Mỗi dịp Tết đến Xuân về, các gia đình, các dòng họ lại sum họp nói chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới. Với văn hóa truyền thống tốt đẹp như vậy, càng cho thấy vai trò của dòng họ tác động lớn đến đời sống của mỗi con người Việt Nam. Vì thế, tại Hà Nội nhiều địa phương đã xây dựng, khơi gợi phát huy dòng họ an toàn trong mỗi dịp xuân mới.
Trong không khí mùa xuân mới với hương trầm lan tỏa, bên sân gạch chỉ, nếp nhà cấp 4 mái ngói, phía góc xa có cây mít già, ông Phùng Đắc Sáng trưởng dòng họ Phùng, thôn Dương Đá, Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) trịnh trọng yêu cầu mọi người tề tựu và giữ trật tự. Cầm cuốn sổ cũ sờn mép trên tay, bắt đầu hắng giọng bề trên, người trưởng họ Phùng chính thức tuyên bố chương trình giỗ họ năm Tân Sửu 2021.
Người trưởng họ ôn lại những kết quả của năm ngoái, khen thưởng những gia đình có nhiều đóng góp cho họ, phát quà tặng cho các con cháu học giỏi, đỗ đạt. Nhưng một phần quan trọng, thu hút được nhiều sự chú ý đó là nhắc nhở những con cháu trong họ còn chểnh mảng làm ăn, ham vui với những chất gây nghiện. Từ đó, nghiêm khắc yêu cầu cá nhân vi phạm quy ước dòng họ rút kinh nghiệm, thay đổi thói quen xấu, tránh xa các tệ nạn xã hội để trở thành công dân tốt.
“Với cách tuyên truyền và giáo dục trực diện như vậy, từ nhiều năm nay, dòng họ Phùng – có hàng trăm suất đinh nhưng không có ai mắc tệ nạn. Nhiều cá nhân dòng họ trở thành hình mẫu làm kinh tế giỏi, học hành tấn tới, công danh thành đạt ở xã Dương Xá”, ông Phùng Đắc Sáng, giọng tự hào kể.
Tại xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) khi giỗ họ, thấy trường hợp con cháu bị sa ngã, họ Nguyễn Thạc ở đây đã cử người có uy tín thân cận, thường xuyên kèm cặp bảo ban một cách thường xuyên.
Trường hợp anh Nguyễn Thạc T, 30 tuổi (Ninh Hiệp) vài năm trước đây thường lêu lổng, ham chơi, tụ tập bạn bè đánh nhau gây thương tích người khác. T bị tạm giam tại Công an huyện Gia Lâm. Sau khi được tha về, dòng họ đã cắt cử một bác trong họ ở cạnh nhà, thường sang bảo ban, giúp đỡ về công việc. Với cách như vậy, T đã tu tỉnh với nghề lái xe. Do có thu nhập và việc làm ổn định, T đã tự mua cho mình 2 chiếc ô tô để kinh doanh. Hiện T đã lấy vợ và sinh được 1 con gái đầu lòng, gia đình hạnh phúc.
Theo trung tá Nguyễn Hữu Hiển, đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an huyện Gia Lâm, ở làng quê Việt, tính cấu kết cộng đồng rất cao và thường có suy nghĩ “con gà tức nhau tiếng gáy”, họ này hơn kém họ kia nên rất coi trọng danh dự. Vì thế, vai trò của dòng họ rất quan trọng trong ngăn ngừa từ xa, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đó chính là lý do huyện Gia Lâm thành lập dòng họ an toàn trên địa bàn.
Toàn huyện Gia Lâm hiện thành lập được 513 dòng họ, chi họ an toàn về an ninh trật tự. Mỗi dòng họ, đều có hương ước, quy ước riêng. Hàng năm, các dòng họ ở Gia Lâm đều tổ chức họp sơ kết đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong quá trình hoạt động, đề ra phương hướng thời gian tới; kịp thời biểu dương, khen thưởng những gia đình tích cực tham gia đảm bảo an ninh, trật tự ở nơi cư trú.
Thông qua các dòng họ trên, Công an các xã, thị trấn huyện Gia Lâm đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho trưởng các dòng họ. Mục đích, giúp các dòng họ, các gia đình hiện tốt việc tự phòng, tự quản trong phòng, chống tội phạm kết hợp với công tác khuyến học, khuyến tài để quan tâm động viên, khuyến khích các thành viên trong họ phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Trung tá Nguyễn Hữu Hiển khẳng định, do xây dựng được các dòng họ an toàn nên số người vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội trong các dòng họ trên địa bàn huyện đã giảm hơn 10% so với trước; ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên; các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các hộ đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để phát sinh những mâu thuẫn.
Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp Nguyễn Văn Tuấn đánh giá, mô hình dòng họ an toàn giúp cho địa phương thêm ổn định tình hình an ninh trật tự. Đặc biệt, những mâu thuẫn, vướng mắc giữa cá nhân, gia đình trong dòng họ đều được hội đồng gia tộc phân tích, giảng giải có tình, có lý, lấy tình đoàn kết làm đầu. “Chính các cụ trong hội đồng gia tộc là gương sáng để các thành viên gia đình, con cháu làm theo. Dòng họ an toàn còn góp phần giúp địa phương thực hiện nhanh hơn các cuộc vận động quyên góp. Đơn cử như việc xây dựng nông thôn mới, các dòng họ trên địa bàn đã đóng góp rất nhiều tiền của, ngày công cho phong trào này”, ông Tuấn thông tin.
Nói về hiệu quả dòng họ an toàn tại địa phương, ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (Gia Lâm) cho biết, đây là một mô hình rất hay, trong dòng họ những người đứng đầu luôn có uy tín và tiếng nói được các thành viên tôn trọng. Chính từ những “hạt nhân” có uy tín đó sẽ phát huy tốt vai trò trong việc tuyên truyền, vận động các cá nhân trong dòng không vi phạm pháp luật, tập trung phát triển kinh tế, góp phần đấu tranh đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Vị Chủ tịch xã Bát Tràng nói thêm: “Gia đình, dòng họ là tế bào của xã hội. Có nhiều gia đình yên ấm hạnh phúc, nhiều dòng họ an toàn, đoàn kết, văn hóa, hưng thịnh sẽ có nhiều thôn, xóm yên bình, hạnh phúc. Cấp ủy, chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể của địa phương có điều kiện tập trung lãnh đạo chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống cho bà con. Lực lượng Công an cũng có thời gian để tập trung vào công tác chuyên môn giữ gìn an ninh trật tự vì một cuộc sống bình yên, xã hội phát triển hài hòa, tiến bộ và văn minh”.
Nguồn: Báo Tin tức