Trang chủ Luận bàn - Phản biện Bảo vệ dữ liệu cá nhân có ảnh hưởng ‘nhân quyền’?

Bảo vệ dữ liệu cá nhân có ảnh hưởng ‘nhân quyền’?

151
0

Nhằm hoàn thiện hệ thống các văn bản, nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, Bộ Công an mới đây đã công bố Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân (lần 2), qua đó lắng nghe, ghi nhận những góp ý, phản hồi từ các cơ quan, tổ chức và công dân. Tuy nhiên, thay vì những đóng góp mang tính xây dựng, nhiều tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã cố ý đưa ra những quan điểm sai lệch nhằm mục đích phá hoại.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân có ảnh hưởng ‘nhân quyền’?
Bài viết mang nặng tính chủ quan, phiến diện trong đánh giá các vấn đề pháp lý

Những lý lẽ bị giấu nhẹm “một nửa”

Ngày 16/02/2021, trang mạng RFA Tiếng Việt dẫn lời một người được cho là thạc sỹ chuyên ngành Nhân quyền (không rõ danh tính) cho rằng quy định tại Điều 6, Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân “đi ngược lại với tinh thần tôn trọng quyền con người tại Hiến pháp năm 2013 và Luật Nhân quyền quốc tế”. Theo người này, việc sử dụng các thuật ngữ như “an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng, đạo đức xã hội,…” làm điều kiện để yêu cầu các bên phải tiết lộ dữ liệu cá nhân là “mơ hồ và có phạm vi rộng”. Thậm chí, vị thạc sỹ nọ còn dẫn chứng hàng loạt văn bản như Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát 1948 (UDHR) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (ICCPR), thậm chí là cả Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để rêu rao rằng rằng Dự thảo Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân “vi hiến”, “vi phạm pháp luật quốc tế”…

Về những luận điểm này, có thể thấy các lý lẽ luật học đã được truyền đạt thiếu tính phổ quát, khách quan hay “sự thật đã bị lấy đi một nửa”. Trên thực tế, UDHR, ICCPR, Hiến pháp năm 2013 đều ghi nhận quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của con người. Tuy nhiên, sự ghi nhận này không phải ở mức tuyệt đối.

Khoản 2, Điều 29, UDHR quy định: “Khi thụ hưởng các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế nhất định do Luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền tự do của người khác, cũng như đáp ứng các yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.

Khoản 1, Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (ICCPR) quy định: “Không ai bị can thiệp một cách độc đoán hoặc bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xúc phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín”. Có nghĩa rằng, việc can thiệp trong giới hạn luật định (can thiệp hợp pháp) là điều khả thi.

Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Như vậy, người được cho là thạc sỹ chuyên ngành Nhân quyền trên RFA dường như đã “vô tình” bỏ quên không ít nội dung pháp lý quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của con người. Pháp luật quốc tế hay pháp luật Việt Nam hiện đều ghi nhận các quyền cơ bản này, tuy nhiên trong đó cũng đưa ra rất rõ ràng những trường hợp hạn chế quyền. Rõ ràng, tôn trọng quyền cá nhân không đồng nghĩa với việc được xâm phạm đến quyền, lợi ích chung của cộng đồng hay của cá nhân khác.

Ngoài ra, việc sử dụng các thuật ngữ như “an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng, đạo đức xã hội,…” làm điều kiện để yêu cầu các bên phải tiết lộ dữ liệu cá nhân cũng không hề mơ hồ như lời đánh giá chủ quan trên RFA. Các thuật ngữ như ấy luôn được sử dụng xuyên suốt từ các văn bản pháp luật quốc tế cho đến các văn bản pháp luật tại Việt Nam chứ không phải mới xuất hiện lần đầu tiên tại Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, như lời cá nhân này lu loa.

Mặt khác, cho dù là phạm vi rộng, nhưng bất cứ một thành tố nhỏ nào thuộc “an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng, đạo đức xã hội,…” bị xâm hại thì cũng sẽ gây tác động rất lớn đến cộng đồng xã hội. Chính vì thế, việc sử dụng những thành tố mang tính khái quát này vào quy định hạn chế quyền là hợp lý.

Hoàn thiện văn bản để thực thi luật

Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019. Do đó, nhiệm vụ hoàn thiện các văn bản, quyết định, nghị định hướng dẫn để đảm bảo luật thực thi trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng. Dự thảo các văn bản, quyết định, nghị định hướng dẫn được các Bộ, ngành đưa ra nhằm xin ý kiến góp ý một cách thiện chí chứ không phải để bàn lùi hay tùy tiện phá hoại.

Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân đúng như tên gọi của nó là nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân, hoàn toàn không có sự xâm hại bất hợp pháp đến quyền con người. Đây là sự cụ thể hóa khi Luật An ninh mạng cũng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trên không gian mạng.

Là một công dân Việt Nam, trong giai đoạn công nghệ phát triển vượt trội, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, tuân thủ pháp luật cũng chính là cách để mỗi cá nhân tự bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bản thân và lợi ích của cả cộng đồng xã hội!

Bảo An

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây