Tại Đại hội XIII, Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã đưa ra 7 đề xuất đặc biệt, hướng đến chăm lo tốt hơn cho đời sống người dân, chi tiết và cặn kẽ. Chỉ mong những đề xuất này sớm được thực thi, chắc chắn đời sống của người dân sẽ tăng thêm nhiều chỉ số hạnh phúc.
Tại Đại hội XIII, Bộ trưởng đã đề cập đến nhiều mục tiêu, trong đó quyết tâm đặt lên hàng đầu cải thiện hơn nữa đời sống người dân. Chính sách không chỉ là tiền cho gia đình có công, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo, xây nhà ở cho người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai; mà tiền còn được dành để trọng dụng, thu hút nhân tài, trên cơ chế tiền lương được trả gắn với năng suất lao động, và hiệu quả làm việc. Với những chính sách này, nếu được đưa vào thực thi sớm, xã hội sẽ có một sự chuyển dịch rõ rệt theo hướng tích cực.
Người nghèo sẽ thay đổi cuộc sống, có nhiều cơ hội nâng cao cuộc sống, chỉ cần muốn thoát nghèo. Đất nước sẽ có nhiều nhân tài phục vụ trong bộ máy hành chính một cách thực thụ, tài nguyên của quốc gia được “gìn giữ”, sẽ giải quyết được phần nào về bài toán “chảy máu chất xám” và quan trọng hơn hết là, người tài đất Việt có thêm cơ hội, điều kiện để phục vụ cho quê hương mình.
Đây là những chính sách phù hợp với xu thế thời đại, vừa kích cầu cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cá nhân, vừa tạo ra thế hệ trẻ kế thừa cho guồng máy nhà nước. Nhưng để thực hiện được những điều này, không thể chỉ một mình Bộ LĐ, TB&XH vận hành, mà cần sự chung tay của rất nhiều cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể.
Những đề xuất cho dân của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Đại hội XIII được các vị đại biểu chăm chú lắng nghe, tin rằng sẽ đi vào lòng người, và những kiến nghị thiết thực trên sẽ sớm được thực thi.
Xin cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã vì nhân dân, nghĩ đến đời sống tốt đẹp của dân đã đưa ra kiến nghị trước Đại hội trọng thể. Bao giờ cũng vậy, một vị lãnh đạo luôn nghĩ đến dân làm tròn trách nhiệm, thì mãi sống trong lòng dân!
7 đề xuất của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Một là thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo nguyên tắc bù đắp, cống hiến, đóng góp, hi sinh và công bằng; bảo đảm người có công và gia đình có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.
Hai là tiếp tục thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tiếp cận với chuẩn nghèo đa chiều, bao trùm để hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, tích hợp chính sách giảm nghèo, giảm các chính sách hỗ trợ trực tiếp, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo; thu hẹp khoảng cách về thu nhập, mức sống, điều kiện sống của người nghèo so với bình quân chung của cả nước; tập trung giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ba là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên cơ sở tiếp tục đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo: đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, trọng tâm là hiện đại hóa để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phấn đấu tăng tỉ lệ lao động có bằng, chứng chỉ lên 30-35% vào năm 2025 và 40-45% vào năm 2030.
Bốn là phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; phát triển việc làm bền vững, nhất là cho thanh niên và lao động trung niên; tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; giảm lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp xuống dưới 25% vào năm 2025 và dưới 20% vào năm 2030.
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, thực hiện chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả làm việc, khuyến khích, trọng dụng nhân tài.
Năm là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt, hiện đại, chia sẻ và hội nhập; tăng hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng độ bao phủ BHXH tự nguyện, phấn đấu đạt tỉ lệ độ bao phủ 60% năm 2030, hướng tới BHXH toàn dân, mở rộng và duy trì BHYT toàn dân.
Sáu là phát triển trợ giúp xã hội toàn diện, đa dạng, bao trùm, hiệu quả, phù hợp với vòng đời con người, có sự chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân.
Bảy là, đẩy mạnh xã hội hóa nhà ở cho người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; bảo đảm nước sạch cho người dân nông thôn; nâng cao chất lượng thông tin truyền thông cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo…
Ái Hà
Nguồn: Cánh cò