Đại hội XIII có thể nói là một “miếng bánh” béo bở để các nhà “dân chủ mạng” đục khoét, xuyên tạc, tiến hành các hoạt động chống phá. Các hoạt động công kích được thực hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, trên nhiều phương diện khác nhau, với nhiều cách tiếp cận, bẻ lái thông tin khác nhau. Tuy nhiên, dù cách thức biểu hiện có đa dạng như thế nào thì mục đích chống phá vẫn là không thay đổi.
Hiện nay một số trang mạng xã hội, các cá nhân, tổ chức chống đối như Việt Tân, BBC… đang tiến hành các hoạt động công kích, chống phá, xuyên tạc bản chất nền kinh tế của Nhà nước ta. Trong đó, luận điệu đang được các đối tượng ra sức cổ vũ, hô hào là “Việt Nam phải mạnh dạn phá bỏ mô hình “định hướng xã hội chủ nghĩa,” đẩy lùi độc tài độc đảng, đem lại cơ hội cho đất nước tiến lên”.
Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm!
Hoạt động chống phá nền kinh tế của Việt Nam từ lâu vẫn được các đối tượng thù địch, chống đối xác định là hướng tiến công chính nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Một mặt, các đối tượng phủ nhận những thành tựu phát triển của nền kinh tế kinh tế cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Mặt khác, các đối tượng ra sức cổ vũ về những giá trị của nền kinh tế thị trường tư bản. Mục đích của các đối tượng là hướng lái nền kinh tế của Việt Nam đi theo mô hình tư bản, từ việc thay đổi bản chất nền kinh tế sẽ kéo theo sự thay đổi về mặt chính trị.
Núp dưới vỏ bọc bình luận, đóng góp ý kiến phát triển kinh tế, các đối tượng cơ hội chính trị thường xuyên lồng ghép những quan điểm, nhận định, ý kiến lệch lạc, sai trái nhằm thay đổi bản chất của nền kinh tế tại Việt Nam. Trong đó, những luận điệu có thể kể đến như: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là một chính sách chữa cháy cho sự thất bại nặng nề của lý thuyết kinh tế Mác-Lênin, hơn là một chính sách kinh tế lâu dài được hoạch định bằng tri thức của một tầm nhìn có viễn kiến lâu dài”, “Kinh tế tư nhân được khôi phục phần nào nhưng vẫn bị kềm chế bởi cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa, trở thành một thành phần kinh tế yếu đuối bên lề” hay “phải phá bỏ mô hình “định hướng xã hội chủ nghĩa” để tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển”…
Không thể phủ nhận sự phát triển kinh tế của Việt Nam
Núp dưới giọng điệu đầy vẻ “đạo đức”, dưới lớp vỏ bọc “đóng góp ý kiến” là bộ mặt thật đầy tiêu cực, chống đối của các “nhà bình loạn”.
Nhìn nhận vào nền kinh tế tại Việt Nam, cần phải thấy việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề không hề dễ dàng, vì chúng ta là lực lượng tiên phong, trước đó không có hình mẫu cố định. Tuy nhiên, thực tiễn 35 năm đổi mới của đất nước với những phát triển nhanh chóng: từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu trở thành một trong những nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực, có độ mở lớn hàng đầu thế giới và tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới là minh chứng tiêu biểu cho thấy nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển đúng hướng.
Tình hình phát triển kinh tế của đất nước có những bước tiến rõ rệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao. Giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt bình quân 5,9%/năm, giai đoạn 2016 – 2019 tăng trưởng đạt 6,8%/năm, năm 2020 do dịch bệnh Covid-19 tốc độ tăng trưởng ước đạt trên 2% , bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt khoảng 5,9%/năm. Tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mở rộng tín dụng; từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể.
Về mặt thể chế, có thể thấy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường hàng hoá, dịch vụ từng bước hình thành đồng bộ, vận hành cơ bản thông suốt và bước đầu có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam tăng từ 88/183 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2010 lên 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2019.
Trong quan hệ kinh tế quốc tế, tính đến nay Việt Nam đã tham gia 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới chất lượng với các khối kinh tế mạnh (các hiệp định CPTPP, EVFTA), nên thị trường của nền kinh tế Việt Nam được mở ra rộng lớn.
Những căn cứ trên là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự đúng hướng trong phát triển nền kinh tế của Việt Nam. Vậy hà cớ gì các đối tượng chống phá không chịu chấp nhận thực tế trên, cố tình đổi trắng thay đen, vu khống thực tiễn phát triển của đất nước? Hay chăng, Việt Nam phải nghèo, Việt Nam chỉ được phép nghèo thì mới thỏa lòng của các “nhà dân chủ”?
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Cánh cò