Trang chủ Tin tức Giữ bản sắc văn hóa cho áo dài truyền thống Việt

Giữ bản sắc văn hóa cho áo dài truyền thống Việt

152
0

Áo dài truyền thống là niềm tự hào của người Việt Nam. Từ những lễ nghi quan trọng của quốc gia đến sinh hoạt văn hóa thường ngày, mọi người đều có thể mặc bộ áo dài để thêm phần trang trọng.

Song, cũng vì chưa hiểu hết giá trị những bộ áo dài mà nhiều người mặc chưa đúng, hoặc đã cách tân thái quá khiến trang phục này không còn giữ được bản sắc văn hóa như vốn có. Chính vì vậy, việc bảo tồn, giữ bản sắc áo dài truyền thống đang được những nhà nghiên cứu văn hóa nói riêng và người yêu áo dài nói chung cùng quan tâm, lên tiếng.

Giữ lại giá trị truyền thống

Áo dài Việt Nam xuất hiện từ thời nhà Nguyễn, khi đó chúa Nguyễn Phúc Khoát quyết định phải có trang phục Đàng Trong khác với Đàng Ngoài do chúa Trịnh đang quản lý. Bộ áo dài lúc đó được cách tân từ áo tứ thân, với tên gọi áo ngũ thân dành cho cả nam và nữ. Từ năm 1930, các họa sĩ, nhà thiết kế phát triển thành áo dài hiện đại như ngày nay.

Giữ bản sắc văn hóa cho áo dài truyền thống ViệtÁo dài truyền thống là niềm tự hào của người Việt Nam. Từ những lễ nghi quan trọng của quốc gia đến sinh hoạt văn hóa thường ngày, mọi người đều có thể mặc bộ áo dài tăng thêm phần trang trọng. Ảnh: Mạnh Linh – Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Có lẽ, chưa khi nào áo dài trở nên phổ biến như hiện nay, từ trung niên đến người cao tuổi hay cả trẻ em đều có thể trưng diện. Những năm gần đây, nhận thấy nét đẹp của truyền thống văn hóa và sự hài hòa trong thiết kế, nhiều nam giới đã mặc áo dài trong các dịp lễ Tết, hội hè hay các sự kiện văn hóa. Đặc biệt, thời trang áo dài đang phát triển mạnh trên các sân khấu trình diễn với muôn hình, nhiều dạng.

Nhưng có một thực tế là, nhiều người yêu trang phục truyền thống nhưng mặc chưa đúng, chưa đẹp, ví như mặc trang phục cải biên dành cho sân khấu. Vì vậy, những hình ảnh về áo dài truyền thống chưa thực sự thuyết phục mọi người. Hơn nữa, nhiều loại trang phục được cho là áo dài cách tân xa rời bản sắc văn hóa, làm giảm lòng tin vào người chưa biết đến áo dài truyền thống. Như nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống chia sẻ: “Đây là những vấn đề cản trở áo dài truyền thống được lan tỏa trong cộng đồng”.

Dù có cách tân để trình diễn hay ứng dụng thành trang phục thường ngày thì áo dài Việt Nam cần được tôn trọng giá trị truyền thống vốn có. Để người ta nhìn vào vẫn cảm nhận được nét đẹp thanh nhã, lịch sự của bộ áo dài, mà không gây sự phản ứng trái chiều. Theo nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn Hoàng Quốc Hải, áo dài không đơn giản chỉ là cái áo mà là văn hóa, chúng ta không ý thức giữ gìn sẽ bị thất thoát các giá trị truyền thống. Làm thế nào để di sản áo dài trở thành quốc phục, điều này rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước và ý thức của từng cá nhân trong cộng đồng để gìn giữ giá trị truyền thống.

Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hương, giảng viên cao cấp ngành thời trang, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khẳng định, áo dài không chỉ là nghệ thuật biểu hiện mà còn là yếu tố văn hóa, di sản văn hóa. Bà cũng cho rằng, có nhiều luồng văn hóa du nhập vào Việt Nam và không thể tránh khỏi tác động đến văn hóa trong nước, trong đó có cả áo dài truyền thống. Thời gian qua, nữ giảng viên này không khỏi trăn trở khi nhiều bộ áo dài cách tân không giữ được bản sắc văn hóa, trong đó có những bộ áo dài nam cách tân giống trang phục truyền thống của Ấn Độ, Trung Quốc. Điều quan trọng hiện nay, làm thế nào để cách tân vừa đáp ứng thị hiếu người mặc, vừa giữ được yếu tố văn hóa ở đó và theo bà việc bảo tồn phụ thuộc nhiều vào lớp trẻ.

Để giữ được nét truyền thống, nhiều người cho rằng, cần đảm bảo tiêu chí trang phục văn hóa, hiểu được nguyên lý và cốt cách của áo dài. Khi nắm được vấn đề này, các nhà thiết kế sẽ không lạc đường trong việc cách tân áo dài.

Lan tỏa giá trị văn hóa áo dài

Thực tế những năm qua, rất nhiều cơ quan, tổ chức đã có những cố gắng để quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa của áo dài truyền thống, Nhiều lễ hội áo dài, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, nhiều cuộc vận động mặc áo dài trong các kỳ lễ trọng liên tục diễn ra. Cuối năm ngoái, tỉnh Thừa Thiên – Huế còn vận động cán bộ, công chức mặc áo dài trong lễ chào cờ đầu tháng, nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo mọi người. Dù chưa chính thức được công nhận là di sản văn hóa song trong tâm thức của người Việt Nam, áo dài đã là di sản văn hóa.

Các nhà nghiên cứu văn hóa, những người quan tâm đến áo dài truyền thống cũng đưa ra nhiều quan điểm nhằm phát huy, lan tỏa bản sắc văn hóa áo dài Việt Nam. Nhà nghiên cứu Phạm Văn Truyền cho rằng, các cơ quan, tổ chức cần lan tỏa văn hóa áo dài đến thế hệ trẻ, đưa văn hóa truyền thống vào trường phổ thông. Một điều quan trọng khác là việc thiết kế áo dài cần đảm bảo các yếu tố để dễ dàng đi vào đời sống. Ví dụ, ngày xưa đội khăn xếp nhưng giờ nên thiết kế để chiếc khăn này có thể gấp lại bỏ túi và như vậy sẽ hướng tới áo dài truyền thống đi vào đời sống hiện đại một cách tiện dụng.

Tại Hà Nội, Câu lạc bộ Đình làng Việt không ngừng tổ chức các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giúp công chúng hiểu được giá trị của áo dài truyền thống; vận động đưa trang phục áo dài ngũ thân của nam giới quay trở lại đời sống. Tổ chức này cũng đồng thời hỗ trợ nghệ nhân, người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm may theo truyền thống, phù hợp với đời sống hiện nay. Theo ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt, đồng thời là Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống, việc may và mặc áo dài truyền thống đã có những kết quả khả quan; người may, mặc áo ngũ thân ngày càng tăng và được lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt trong lớp trẻ.

Cũng như vậy, nhóm “Trái đất này là của chúng mình” luôn lan tỏa truyền thống của áo dài Việt Nam thông qua các thành viên của nhóm là những trẻ em. Bà Nguyễn Thanh Bình, Trưởng nhóm bày tỏ, các thành viên trong nhóm là những người yêu áo dài truyền thống nên thời gian qua, bà đã may áo dài ngũ thân cho các bé. Các bé không những không phàn nàn mà còn liên tục mặc áo dài này. Chọn đối tượng là trẻ em, vì bà Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trẻ em là người kết nối, lan tỏa đến người lớn. Theo bà, muốn khuyến khích phát triển áo dài trong học sinh, sinh viên thì nên bán sẵn các sản phẩm, giá cả phù hợp và khuyến khích các học sinh mặc áo dài đến trường.

Một mùa Xuân mới đang về. Trên khắp đường phố Hà Nội cũng như mọi miền quê đất nước, những tà áo dài lại tung bay trong nắng gió, cùng mọi người hân hoan đón chào thời khắc mới với những niềm vui và sự kỳ vọng. Vẻ đẹp của áo dài là vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, được lưu giữ, trao truyền qua lớp lớp các thế hệ và cần được trân trọng, phát huy trong hôm nay và mai sau.

Đinh Thuận (TTXVN)

Giữ bản sắc văn hóa cho áo dài truyền thống Việt

Không gian trưng bày áo dài truyền thống trong lòng phố cổ Hà Nội

Ngày 16/1, tại Ngôi nhà di sản (87 phố Mã Mây, Hà Nội), Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài truyền thống Đình làng Việt tổ chức trưng bày, giới thiệu áo dài truyền thống.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây