Trang chủ Chính trị Sự vĩ đại của một Phó Thủ tướng Chính phủ

Sự vĩ đại của một Phó Thủ tướng Chính phủ

121
0

Ông là Trương Vĩnh Trọng, người dân Bến Tre gọi ông với tên thân thương là chú Hai Nghĩa, nguyên là Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, vừa mới từ trần.

Sự vĩ đại của một Phó Thủ tướng Chính phủ

Thuở trên đỉnh cao quyền lực, ông từng nhiều năm phụ trách công tác nội chính, quản lý trực tiếp các ngành trọng yếu của Đảng và Chính phủ như Thanh tra, Nội vụ, Bảo vệ Chính trị nội bộ, Tòa án, Viện Kiểm Sát… Nhưng khác hẳn với nhiều quan chức cao cấp khác, ông Hai Nghĩa không thích đồng hồ xịn, không có xe hơi sang, không uống rượu ngoại, không mặc quần áo đắt tiền… Hành trang vị Phó Thủ tướng quyền lực mang theo cuộc đời mình chính là sự thanh liêm, chính trực, là cái nghĩa khí của một anh Hai Nam bộ dân dã, thương dân.

Ông là một Phó Thủ tướng quyết đoán trong công việc, sẵn sàng cứu giúp biết bao người dân bị oan sai kêu cứu. Thời làm báo của mình, tôi đã từng đọc hàng trăm trang hồ sơ các vụ kêu cứu của dân đối với chính quyền các địa phương trong chính sách thu hồi đất đai, giải quyết khiếu kiện… và trong số đó, rất nhiều bà con người dân đã được Phó Thủ tướng Chính phủ đích thân chỉ đạo các địa phương giải quyết quyền lợi cho người dân.

Tuyệt nhiên, theo hiểu biết của mình, tôi biết ông Hai Nghĩa chưa từng đòi hỏi bất cứ điều gì cho cá nhân mình từ bất cứ đơn thư khiếu kiện nào. Ông là một lãnh đạo thực sự làm việc bằng cái tâm trong sáng, bằng một góc nhìn dân dã nhưng không kém phần quyết đoán, mạnh mẽ.

Trong nhiều năm ông Hai Nghĩa làm Phó Thủ tướng, tôi có may mắn được tháp tùng ông trong các lần công tác. Ông hay gọi tôi đến nhà công vụ T78 thuộc Văn phòng Trung ương Đảng tại phía Nam để hàn huyên tâm sự và dùng cơm. Trong các buổi cơm chỉ có Phó Thủ tướng, tôi và anh Thư ký riêng, phần cơm mà ông thường dùng chỉ là ít rau dưa xanh, một dĩa mắm Nam bộ, ít thịt và canh rau, chẳng bao giờ có bất cứ thứ sơn hào hải vị gì.

Ông Hai Nghĩa là thế, cuộc đời cứ lẳng lặng và đơn thuần, bình dân như thế. Tôi từng chứng kiến rất nhiều lần các doanh nghiệp cầm phong bì đến tặng quà cám ơn ông, nhưng như một thói quen, nhiều người ông từ chối thẳng thừng. Cái lý lẽ đơn giản mà tôi hay nhớ ông nói là: Mình có tiêu xài cái gì đâu, lương Nhà nước trả đủ sống rồi mà…

Trái ngược với ông lúc đó, tôi đi nhiều nơi và thấy rằng nhiều quan chức cấp quận, phường xã đã có cuộc đời sang giàu gấp nhiều lần vị Phó Thủ tướng chân chất. Ít ai biết rằng, ông Hai Nghĩa làm quan chức cao, quyền lực đáng nhẽ “hét ra lửa” nhưng ông hay dùng quyền của mình chỉ để xin từ thiện cho bà con nghèo, tặng chùa chiền và làm phúc đức cho người dân. Chẳng bao giờ ông lấy của ai thứ gì, cũng chẳng màng đến danh lợi phù du và bổng lộc. Ông dạy hai người con của mình là Trương Vĩnh Tùng và Trương Thị Thanh Trúc một cách kỹ lưỡng, hai con ông ai cũng ngoan và hiền từ lễ nghĩa vì học được từ Cha tư duy đạo đức, chính nghĩa.

Giai đoạn cuối cùng ông làm Phó Thủ tướng, tôi có dịp được ông thương và tháp tùng rất nhiều việc cùng ông, điều mà tôi thương và kính nể ông thực sự chính là sự liêm khiết đến tận cùng, tư duy đạo đức trong sạch và tấm lòng thương dân vô cùng. Ông chính là người thẳng thắn xin kết thúc công tác đúng nhiệm kỳ để về an thú điền viên, trồng cây tại quê nhà Bến Tre. Trước khi nghỉ, điều mà ông chỉ đạo quyết liệt nhất chính là rà soát lại những văn bản cần ký giúp cho dân nghèo nơi tận xa, đó là các quyết định cứu người oan sai, xử lý nghiêm những cán bộ địa phương ép dân, lạm quyền.

Ông không thu vén bất cứ thứ gì cho mình, ngày hôm trước kết thúc công tác thì ngày hôm sau ông đã gương mẫu trả nhà công vụ, trả phòng làm việc và lặng lẽ dọn phòng ra khỏi Văn phòng Chính phủ. Ngay cả việc chỉ đạo nhân viên dọn phòng, ông cũng không cần, ông chỉ thích tự mình dọn dẹp đồ dùng cá nhân như một viên chức nhỏ cần mẫn và lặng thầm.

Suốt đời làm quan của ông, ông đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, trong sáng đến tận cùng. Nhưng ít ai biết, rất nhiều quan chức cao cấp sau này như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Viện trưởng Tối cao Lê Minh Trí, Tổng Thanh Tra Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong… đều đã từng là người cấp dưới trực tiếp, được đích thân Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo và đào tạo nâng đỡ. Những người từng dưới quyền chỉ đạo của ông hầu như đều nhớ và thương cái tính cách bình dân, đạo đức, nụ cười hiền lành chất phác của ông. Ông sẽ bảo vệ lính tới tận cùng, điều gì đúng sai ông nhận ra rất rõ. Việc ông làm và ký thì ông sẵn sàng chịu trách nhiệm trước tổ chức, không bao giờ đổ thừa cho cấp dưới – đó là tính cách bản lĩnh của ông Hai Nghĩa mà nhiều người còn nhớ như in.

Người ta thường nói, “cọp chết để da, người chết để tiếng”, sự ra đi của Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (ông Hai Nghĩa) đúng thật là một điều đau đớn. Dẫu biết quy luật sinh tử của đời người là để Ông Hai Nghĩa về vùng đất Phật, nhưng hình ảnh một con người nhân hậu, thương dân, tôn trọng đạo làm quan và đạo đức làm người như ông khiến tôi không sao quên được.

Ông Hai Nghĩa không tỏa sáng cho bản thân mình mà chỉ lặng thầm bên những chiếc áo sơ mi cũ kỹ lắm bùn lầy, đội nón trồng cây khi về hưu. Nhưng chính sự lặng thầm đã khiến cuộc đời ông trở nên vĩ đại. Ông thật sự là người vĩ đại vì lúc này, bà con nông dân ở vùng ông ở, những người quen biết ông ai cũng thương và khóc hết nước mắt vì nhớ ông. Ông Hai Nghĩa thương mến…!

Vĩnh biệt Ông !

Nhà báo Tường Minh


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây