Trang chủ Luận bàn - Phản biện Chiến tranh biên giới 1979 – tưởng nhớ để tri ân thế...

Chiến tranh biên giới 1979 – tưởng nhớ để tri ân thế hệ cha ông

182
0

Chiến tranh mang lại những nỗi đau thương, mất mát khôn cùng, ngày 17.2.1979 chính là ngày mà cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã nổ ra; ngày mà hàng ngàn con em chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Chúng ta tưởng nhớ đến ngày này để nhắc tỏ lòng biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ biên cương tổ quốc, vào ngày này năm 1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã điều động một lượng lớn quân đội và vũ khí hiện đại nhất mà họ có lúc đó tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía bắc nước ta. Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân (chưa kể dân công hỏa tuyến phục vụ), tấn công trên toàn tuyến biên giới từ Quảng Ninh đến Phong Thổ dài trên 1.000 km, tập trung vào 3 khu vực Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai với Lào Cai là trọng điểm. Ngoài ra Trung Quốc còn mang theo mấy trăm máy bay, và một số tàu chiến thuộc hạm đội Nam hải sẵn sàng tham chiến khi cần thiết.

Chiến tranh biên giới 1979 – tưởng nhớ để tri ân thế hệ cha ông

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện chiến lược, Bộ công an: “Đây là một cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc Việt Nam. Về bản chất, nó không khác gì các cuộc kháng chiến oanh liệt trong lịch sử như nhà Lý chống quân Tống, nhà Trần chiến thắng quân Nguyên, nhà Lê tiêu diệt quân Minh, và Quang Trung Nguyễn Huệ đánh thắng nhà Thanh.”

Ấy vậy mà vào ngày này, các thế lực thù địch lại lợi dụng, lấy cớ “kỷ niệm chiến tranh biên giới 1979” để ra sức tuyên truyền các luận điệu cực đoan, cố tình xuyên tạc lịch sử, kích động, gây chia rẽ mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Trên một số diễn đàn phản động như: Viettan, RFA, VOA, BBC không khó để tìm các bài viết mà các phần tử phản động bày tỏ sự quan tâm, tỏ ra yêu nước, kêu gọi dân ta cần tôn vinh, kỉ niệm sự kiện này nhưng trên thực tế là lồng ghép nhiều thông tin sai lệch, mị dân để lôi kéo người dân vào âm mưu đê hèn của bọn chúng. Bên cạnh đó, các đối tượng còn tuyên truyền rằng Đảng và Nhà nước ta hạn chế tự do báo chí, không cho tổ chức kỉ niệm sự kiện này…

Tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đó là sự thật không thể chối cãi. Có thể nào nghĩ rằng Việt Nam vừa ra khỏi cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt kéo dài 30 năm, đang tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh và đứng trước vô vàn khó khăn lại có thể khiêu khích Trung Quốc, một nước lớn, một nước XHCN đã ủng hộ và giúp đỡ mình trong cuộc chiến tranh cứu nước vừa qua? Thực tế là quân dân Việt Nam khi đó đã phải chống lại một cuộc chiến tranh biên giới to lớn để bảo vệ biên cương tổ quốc.

Trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang cùng nhân dân địa phương phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, sử dụng lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 trực tiếp chiến đấu và điều động một bộ phận lực lượng của các quân khu, các tỉnh phía sau lên tăng cường. Điển hình là Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo và điều động Sư đoàn Bộ binh 327 (Quân khu 3), Sư đoàn 337 (Quân khu 4) cơ động lên Quân khu 1; điều động 4 tiểu đoàn bộ đội địa phương TP Hà Nội lên mặt trận Lạng Sơn, 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương Hải Phòng đến mặt trận Quảng Ninh và 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Hà Sơn Bình lên mặt trận Hoàng Liên Sơn. Ngoài ra, đầu tháng 3-1979, Quân đoàn 2 nhanh chóng chuyển toàn bộ lực lượng từ Campuchia về tập kết ở khu vực phía Bắc Hà Nội bí mật, an toàn, sẵn sàng bảo vệ biên giới phía Bắc.

Đến năm 2019, tròn 40 năm kể từ ngày diễn ra cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, chúng ta lần đầu tiên tổ chức một Hội thảo khoa học quốc gia về Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – 40 năm nhìn lại (1979 – 2019). Tại đây, nhiều nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử đều chung nhận định, cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979 của nhân dân Việt Nam là một sự kiện lịch sử rất quan trọng, cần có vị trí xứng đáng trong các bộ lịch sử của dân tộc.

Đánh giá về bài học rút ra từ quá khứ mất mát trong cuộc chiến này, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng:

“Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu. Xưa đến nay, ta rất chú trọng xây dựng quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc dù trong lịch sử hai nước đã có bao lần xung đột. Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần một môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước và cần những bạn bè tốt để hợp tác nên Việt Nam càng coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc – một nước lớn đang có những bước phát triển thần kỳ.

Nhưng như bất cứ dân tộc nào, chủ quyền quốc gia đối với Việt Nam là thiêng liêng và chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá, đồng thời chúng ta chủ trương mọi tranh chấp lãnh thổ được giải quyết bằng phương pháp hòa bình, có sự tôn trọng lẫn nhau.

Trong đấu tranh, chúng ta đã làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, luôn giữ vững lập trường nguyên tắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, nhưng vẫn linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược.”

Như vậy, chúng ta tưởng niệm ngày 17.2.1979 là để tỏ lòng biết ơn, tri ân đối với các thế hệ cha ông đã ngã xuống để bảo vệ dải biên cương của Tổ quốc, đồng thời giáo dục truyền thống dân tộc cho các thế hệ trẻ tiếp bước người đi trước, chứ không vì mục đích kích động hận thù, gây chia rẽ quan hệ Việt Nam – Trung Quốc như các đối tượng đang rêu rao. Nhận thức đầy đủ bản chất cuộc chiến tranh biên giới 1979 cũng như thấu hiểu được sự mất mát, hi sinh của những anh hùng dân tộc giúp chúng ta vạch rõ bộ mặt trơ tráo của các thế lực thù địch lợi dụng sự kiện này công kích, chống phá Đảng và Nhà nước./.

Hoa sữa

Nguồn: Người con Đất Mẹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây