Trang chủ Tin tức Chàng trai đam mê phục dựng cổ phục Việt

Chàng trai đam mê phục dựng cổ phục Việt

151
0

Trong khi nhiều bạn trẻ có xu hướng quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống thì với không ít người, nghệ thuật truyền thống vẫn luôn có sức cuốn hút mạnh mẽ. 

Chàng trai đam mê phục dựng cổ phục ViệtChàng trai trẻ Trần Nguyễn Trung Hiếu tại xưởng may của mình. Ảnh: Lê Huỳnh Hiếu/bvhttdl.gov.vn

Trần Nguyễn Trung Hiếu là một trong số những người đó. Bằng tình yêu đặc biệt với trang phục cổ, Trung Hiếu đã dành nhiều tâm huyết để phục dựng và đưa cổ phục Việt đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Tình yêu lớn với cổ phục

Là chàng trai thuộc thế hệ 9x nhưng Trần Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1991), hiện đang sống và làm việc tại Thành phốHồ Chí Minh luôn ấp ủ đam mê nghiên cứu phục dựng trang phục cổ, đặc biệt là áo dài truyền thống. Hiếu đã nhanh chóng trở thành một thương hiệu luôn được nhắc tới như một người trẻ “lội ngược dòng” tìm về vẻ đẹp trong trang phục truyền thống Việt. Không cửa hàng, không quảng cáo rộng rãi, chỉ với đôi bàn tay khéo léo và niềm đam mê của mình, Hiếu đã tạo ra nhiều bộ trang phục đạt chất lượng kỹ thuật và thẩm mỹ cao.

Tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp nhưng lại chọn theo đuổi những dự án về phục dựng cổ trang Việt, đặc biệt là áo dài truyền thống ngũ thân, chia sẻ về cơ duyên đưa chàng trai trẻ đến với cái nghề dường như chỉ dành cho những người có tuổi này, Hiếu cho biết, từ nhỏ anh đã yêu thích văn hóa, say mê môn lịch sử, thường xuyên tìm hiểu về lịch sử dân tộc, tham quan các di tích lịch sử Việt Nam nên tình yêu với văn hóa truyền thống ngày càng lớn dần trong anh.

Bên cạnh đó, anh rất thích những gì liên quan đến các sản phẩm thủ công, nghề thủ công rồi khi lớn hơn, anh đã mang một tình yêu với nó lúc nào không hay. Trong thời gian anh theo học tại trường, anh có nhiều cơ hội được gặp những người có tâm huyết với văn hóa nước nhà. Họ là những nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử, nhờ duyên giúp anh và họ kết nối được với nhau, rồi từ đó tiếp cận hiện vật thật, nghe những câu chuyện được kể từ những trải nghiệm thực tế mà họ đã trải qua suốt chặng đường hàng chục năm theo đuổi nghiệp tạo dựng trang phục cổ. Trung Hiếu cho rằng, trang phục cổ của Việt Nam dù rất đẹp nhưng không được nhiều người biết đến, ưa chuộng, do chưa chú trọng, chưa có sự quảng bá xứng tầm đến với công chúng.

Kể lại hành trình những ngày mới bắt tay vào làm cổ phục, Trung Hiếu cho biết gặp rất nhiều khó khăn từ khâu chọn vải đến lúc cắt may, vì khâu nào cũng đòi hỏi sự kỹ lưỡng từ những chi tiết nhỏ để hoàn thiện chiếc áo như khuy cài, đường viền áo. Để hoàn thành một chiếc áo dài trung bình Trung Hiếu sẽ mất khoảng 48 giờ làm việc. Trung Hiếu chia sẻ: Khi may áo dài phải chăm chút, tỉ mỉ tuy nó tối giản, không rườm rà nhưng để may đường căn bản lại rất khó. Về tỉ lệ, màu sắc, hệ màu của Việt Nam xưa rất riêng, đậm đà nhưng thâm trầm, hòa sắc rất tinh tế. Vì vậy, anh chủ yếu sử dùng nhiều gam màu trung gian tạo nên tổng thể một chiếc ái dài ngũ thân hài hòa, nhã nhặn và sang trọng.

Tuy đã may, thêu và bảo tồn áo dài truyền thống hơn 10 năm, Trung Hiếu  cho rằng đây mới chỉ là hành trình ban đầu trong cả quá trình nghiên cứu văn hóa truyền thống. Nhìn những bộ trang phục cổ lộng lẫy, đậm nét văn hóa Việt được phục dựng, có thể nhận thấy sự tỉ mẩn, cẩn trọng trong từng chi tiết, từng đường kim mũi chỉ với hoa văn họa tiết rõ ràng, sắc nét. Với anh, đã làm là phải làm thật kỹ, thật chuẩn mực, chân thực nhất có thể. Vì vậy, nhiều lần thêu sai, bỏ đi thêu lại, thậm chí có những bộ phải làm đi làm lại đến 5-6 lần mới tạm ưng ý. Sự cẩn trọng, cầu kỳ của Trung Hiếu trong từng công đoạn thể hiện tình yêu với văn hóa, với trang phục cổ mà không phải ai cũng có thể làm được.

Đưa cổ phục Việt đến giới trẻ

Cho rằng trang phục cổ dù đẹp đến mấy, nhưng nếu chỉ tồn tại trên sách vở, trong bảo tàng, không được phổ cập, không được công chúng biết đến, gìn giữ sẽ rất đáng tiếc và không được lâu dài; là thanh niên trẻ, Hiếu có cách suy nghĩ, gìn giữ văn hóa theo lối của người trẻ. Vì vậy, Hiếu tìm cách quảng bá trang phục cổ của người Việt đến với giới trẻ, mong muốn giới trẻ sẽ tiếp nhận, đưa vào trong cuộc sống. Bởi theo Hiếu, các bạn trẻ là tương lai của đất nước, nếu nắm giữ, bảo tồn văn hóa trong chính cuộc sống, văn hóa truyền thống chắc chắn sẽ tồn tại lâu bền.

Theo Trung Hiếu, người trẻ là những người có tư duy thoáng, dễ dàng tiếp thu di sản văn hóa. Một khi đã tiếp nhận, họ sẽ là những người gìn giữ, tuyên truyền và quảng bá văn hóa Việt một cách tốt nhất, nhanh nhất. Bên cạnh đó, khi chính những người trẻ mặc những trang phục truyền thống cổ với tâm thế tự tin, tự hào, đó cũng là cách giới trẻ bày tỏ tình yêu của mình với văn hóa truyền thống dân tộc.

Với niềm tin ấy, Trung Hiếu đã thông qua nhiều hình thức, tuyên truyền, quảng bá, marketing, kinh doanh, thông qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh…, để phổ cập đưa cổ phục Việt, đưa văn hóa truyền thống đến cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ.

Qua những buổi tuyên truyền, những show trình diễn thời trang, qua các sự kiện văn hóa do Trung Hiếu cùng các cộng sự tổ chức, các bạn trẻ đã có những kiến thức nhất định về cổ phục Việt  và thêm yêu chiếc áo dài 5 thân, áo Giao lĩnh, áo Nhật Bình… Sau đó, có nhiều bạn trẻ yêu thích, tìm đến cổ phục Việt. Khách hàng đặt mua trang phục cổ của Hiếu từ sinh viên, du học sinh, đến diễn viên, người mẫu, ca sỹ, doanh nhân, rồi các nhà ngoại giao, các đại sứ…, có bạn trẻ tìm đến đặt trang phục cổ cho lễ cưới của mình.

Những bạn trẻ ấy đã tiếp thêm nguồn cảm hứng để Trung Hiếu cho ra đời nhiều sản phẩm về áo dài tứ thân. Đến giờ, mỗi khi nhắc đến cổ phục, nhiều người nhớ ngay đến Trung Hiếu. Nhìn vào lượng khách từng ngày, anh càng có thêm niềm tin rằng con đường mình chọn là đúng đắn, bởi có nhiều người mua và mặc trang phục cổ, chính là sự quảng bá, lan tỏa văn hóa truyền thống tốt nhất trong cộng đồng.

Trung Hiếu chia sẻ, mơ ước của anh là “lội ngược dòng” lịch sử để phỏng dựng lại những bộ cổ phục Việt. Đầu tiên là cổ phục thời Nguyễn, sau đó đến thời Lê, Trần, Lý…, sau đó đắp đầy dần lên một hệ thống cổ phục Việt để thế hệ sau nhìn được bức tranh tổng thể về cổ phục Việt qua từng triều đại. Anh cho rằng, nếu không phỏng dựng trang phục cổ để mang vào bảo tàng hay trưng bày, còn cách khác là trang phục đó sẽ được đưa đến với công chúng thông qua nhiều con đường khác nhau như trên sân khấu, vào các phim điện ảnh, các bộ ảnh chụp của giới trẻ, trang phục tặng cho các lãnh sự quán nước ngoài,… 

Điều Trung Hiếu tự tin nhất về bản thân có lẽ là tình yêu của anh dành cho văn hóa xưa, nó đủ lớn để trở thành động lực giúp anh tiếp tục những dự án nhỏ của mình. Đối với Hiếu, khi phục dựng những sản phẩm văn hóa truyền thống, cái quan trọng nhất là phải chú tâm, chăm chút  nghiêm túc, từ đó “hồi sinh” những giá trị thẩm mỹ đã mai một kết hợp với sự tinh xảo trong kỹ thuật sản xuất…Đó là những yếu tố mà Hiếu muốn gửi gắm trong các sản phẩm anh làm ra và mang dấu ấn cá nhân anh trong các bộ trang phục cổ Việt, góp phần giữ gìn và lan toả những giá trị văn hóa Việt tốt đẹp trong cuộc sống hiện đại.

Thu Hương (TTXVN)

Chàng trai đam mê phục dựng cổ phục Việt

Hãng AFP đưa tin về nhà thiết kế trẻ đam mê cổ phục Việt Nam

Hãng thông tấn AFP (Pháp) đã thực hiện một phóng sự về chàng trai trẻ Việt Nam Nguyễn Đức Lộc đam mê phỏng dựng cổ phục với ước mơ lan tỏa văn hóa truyền thống ở xã hội hiện đại.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây