Mỗi kỳ Đại hội Đảng đều có hai nhiệm vụ chính trị quan trọng: Một là xây dựng Văn kiện để làm đường lối lãnh đạo cho cả nhiệm kỳ; hai là bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ đại hội.
Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ, Đại tá Nguyễn Hồng Hải (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) cho rằng, cả hai nhiệm vụ đều quan trọng, nhưng từ thực tiễn đất nước 5 năm qua, điều ông Hải mong mỏi, kỳ vọng nhất là Đại hội XIII sẽ bầu chọn được những cán bộ chiến lược thực sự xứng đáng về đức, về tài vào Ban Chấp hành Trung ương. Nhiệm kỳ qua (2016-2021), với quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn thể Nhân dân, chúng ta đã đẩy mạnh công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Hơn 110 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có cả những người từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, thậm chí bị khởi tố, xử tù. Điều đó khiến người dân vui mừng, tin vào chủ trương của Đảng: “Không có vùng cấm” trong xử lý tiêu cực. Nhưng ngược lại, cũng phải thấy rằng, ở các đại hội trước đây, chúng ta đã để lọt những người không xứng đáng vào Trung ương, vì sự vi phạm của họ là cả một quá trình, nhiều nhiệm kỳ chứ không phải vào Trung ương họ mới tha hóa, biến chất.
Để bầu chọn đúng, trúng những người có đức, có tài, đòi hỏi rất cao trách nhiệm trước Đảng, trước đất nước và Nhân dân của những đại biểu dự Đại hội. Đại tá Nguyễn Hồng Hải bày tỏ mong muốn các đại biểu cẩn trọng, nghiên cứu thật kỹ lưỡng, kiên quyết không bầu những người mình còn thấy “lăn tăn” về đạo đức, lối sống; không đặt nặng cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn. Muốn vậy, cần thảo luận thật dân chủ phương án nhân sự tại Đại hội, thấy cái đúng phải bảo vệ, thấy “lăn tăn” về bất cứ nhân sự nào phải cương quyết nêu ra để Đại hội thảo luận, quyết định.
Hiện nay, công nghệ ngày càng hiện đại, người dân mong tại Đại hội lần này, Đảng ta ứng dụng các công nghệ hiện đại hỗ trợ công tác bầu cử được chính xác. Đồng thời, về lâu dài, Đảng ta nên coi trọng việc ứng dụng công nghệ hiện đại để đổi mới nội dung, phương thức bầu cử. Trình độ đảng viên ngày càng cao, điều đó cho phép chúng ta mở rộng dân chủ trực tiếp, làm sao để ngày càng đông đảo đảng viên có thể tham gia thảo luận về đường lối, chủ trương của Đảng và tham gia bầu cử trực tiếp để lựa chọn nhân sự cấp cao của Đảng. Điều lệ Đảng đã quy định quyền bầu cử, ứng cử của đảng viên, nhưng trước đây chúng ta chưa có điều kiện để thực hành cơ chế bầu cử trực tiếp, chủ yếu vẫn là cơ chế bầu cử ủy quyền. Hy vọng, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, Đảng ta sớm nghiên cứu, áp dụng để mở rộng quyền bầu cử trực tiếp trong Đảng, Đại tá Nguyễn Hồng Hải bày tỏ.
Một trong những nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng ta là tập trung dân chủ. Theo đó, dân chủ càng được mở rộng thì trình độ tập trung càng cao. Nếu Đảng ta mở rộng được dân chủ trong bầu cử theo hướng để đảng viên tham gia bầu cử trực tiếp ngày càng nhiều hơn thì sẽ chọn đúng hơn những người có đức, có tài, những người thực sự vì lý tưởng của Đảng, vì “dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhân dân hy vọng, vấn đề này sẽ được thảo luận tại Đại hội XIII, để sau Đại hội, Đảng ta sẽ triển khai đổi mới công tác bầu cử trong Đảng mạnh mẽ hơn nữa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là “đầy tớ” thật trung thành của Nhân dân. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, Đảng chọn nhầm cán bộ nghĩa là Nhân dân “bị” chọn nhầm “đầy tớ”. Đây là sự bất hạnh khi quần chúng nhân dân phải chịu sự lãnh đạo của những kẻ kém đức, kém tài nhưng hằng ngày lại rao giảng đạo đức, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Nói một cách khác, Nhân dân lo nhất là Đảng cử nhầm người dẫn đến người dân chọn nhầm “đầy tớ”. Cơ chế bầu cử trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay là “Đảng cử, dân bầu”, cho nên mỗi quyết định nhân sự của Đảng liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân. Vì vậy, Đại tá Nguyễn Hồng Hải bày tỏ mong muốn Đại hội XIII của Đảng sẽ không chọn nhầm bất cứ một cán bộ nào, tránh những câu chuyện “chặt cành để cứu cây” đau xót đã xảy ra ở nhiệm kỳ XII của Đảng.
Lê Sơn (ghi)
Nguồn: Cánh cò