Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những quyết tâm bền bỉ của Chính phủ trong suốt các năm qua, mang lại thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn nhớ cảm giác tệ hại cách đây vài năm.
Lúc đó, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng thứ 156/170, hạng bét trên thế giới. “Bản thân tôi bị sốc và không hiểu vì sao. Chúng tôi đã cố làm tốt mà lại bị thế giới đánh giá thấp như thế”, ông Dũng nhớ lại.
Sau khi nghiên cứu, ông phát hiện ra lâu nay EVN toàn tự so sánh “ta với ta” mà bỏ qua các tiêu chuẩn toàn cầu. “Chúng tôi không tự so sánh ta với ta nữa mà so với thế giới để biết ta là ai, ta ở đâu”. Cách tiếp cận đó được lãnh đạo EVN ủng hộ và cho triển khai toàn hệ thống. Kết quả là chỉ số tiếp cận điện năng đã lên mức 27/190 quốc gia được Ngân hàng Thế giới xếp hạng.
Sự thăng hạng vượt bậc của EVN và một số lĩnh vực khác là nhờ quyết tâm bền bỉ của Chính phủ thông qua nghị quyết 19, bây giờ là nghị quyết 02, tạo sức ép lên các lãnh đạo bộ, ngành và địa phương.
Đó là một quá trình dài về nhận thức. Năm 2009, GS người Mỹ Michael Porter được mời vào để giúp Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về đánh giá môi trường kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết công tác ngành Công thương
Tuy nhiên, một lãnh đạo Chính phủ lúc bấy giờ không đồng ý khi cho rằng, Việt Nam phải tự xây dựng một bộ tiêu chí của riêng mình. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, người được phân công soạn thảo các tiêu chí đó, hoàn toàn bế tắc.
Ông nhớ lại: “3-4 năm trôi qua mà chúng tôi không làm được gì”. Phải khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp nhận, yêu cầu lấy chuẩn quốc tế vì Việt Nam không có phương pháp luận và dữ liệu, thì nội dung của nghị quyết 19 mới được phác thảo, rồi thông qua.
Bức thư gửi Bộ trưởng
Với sự hậu thuẫn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, họ tổ chức các cuộc làm việc về triển khai nghị quyết 19 ở hàng loạt bộ, ngành và địa phương xoay quanh chuyện cắt bỏ điều kiện kinh doanh. Nhiều cung bậc cảm xúc đã diễn ra.
Công thương từng là thành trì của nhiều điều kiện kinh doanh và cơ chế xin – cho. Năm 2016, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận nhiệm sở và bày tỏ quyết tâm cải cách thể chế rất cao, thì cơ hội mới đến. Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhớ lại: “Đầu năm 2016, VCCI báo cáo Chính phủ là Bộ Công thương có nhiều điều kiện kinh doanh nhất, Bộ phản ứng gay gắt. Nhưng sau đó, mọi chuyện đã khác rất nhanh”.
Môi trường kinh doanh thông thoáng hơn do quyết tâm cải cách thể chế, cùng với kinh tế vĩ mô ổn định, đã làm mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp làm ăn và phát triển với gần 130.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm, một kỷ lục”.
Tháng 6/2016, ông Nguyễn Đình Cung âm thầm soạn thư gửi Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh về những rào cản kinh doanh phải tháo gỡ như kiểm tra formaldehyde, dán nhãn năng lượng, xuất khẩu gạo…
Tuy nhiên, ông chưa gửi thư mà chờ xem, thậm chí để thư ngỏ. Những giấy phép trên đã làm tình làm tội doanh nghiệp trong cả nước nhiều năm.
Trong cuộc làm việc đầu tiên của nhiệm kỳ với Bộ Công thương ngày 12/7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thẳng, đây là “một trong số ít” bộ, ngành bị kêu ca.
Cắt giảm 880 điều kiện đầu tư kinh doanh ngành Công thương
Chỉ hơn 1 tháng sau, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tổ chức hàng loạt cuộc họp nội bộ vô tiền khoáng hậu. Ông yêu cầu phải cắt bỏ hàng loạt dù có nhiều ý kiến phản đối.
Sau này, việc bãi bỏ thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyte trên sản phẩm dệt may đã giúp tiết kiệm được cả nghìn tỉ đồng chi phí, hàng vạn ngày công cho 6.000 doanh nghiệp dệt may, hàng trăm doanh nghiệp da giầy và hàng nghìn doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng có liên quan.
Trong gần 5 năm qua, ông Trần Tuấn Anh đã yêu cầu cắt giảm được 880 điều kiện đầu tư kinh doanh. Một lãnh đạo trong Bộ kể, hành động của Bộ trưởng không phải lúc nào cũng được cấp dưới ủng hộ vì cắt giảm điều kiện kinh doanh là cắt quyền, cắt lợi của họ. “Giờ đây, ô tô đâu còn đậu bên ngoài dịp Tết”, vị này nói.
Khi tổng kết năm 2020 gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công thương tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước theo hướng chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển gắn liền với nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước…
Đến nay, theo đánh giá của VPCP, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 50% trong tổng số khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh được thống kê. Môi trường kinh doanh thông thoáng hơn do quyết tâm cải cách thể chế, cùng với kinh tế vĩ mô ổn định, đã làm mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp làm ăn và phát triển với gần 130.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm, một kỷ lục. Thủ tướng hiểu rõ điều đó khi ban hành nghị quyết 68/2020 của Chính phủ với mục tiêu tham vọng là cắt giảm tiếp 20% quy định kinh doanh.
Cuộc chiến chống giấy phép con, dù đã đạt nhiều thành tích, vẫn phải tiếp tục. Tất cả để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân.
Tư Hoàng
Nguồn: Tuần Việt Nam