Trang chủ Tin tức Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống – Bài 1: Hành...

Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống – Bài 1: Hành trình miệt mài sáng tạo, tôn vinh hồn cốt Việt

134
0

Thế giới biết đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam qua các di sản văn hóa đa dạng, độc đáo riêng có, nhất là di sản đã được UNESCO ghi danh là cách quảng bá, hội nhập hữu hiệu, nhanh chóng, ít tốn kém, hiệu quả cao. Từ đó, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm 2 bài viết nhằm phản ánh những tâm huyết gìn giữ, phát huy di sản văn hóa truyền thống trong cuộc sống đương đại của những con người nước Việt yêu mến, tâm huyết với bản sắc văn hóa cha ông để lại.

Bài 1: Hành trình miệt mài sáng tạo, tôn vinh hồn cốt Việt

Trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm cùng dân tộc, các dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống, tranh làng Sình… đã mai một nhiều. Những nét đặc sắc, rực rỡ của các dòng tranh có lẽ chỉ còn tồn tại trong trong kí ức của những người lớn tuổi, trong bảo tàng hoặc số ít gia đình. Thế nên thật đặc biệt khi có những người trẻ tuổi không chỉ hồi tưởng mà còn bắt tay hành động, khai thác, ứng dụng những nét độc đáo của các dòng tranh trong đời sống. Thông qua đó, họ tôn vinh nét văn hóa thấm đẫm bản sắc của cha ông trong đời sống đương đại.

Chắt lọc những tinh hoa “hồn xưa nét cũ”

Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống - Bài 1: Hành trình miệt mài sáng tạo, tôn vinh hồn cốt ViệtNghệ nhân vẽ tranh dân gian Hàng Trống. Ảnh: TTXVN

Tranh Hàng Trống một trong những dòng tranh dân gian Việt Nam được làm chủ yếu tại phố Hàng Nón, Hàng Trống của Hà Nội xưa. Đây là một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người kinh kỳ xưa. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, dòng tranh này đến nay gần như đã bị mai một hết…

Những bạn trẻ trong nhóm S-River Agency – tập hợp những nhà thiết kế, biên tập nội dung đam mê và yêu thích các giá trị truyền thống văn hóa của Việt Nam, mà thủ lĩnh là chị Trịnh Thu Trang, Giám đốc Sáng tạo, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trên cơ sở những nét đẹp độc đáo từ tranh dân gian Hàng Trống đã cho ra đời các sản phẩm ứng dụng có họa tiết, màu sắc của dòng trang này rất  đáng trân trọng.

Chào đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, S-River Agency chắt lọc tinh hoa cổ truyền kết hợp với những nét thiết kế hiện đại để sáng tác bộ phong bao lì xì chủ đề “Ú Òa! Năm mới mở ra”, lấy cảm hứng sáng tạo từ nhiều bức tranh Hàng Trống về Tết, thiên nhiên.  Sáu phong bao lì xì với màu sắc phong phú, miêu tả diễn biến các cung bậc cảm xúc trên khuôn mặt ngộ nghĩnh, sinh động của em bé từ tò mò, mong chờ, háo hức… cho tới vỡ òa khi nhận được quà mừng tuổi năm mới. Trên phong bao lì xì còn in nhiều họa tiết thể hiện ý nghĩa may mắn, sức khỏe, nghị lực, học hành tấn tới…, đề cao niềm vui trẻ thơ và thể hiện không khí Tết đang đến.

Năm Tân Sửu với hình ảnh biểu tượng là con trâu trong 12 con giáp. Do đó, S-River Agency cùng sự đồng hành, hỗ trợ của một tập đoàn đã lan toả câu chuyện về văn hoá Việt Nam qua bộ thiệp, lì xì Tết mang hình tượng trâu – sen. Theo chia sẻ của S-River Agency, cả hai hình tượng này đều được khai thác và phát triển từ dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống truyền thống. Các dòng tranh này không chỉ dùng để trang trí nhà cửa mà còn mang nhiều lớp ý nghĩa, thể hiện những nét đẹp trong văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.

Trên bộ sản phẩm đó, con trâu với ý nghĩa con trâu là đầu cơ nghiệp hứa hẹn mang đến một mùa màng bội thu. Sen thể hiện sự cao quý, hình ảnh cánh sen chụm lại một gốc giúp người xem liên tưởng đến sự hội tụ, đoàn viên. Nhụy sen mang ý nghĩa sinh sôi, nảy nở. Tràng pháo với ý nghĩa để tạm biệt những muộn phiền của năm cũ để chào đón năm mới tấn tới, tốt đẹp, may mắn. Hình ảnh cánh diều tượng trưng cho mơ ước, cầu chúc bay cao bay xa và cũng là hình ảnh rất ấm áp về công việc trăn trâu thả diều gắn bó với nhiều thế hệ người Việt…

Trước đó, đầu năm 2020, S-River Agency đã thiết kế cho Sông Cái Distillery – thương hiệu rượu Gin đầu tiên của Việt Nam do một Việt kiều sáng lập. Với sự hỗ trợ của nghệ nhân Lê Đình Nghiên – người duy nhất còn lại nắm giữ được kỹ thuật truyền thống của dòng tranh dân gian Hàng Trống, S-River Agency thiết kế nhãn rượu Sông Cái Việt Nam Dry Gin với bức tranh Mẫu thượng ngàn, cách điệu những họa tiết truyền thống như mây, hoa, sóng…

Nổi bật nhất trên nhãn này là hình ảnh đôi bàn tay được lấy cảm hứng cách điệu từ tay Mẫu thượng ngàn – Bà chúa của núi rừng trong tranh Hàng Trống. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã tồn tại và phổ biến rất lâu đời trong văn hoá dân gian người Việt từ thời xa xưa.

Sự kết hợp của hình ảnh mây trời, hoa và đôi tay đại diện cho ba yếu tố trời -đất – con người, gợi nhớ đến niềm tin từ xa xưa của cha ông là muốn thành công  phải hội tụ ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Nhãn sau phản ánh bản sắc độc đáo của miền đồng bằng trù phú, kết hợp hoàn hảo với nhãn trước mang tông màu chàm chủ đạo đặc trưng của vùng đại ngàn…

Với mong muốn tiếp nối những giá trị và câu chuyện văn hóa qua mỗi sản phẩm, S-River Agency và Sông Cái đã dùng nhãn mác như là phương tiện để tôn vinh văn hóa dân tộc…

Họa sắc Việt

“Họa sắc Việt” là tên một dự án của S-River Agency. Thông qua dự án, S-River Agency hướng tới cung cấp cho ngành thiết kế Việt Nam nguyên liệu về họa tiết, màu sắc truyền thống được số hóa. Sản phẩm đầu tiên của dự án là cuốn sách “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống” do chị Trịnh Thu Trang và cộng sự thực hiện. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam khai thác tiềm năng ứng dụng việc sử dụng màu sắc, họa tiết của tranh Hàng Trống vào thiết kế đương đại.

Trong cuốn sách này, S-River Agency chắt lọc thông tin để bạn đọc có cái nhìn tổng quan nhất về tranh Hàng Trống. Bên cạnh đó là những phân tích cách phân bố và tỉ lệ màu trong tranh Hàng Trống; tổng hợp và mã hóa các màu được dùng trong tranh thành các mã màu CMYK và RGB (mã màu trừ và cộng). Cùng với đó là 192 gợi ý phối hợp màu sắc từ 6 bộ màu chính của tranh Hàng Trống; 4 nhóm họa tiết được dùng phổ biến trong tranh Hàng Trống; 16 cách triển khai họa tiết cổ để phát triển thành họa tiết sáng tạo. Có 95 họa tiết sáng tạo được trình bày trong sách trên tổng số gần 500 họa tiết do S-River Agency phát triển…Từ cuốn sách này, S-River Agency đã mang dòng tranh Hàng Trống tiếp cận đông đảo công chúng, đặc biệt là giới nghệ sỹ, các nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam.     

Chị Trịnh Thu Trang chia sẻ: Năm 2013, khi nhìn thấy những bức tranh Hàng Trống phiên bản gốc tại nhà nghệ nhân Lê Đình Nghiên, chị đã bị chinh phục bởi màu sắc, họa tiết và cách tạo hình sống động, độc đáo của dòng tranh này.

Từ xa xưa, tranh Hàng Trống đã gắn liền với đời sống người dân, mang hơi thở và tinh thần văn hóa Việt. Qua nhiều năm tháng, đến nay dòng tranh này gần như chỉ còn trong kí ức, được lưu giữ trong bảo tàng hoặc một số bộ sưu tập. Trong khi đó, các nhà thiết kế Việt gặp khó khăn trong việc tạo ra bản sắc riêng là do thiếu nguyên liệu mang màu sắc truyền thống.   
   
Chị Trịnh Thu Trang cũng cho rằng nếu chỉ giữ tranh Hàng Trống như phiên bản gốc thì chắc chắn sẽ không phù hợp với cuộc sống hiện đại, năng động, công nghệ phát triển nhanh chóng ngày nay. Do đó, chị có ý tưởng kết nối những giá trị truyền thống với thiết bị số, hướng dẫn màu sắc, ứng dụng trên thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ… để phát triển và phát huy giá trị dân gian trong đời sống.

Chị và các thành viên S-River Agency đều tâm niệm: Văn hóa như một dòng chảy và mỗi người chúng ta như một giọt nước, nhiều giọt nước cùng nhau đi về một hướng sẽ tạo thành một dòng chảy riêng.  S-River Agency cùng lan tỏa tinh thần đến mọi người,  góp phần khơi mạch nhỏ trong dòng chảy văn hóa Việt Nam; đóng góp những giá trị mang nét đặc trưng riêng, giao hòa cùng các nền văn hóa khác trên thế giới…

Tại cuộc tọa đàm Những điều xưa cũ mới mẻ 2: Mùa lẽ hội với chủ đề “Khi sản phẩm mang hồn dân tộc” diễn ra mới đây, chị Trịnh Thu Trang khẳng định: Trong hành trình tìm kiếm chất liệu thiết kế ứng dụng mang đậm bản sắc Việt, S-River Agency chưa bao giờ hết ngạc nhiên và hết thán phục trước nền tảng văn hóa đồ sộ cha ông ta để lại. Nền tảng văn hóa ấy chính là chất liệu quý giá cho thiết kế sản phẩm ứng dụng nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt; đồng thời lan tỏa văn hóa một cách mới mẻ và cuốn hút.

 S-River Agency mong rằng những sản phẩm thiết kế phong cách Việt sẽ được góp sức vào hành trình tạo dựng uy tín của đất nước thông qua những sản phẩm uy tín và chất lượng. Chúng ta có quyền tự hào vì có những giá trị riêng khác biệt và những người trẻ bằng sáng tạo đã tiếp tục duy trì, phát triển những gì cha ông để lại. Niềm tự hào ấy, thật xứng đáng để chia sẻ cùng nhau…

Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống – Bài cuối: Đưa áo dài ngũ thân sống lại bản sắc vốn có

Thanh Giang (TTXVN)

Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống - Bài 1: Hành trình miệt mài sáng tạo, tôn vinh hồn cốt Việt

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày – Nùng

Đàn tính là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Tày – Nùng tỉnh Cao Bằng.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây