanh, Tân Yên (Văn Lãng) và khu vực thị trấn Đồng Đăng. Trên mặt trận Cao Bằng (Quân khu 1), sáng 17.2.1979, Trung Quốc huy động 2 quân đoàn (41, 42) và Quân đoàn 50 (thiếu) làm lực lượng dự bị, hai Trung đoàn địa phương là Quảng Tây, 4 Trung đoàn độc lập, 225 xe tăng, bọc thép, hơn 300 pháo cơ giới cùng nhiều đơn vị sơn cước chia làm hai cánh: Một do Quân đoàn 41 đảm nhiệm tiến công vào Thông Nông, Hà Quảng; Một cánh do Quân đoàn 42 đảm nhiệm tiến công vào Phục Hòa, Đông Khê. Mục tiêu là đánh vào thị xã Cao Bằng và tiêu diệt Sư đoàn 346 của ta. Trên mặt trận Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái – Quân khu 2), từ 4 giờ sáng ngày 17.2.1979, Trung Quốc dùng pháo binh bắn phá một số mục tiêu của ta. Sau đó, huy động 2 quân đoàn (13, 14) và một sư đoàn thuộc Quân đoàn 50 cùng một số Trung đoàn địa phương gồm 10 xe tăng, bọc thép và 450 khẩu pháo chia làm hai cánh: Một đánh vào thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường; hai đánh vào Mường Khương, Bản Phiệt, Phố Lu. Trên mặt trận Lai Châu (Quân khu 2), phía Trung Quốc huy động Quân đoàn 11 đánh vào Pa Nậm Cúm, Nậm Cáy, Nâm Xe và mục tiêu chính là thị trấn Phong Thổ… Trên mặt trận Hà Tuyên (nay là Hà Giang) phía Trung Quốc huy động 2 sư đoàn và một số trung đoàn địa phương chia làm ba mũi tấn công vào khu vực Thanh Thủy, Đồng Văn và Mèo Vạc. Trên mặt trận Quảng Ninh, Trung Quốc tấn công vào Than Phán (Móng Cái) và Cao Ba Lanh (huyện Bình Lưu)…
Trước sự phản kháng mạnh mẽ của quân và dân ta, cộng với những tổn thất to lớn nên từ ngày 5.3.1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả các hướng.
Cuộc chiến tranh biên giới, chúng ta đã gây thiệt hại nặng nề cho phía Trung Quốc. Theo thống kê, tính từ 17.2.1979 – 18.3.1979 (không kể cuộc chiến đấu 10 năm ở chiến trường Vị Xuyên), quân và dân ta đã gây tổn thất cho 9 quân đoàn chủ lực Trung Quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 Trung đoàn, 18 Tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo…
Nhắc lại, nhớ lại chiến tranh biên giới để thấy rằng Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta mãi mãi không bao giờ quên tội ác của bè lũ bành trướng Bắc Kinh.
Nhắc lại để ta không bao giờ quên được công lao của các anh hùng thương binh, liệt sĩ cũng như những đồng bào vô tội đã ngã xuống vì biên cương Tổ quốc
Nhắc lại để chúng ta không bao giờ mất cảnh giác với người láng giềng Bắc Kinh, dù ngoài mặt họ có hô hào tốt đến bao giờ nữa thì họ cũng không bao giờ thay đổi dã tâm xâm lược, khống chế Việt Nam.
Nhắc lại, không phải để kích động hận thù mà để chúng ta có những quyết sách đúng đắn và khôn khéo hơn trong quan hệ với ông bạn to xác mà bẩn tính Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh hội nhập và tranh chấp biển Đông căng thẳng.
Nhân dân không quên Chiến tranh biên giới.
Viễn tôi cũng sẽ không bao giờ quên chiến tranh biên giới.
Viễn
Nguồn: Dân quyền