Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng hung hăng, bành trướng khiến thế giới vô cùng phẫn nộ, thì mới đây Bắc Kinh lại tiếp tục làm dậy sóng biển Đông khi ký sắc lệnh cho phép lực lượng hải cảnh dùng vũ khí chống tàu nước ngoài. Rõ ràng, Trung Quốc đã hết kiên nhẫn để chơi trò gặm nhấm dân sự, mà đã thẳng thắn phô diễn dã tâm độc chiếm biển Đông của mình bằng quân sự.
Đầu tiên, chúng ta phải có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngư dân như cho vay với lãi suất thấp nhất để bà con đóng tàu thuyền và trang bị các phương tiện hiện đại hơn khi ra khơi. Thậm chí, nên có chế độ giá riêng đối với ngư dân; kết nối thông tin với các cơ quan chức năng để bảo vệ họ trước thiên tai, địch họa. Cùng đó, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển và các lực lượng khác cũng phải tham gia bảo vệ ngư dân, nhất là đối với công tác tìm kiếm cứu vớt những người bị nạn trên biển. Hiện nay, bà con bị nạn trên biển, chủ yếu được cấp cứu trên ở các trạm xá trên các đảo. Đã đến lúc phải có đội trực thăng cấp cứu để giúp ngư dân bị nạn trên biển nhằm hỗ trợ bà con kịp thời hơn. Hay như tàu bệnh viện trên biển là vô cùng cần thiết.
Thứ hai, phải gia tăng lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển trên biển Đông nhưng với những trang thiết bị hiện đại. Có thể tinh giảm lực lượng ở đất liền, nhưng thiết nghĩ cần phải gia tăng số lượng của lực lượng chức năng ở trên biển. Các lực lượng trên biển của ta cũng phải có những tuyên bố cụ thể, mạnh mẽ để bảo vệ bà con trên vùng biển chủ quyền nhằm tạo niềm tin vững chắc để bà con ra khơi. Tuy nhiên, chúng ta phải quan niệm rằng, ngư dân Trung Quốc cũng giống như dân Việt Nam hiền lành chất phát, họ ra biển cũng chỉ vì kế sinh nhai. Nếu ngư dân Trung Quốc đánh bắt đúng luật thì hòa hảo, còn họ quá quắt, dưới sự xúi giục của thế lực nào đó mà làm liều thì các lực lượng chức năng của Việt Nam cùng với ngư dân ngăn chặn một cách có lý lẽ. Đồng thời, ta phải phơi bày những chứng cứ xâm phạm, những hành vi thô bạo từ phía Trung Quốc cho dư luận quốc tế rõ.
Thứ ba, thời gian vừa qua, ngư dân Việt Nam bị các cơ quan thực thi trên biển xung quanh bắt khá nhiều như Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan… Theo chia sẻ của lực lượng chức năng khi trao đổi với các nước, ngư dân Việt Nam vi phạm quá sâu vùng biển của họ, và có hành vi sử dụng vũ lực chống lại lực lượng thực thi công vụ của họ. Không phải là tất cả, nhưng những hành động cá biệt đã tạo tiền lệ xấu trong mắt bạn bè quốc tế và nguy hiểm hơn nó lại là cái cớ quá hoàn hảo để lực lượng hải cảnh Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam. Chính vì vậy, mỗi ngư dân ta phải tự trang bị cho mình kiến thức về lãnh hải, chủ quyền, phạm vi hoạt động của mình trên biển. Bởi trước khi tìm kế sinh nhai trên thì phải bảo toàn được tính mạng của mình.
Thứ tư, đã đến lúc các nước ASEAN cùng chung tay góp sức thành lập một đội cảnh sát biển xuyên quốc gia, để tạo thành một sức mạnh tập thể chế ngự sự hung hãn của Trung Quốc. Từ trước đến giờ, bài học về sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta luôn chiến thắng bất cứ kẻ thù xâm lược nào.
Đã đến lúc, cần phải nhận thức rõ ràng, ngư dân chính là cột mốc sống chủ quyền trên biển. Họ mưu sinh ở đó, chết cũng ở đó, họ dũng cảm bám biển làm ăn từ đời này qua đời khác, lớp này qua lớp khác. Biển Đông chưa bao giờ vắng bóng ngư dân Việt Nam ta. Vì vậy ta phải làm sao để động viên, giữ vững khí thế đó, để lá cờ của Tổ quốc luôn phấp phới trên những con tàu của ngư dân ta trên biển Đông.
Hạnh Nhân
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả
Nguồn: Cánh cò