Khi niềm tin, niềm yêu mến và sự tín nhiệm đã đạt lên trên tất cả thì những điều quy định dường như lu mờ. Và khi kết quả là sự kết tinh của trí tuệ, tinh thần của cả một tập thể thì đó là kết luận cuối cùng. Trong trường hợp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúng ta cũng có thể hiểu như vậy.
1. Kết quả bầu Tổng Bí thư đại diện cho quyết định cuối cùng của cơ quan quyền lực cao nhất trong Đảng – Đại hội Đại biểu toàn quốc
Cơ quan được phép sửa Điều lệ Đảng là Đại hội Đại biểu toàn quốc (Điều 48 – Điều lệ Đảng), tức Đại hội Đại biểu toàn quốc là cơ quan có vị trí cao nhất trong Đảng. Những quyết định do Đại hội Đại biểu toàn quốc đưa ra chắc chắn là những quyết định cuối cùng có tính quyền lực cao nhất trong Đảng.
Nếu Đại hội đã bầu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau đó là tái cử vị trí Tổng Bí thư thì đó là kết quả cuối cùng từ cơ quan quyền lực cao nhất trong Đảng.
Một số ý kiến nêu ra thắc mắc rằng trong Điều lệ Đảng có quy định Tổng Bí thư không được làm quá 2 nhiệm kỳ. Như vậy kết quả bầu cử vừa rồi chưa đúng với Điều lệ?
Nhưng Đại hội phải sửa Điều lệ Đảng sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã được bầu vào BCH khóa XIII sẽ xảy ra một sự mâu thuẫn lớn trong chính nội tại. Suy nghĩ kỹ chúng ta có thể hiểu, Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương khóa XIII (trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng), sau đó ông Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm cao tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư.
Theo tính chất bắc cầu kết quả bầu Tổng Bí thư cũng có thể coi là kết quả bầu cử của Đại hội Đại biểu toàn quốc. Mà kết quả của Đại hội là quyết định cuối cùng của cơ quan quyền lực cao nhất trong Đảng.
Về logic, Điều lệ Đảng không thể là một cơ quan quyền lực, không thể đóng vai trò là một chủ thể có khả năng tư duy tương tác như những Đại biểu trong Đại hội Đại biểu toàn quốc.
Vì vậy, việc sửa Điều lệ Đảng để phù hợp với kết quả bầu cử là không cần thiết, nếu không muốn nói là thừa. Cơ quan quyền lực cao nhất đã ra quyết định cuối cùng thì đó là quyết định cao nhất. Kết quả khi bầu trực tiếp có tính thực tiễn và sinh động hơn là một quy định cứng.
2. Kết quả hợp tình hợp lý được sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tái cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa XIII chứng tỏ sự uy tín, tín nhiệm cao của tập thể đối với cá nhân đồng chí. Phù hợp với tiêu chí là người có uy tín cao trong Đảng, là trung tâm đoàn kết quy tụ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Ngoài ra, Tổng bí thư, Chủ tịch nước có trình độ cao về lý luận chính trị; có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước…
Đồng thời, trong hai nhiệm kỳ vừa qua với công cuộc chống tham nhũng quyết liệt Tổng Bí thư đã chứng minh bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo hiếm có từ trước tới nay.
Hơn nữa sau Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa hình dung ra ai là người có thể tiếp bước ông trong công cuộc đấu tranh với nạn tham nhũng một cách mạnh mẽ và cương quyêt như vừa rồi. Đó cũng là một lý do khiến kết quả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục công tác ở vị trí Đảng giao được dư luận và quần chúng nhân dân đồng tính ủng hộ. Nhất là tầng lớp lão thành cách mạng và trí thức yêu nước.
Ở tuổi của Tổng Bí thư theo quy luật có thể xin dừng công tác về quê vui thú điền viên cùng con cháu như bao người cao tuổi. Nhưng với tư cách là một người đảng viên, một “người anh cả” khi Đảng giao nhiệm vụ bắt buộc phải chấp hành. Đảng viên chấp hành nhiệm vụ được Đảng giao phó đó là điều hiển nhiên và đáng quý trọng.
Xét cả về tình, về lý việc tái cử vị trí Tổng Bí thư khóa XIII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều thuận tình thuận lý, được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng và Đảng tin tưởng giao phó. Việc băn khoăn về Điều lệ Đảng trong trường hợp đặc biệt của Tổng Bí thư có thể hiểu theo những lý do trên.
Han Cao
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Cánh cò