Khi Đại hội XIII đang đến gần, hai đài BBC và RFA đã đẩy mạnh tuyên truyền rằng để đảm bảo tính dân chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cần mạnh dạn tổ chức “tranh cử trong Đảng”, và công khai mọi thông tin về Đại hội. Dù quan điểm này có vẻ hấp dẫn và dễ lọt tai, những thực tế đằng sau nó có thể không đơn giản như vậy.
Trước tiên, hãy lắng nghe thông điệp tuyên truyền của họ. Trả lời phỏng vấn BBC hôm 15/10/2020, Luật sư Trần Quốc Thuận (cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) nói:
“Vừa rồi có nhiều người dân nói và mong muốn là có tự do ứng cử, tự do đề cử ngay trong nội bộ đảng, nhưng cái đó cũng chưa thực hiện được, đúng hơn là không được thực hiện, huống gì ra ngoài xã hội, ra tới người dân. Ra ngoài xã hội, ra ngoài dân, như trường hợp cô Phạm Đoan Trang và nhiều người khác phát biểu, thì người ta xử lý ngay.
Thành ra đó là cái mà nhiều người nói là ở Việt Nam thì còn lâu và còn mơ. Bây giờ cái mơ gần hơn là làm sao trong đảng có những cuộc bầu cử, ứng cử tự do, có cuộc tranh luận, tranh cử công khai, thực chất, thì cái đó sẽ là từng bước cụ thể, nếu làm được thì tốt.”
Mới đây, trên RFA hôm 06/01, ông Phạm Quý Thọ cũng đề cập đến nhu cầu gia tăng sự tham gia của người dân khi viết: “Những lý lẽ mọi việc cần công khai để ‘dân biết, dân kiểm tra, giám sát’ như Đảng đã cam kết, và sự tham gia chính trị của quyền người dân được quy định trong Hiến pháp… trở nên lạc lõng, được cho là ‘không phù hợp’, thậm chí bị chỉ trích có ‘biểu hiện dân tuý’”.
Vậy ý kiến mà hai ông Trần Quốc Thuận và Phạm Quý Thọ đưa ra có xác đáng không? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần ghi nhận 3 thực tế:
Thứ nhất, Đại hội XIII là không gian sinh hoạt chính trị của ĐCSVN, chứ không phải là của mọi công dân Việt Nam. Vì vậy, ĐCSVN có quyền tự quyết định quy trình tiến hành và mức độ công khai của Đại hội. Đây là một điều bình thường trên thế giới: Đại hội gần nhất của Đảng Cộng hòa Mỹ, khai mạc hôm 21/08/2020, đã được tổ chức kín, phóng viên không được phép tham dự.
Thứ hai, mọi công dân Việt Nam đều tham gia quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng dưới hình thức góp ý. Họ cũng có quyền tham gia các sinh hoạt chính trị của Nhà nước Việt Nam dưới những hình thức như thảo luận, góp ý, kiến nghị, khiếu kiện, và tác động qua các Đại biểu Quốc hội. Gần đây, hai luật sư Ngô Ngọc Trai và Ngô Anh Tuấn đã kêu gọi cộng đồng tích cực tham gia những phương thức sinh hoạt sẵn có này, đồng thời cho biết chúng đã có hiệu quả:
Thứ ba, BBC và RFA không tuyên truyền về Đại hội Đảng một cách vô vụ lợi. Hoạt động tranh cử công khai trong nội bộ Đảng, mà họ đang kêu gọi tiến hành, có thể dẫn đến sự xuất hiện của các “đảng trong Đảng”, từ đó hình thành các đảng đối lập. Quá trình này sẽ biến Việt Nam thành một nước đa đảng, buộc nền kinh tế và chính trị ở Việt Nam phải vận hành theo trật tự quốc tế mà các nước phương Tây áp đặt, từ đó làm lợi cho các chính phủ Anh (sở hữu BBC) và chính phủ Mỹ (đứng đằng sau RFA).
Không lâu trước khi “nhà dân chủ” Phạm Đoan Trang bị bắt, vụ bê bối tài chính trong NXB Tự Do đã cho thấy bản thân Trang cũng không được tập thể bầu lên một cách dân chủ. Vì vậy, thiết nghĩ các “nhà dân chủ” nên tự nâng cao tính dân chủ trong sinh hoạt nội bộ của mình, trước khi gạ gẫm người khác làm chuyện ấy
Nguyễn Biên Cương
Nguồn: Tre làng