Tại Đại hội XIII của Đảng chiều 27/1, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn lại báo cáo mới nhất của UNDP vào tháng 12/2020 cho thấy, Việt Nam được xếp vào nhóm “các quốc gia phát triển con người cao”.
Thảo luận tại Đại hội XIII, ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình bày tham luận “Quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội”.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong quản lý phát triển bền vững đất nước.
“Chủ trương của Đảng về quản lý và phát triển xã hội, an sinh xã hội là tương đối toàn diện, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới. Chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội của Đảng và Nhà nước luôn hướng đến mục tiêu vì con người và đặt con người vào trung tâm của quá trình phát triển”- ông nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh, chủ trương, đường lối, chính sách quản lý phát triển xã hội được Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền an sinh cho mọi người dân. Nghị quyết Trung ương 5, khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội đặt mục tiêu an sinh xã hội toàn dân, từng bước nâng cao, an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của Nhân dân; mọi người dân Việt Nam, không phân biệt giới tính, tôn giáo, dân tộc, vùng miền… đều có cơ hội được tham gia và thụ hưởng các thành quả phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Thành quả đạt được khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn
Trong thời gian qua, việc thực hiện quản lý phát triển xã hội đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và huy động được sự tham gia tích cực, sâu rộng của mọi tầng lớp Nhân dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội – mức cao nhất trong số các nước ASEAN, nhờ đó đã thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Cụ thể, chính sách người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt, đời sống người có công không ngừng được nâng lên, đến nay 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú.
“Trong cuộc chiến chống đói nghèo, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo. Giai đoạn 2016 – 2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của Châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Báo cáo của UNDP tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới. Nghèo đa chiều không chỉ tiếp cận từ thu nhập mà còn từ các chiều cạnh khác”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bên cạnh đó, kết quả tạo việc làm đạt thành công nổi bật, trong 5 năm qua đã tạo được khoảng 8 triệu việc làm mới với mức thu nhập tốt hơn. Việt Nam là một trong mười nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020.
Nhận thức về học nghề, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong toàn xã hội và người dân đã có chuyển biến mạnh mẽ. Vị thế, vai trò của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân được nâng cao. Kết quả giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Báo cáo mới nhất của UNDP vào tháng 12/2020 cho thấy, Việt Nam được xếp vào nhóm “các quốc gia phát triển con người cao”, đứng ở vị trí 117/189 quốc gia; chỉ số vốn nhân lực (HCI) chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.
Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết 28, chỉ trong 2 năm 2019-2020 đã phát triển mới khoảng 800.000 người, trên 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế.
“Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, 3% dân số và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hằng tháng. Trẻ em được bảo vệ và chăm sóc, xây dựng môi trường sống an toàn để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em; chăm sóc và phát huy tốt hơn vai trò người cao tuổi; người khuyết tật được trợ giúp phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tạo việc làm nên đời sống được ổn định và có phần cải thiện”- Bộ trưởng thông tin.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết chỉ số phát triển giới của Việt Nam nằm trong các quốc gia thuộc nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới. Vai trò, địa vị của phụ nữ được củng cố và nâng cao cả trong gia đình và ngoài xã hội.
Hệ thống dịch vụ xã hội đã được cải thiện, cơ bản bảo đảm quyền học tập, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông của Nhân dân. Khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương về kết quả 5 năm 2016-2020 cho thấy niềm tin của Nhân dân về chính sách xã hội, đảm bảo an sinh, chính sách người có công tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 72%; về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc so với đầu nhiệm kỳ.
“Những thành quả đạt được trên đây khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, toàn diện, trực tiếp của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và nhất là sự tham gia tích cực của Nhân dân cả nước”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý phát triển xã hội
Với mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường khu vực và thế giới, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ còn thấp và cơ cấu chưa hợp lý; chất lượng việc làm thấp, tạo việc làm chưa thực sự bền vững, thu nhập chưa cao; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn lớn, cao gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, nhất là nông dân và lao động khu vực phi chính thức.
Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu – nghèo về mức sống, hưởng thụ văn hóa, tinh thần giữa các vùng, miền, các nhóm đối tượng còn lớn và có xu hướng gia tăng. Nạn bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp. Một số tệ nạn xã hội gây ra những bất ổn trong xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, để vượt qua thách thức và khắc phục những hạn chế, bất cập đòi hỏi thời gian tới chúng ta phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý phát triển xã hội trên cơ sở quán triệt, cụ thể hóa quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Trong đó, con người là mục tiêu, động lực của phát triển và là trung tâm của chính sách xã hội; xác định rõ chính sách xã hội chăm lo cho người dân là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.
Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung xây dựng hệ thống các chính sách xã hội, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, và các chuẩn mực quốc tế bảo đảm ứng phó với các thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề xuất một số nhiệm vụ cụ thể. Trước hết là thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống cao hơn mức sống trung bình khá của dân cư trên địa bàn.
Tiếp tục thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tiếp cận với chuẩn nghèo đa chiều, bao trùm để hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, tích hợp chính sách giảm nghèo, giảm các chính sách hỗ trợ trực tiếp, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo. Thu hẹp khoảng cách về thu nhập, mức sống, điều kiện sống của người nghèo so với bình quân chung của cả nước; tập trung giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên cơ sở tiếp tục đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo. Phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; phát triển việc làm bền vững, nhất là cho thanh niên và lao động trung niên.
Thực hiện chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả làm việc, khuyến khích, trọng dụng nhân tài. Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt, hiện đại, chia sẻ và hội nhập; tăng hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện, phấn đấu đạt tỷ lệ độ bao phủ 60% năm 2030, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân. Mở rộng và duy trì bảo hiểm y tế toàn dân, nâng cao chất lượng y tế cơ sở và y tế dự phòng, đặt y tế cơ sở là nền tảng để chăm sóc sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, phát triển trợ giúp xã hội toàn diện, đa dạng, bao trùm, hiệu quả, phù hợp với vòng đời con người, có sự chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân; phát triển và đa dạng hóa các dịch vụ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, nghề công tác xã hội đảm bảo nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ đẩy mạnh xã hội hóa nhà ở cho người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; bảo đảm nước sạch cho người dân nông thôn; nâng cao chất lượng thông tin truyền thông cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo.
Cần quan tâm nhiều giải pháp
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần phải quan tâm nhiều giải pháp. Trong đó phải mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức về quản lý và phát triển xã hội.
Tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách xã hội toàn diện, đồng bộ, hội nhập, khả thi, khắc phục chồng chéo, trùng lặp. Hiện đại hóa hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và tổ chức thực hiện quản lý phát triển xã hội trên cơ sở xây dựng chính phủ kiến tạo, Chính phủ số là chủ thể quản lý và phục vụ Nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thống nhất số hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng mã số an sinh xã hội.
Bên cạnh đó cần tăng cường nguồn lực thực hiện chính sách xã hội trên cơ sở Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tương ứng với khả năng và điều kiện phát triển kinh tế; có khuyến khích, phát huy sự tham gia, đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân. Có cơ chế khuyến khích các đối tượng khó khăn, gia đình chính sách chủ động, tích cực vươn lên thoát nghèo và làm giàu, hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng…
Thế Kha – Anh Thế/ DT
Nguồn: Cánh cò