Thời gian gần đây, vì nhiều động cơ, mục đích khác nhau, “Bản phúc trình” hoặc “Báo cáo thường niên” của Ân xá quốc tế luôn phản ánh về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở nhiều quốc gia trên thế giới không khách quan. Thế nên ngay sau khi công bố, những “báo cáo” này luôn bị làn sóng dư luận các nước, trong đó có Việt Nam phản đối mạnh mẽ. Ấy vậy nhưng mới đây, Ân xá quốc tế lại kêu gọi Đảng Cộng sản và các lãnh đạo sắp được bầu chọn trong Đại hội toàn quốc lần thứ XIII tới đây “cần cải thiện tình hình nhân quyền bằng các chính sách cụ thể”.
Cái gì mà kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền?
Trong báo cáo tháng 12/2020 của Ân xá Quốc tế đã có những thông tin không khách quan, một chiều, mang tính chất quy chụp, vu khống Việt Nam vi phạm nhân quyền khi cho rằng Việt Nam có một danh sách dài và cấp bách về các vấn đề nhân quyền cần phải có biện pháp khắc phục khẩn cấp. Việt Nam tiến hành bắt bớ những người mà Ân xá Quốc tế gọi là “tù nhân lương tâm”, kiểm duyệt và hình sự hóa biểu thức trực tuyến bằng luật An ninh mạng.
Theo luận điệu của tổ chức Ân xá Quốc tế, có một tỷ lệ lớn và ngày càng tăng của các “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam bị bỏ tù dựa trên biểu hiện của họ trên mạng, với 41% trong số đó được tổ chức này công nhận là do “phát ngôn ôn hòa” trên mạng. Ít nhất 36 người đã bị giam giữ theo Điều 117 kể từ khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực vào tháng 1/2018, có 8 người vào năm 2018; 14 người vào năm 2019 và 14 người vào năm 2020. Những người bị kết án đã nhận các mức án từ 5 đến 15 năm tù.
Ân xá Quốc tế dẫn chứng, Phạm Chí Dũng, kẻ sáng lập cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập”, đã bị bắt vào ngày 21/11/2019, vài ngày sau khi ông ta ký một lá thư thúc giục Liên minh châu Âu (EU) trì hoãn việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cho đến khi Việt Nam có các biện pháp “cải thiện tôn trọng nhân quyền”. Kế sau đó là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn lần lượt bị bắt vào ngày 23/5/2020 và ngày 12/6/2020. Hoặc, Phạm Đoan Trang cũng bị buộc tội theo Điều 117 và vẫn bị giam giữ trước khi xét xử.
Chưa dừng lại, Ân xá Quốc tế còn trắng trợn, vin vào đánh giá của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc để chỉ trích Việt Nam. Dẫn theo Ân xá Quốc tế thì, trong đánh giá gần đây nhất về Việt Nam vào năm 2019, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, đã tuyên bố rằng “khung pháp lý trong nước của Việt Nam vẫn chưa phù hợp với Công ước” và nhấn mạnh Điều 117 và 331 của Bộ luật Hình sự cùng với Luật An ninh mạng vì việc không tuân thủ các yêu cầu của Công ước…
Lý do được Ân xá Quốc tế đưa ra để minh chứng cho luận điệu “Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền” là trong năm 2020, chính quyền đã gia tăng đàn áp, bắt giữ các “nhà hoạt động nhân quyền” như Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Đoan Trang,…
Có thể thấy, Ân xá Quốc tế nói riêng và các thế lực thù địch nói chung đã và đang cố tình tung ra những thông tin sai lệch, thêu dệt nên bức tranh màu xám về câu chuyện “nhân quyền” ở nước ta, hòng bôi nhọ chế độ, làm phai nhạt niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; kích động gây mâu thuẫn, nghi ngờ, chia rẽ mối đoàn kết giữa Đảng với nhân dân để dẫn đến “tự diễn biến” tạo ra điểm nóng, khủng hoảng chính trị, tiến tới kịch bản bạo loạn và lật đổ chế độ. Không những thế, với khẩu hiệu “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, đây chính là cái cớ để chúng kêu gọi sự can thiệp, gây sức ép của quốc tế vào công việc nội bộ của nước ta.
Vì vậy, không thể chấp nhận được nhiều năm qua trong các “Báo cáo thường niên” do Ân xá Quốc tế công bố đã xuyên tạc chính sách nhân đạo của Việt Nam và vu cáo “Việt Nam đang giam giữ nhiều tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo và tù nhân lương tâm”.
Không có nhân quyền cho những kẻ chống lại Tổ quốc
Vậy, những Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Thành, Đinh Thị Thu Thủy… mà Ân xá Quốc tế kêu gọi là “nhà hoạt động nhân quyền” hay là những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam một cách nghiêm trọng?
Cần phải khẳng định, đó đều là những đối tượng vì nhiều lý do, động cơ mà trở cờ chống lại đất nước, đu bám theo các thế lực thù địch lưu vong chống phá ở nước ngoài. Thế nên, chuyện họ bị bắt, bị tuyên án là điều hiển nhiên, không phải bàn cãi. Chỉ có những cá nhân, tổ chức đồng lõa với các đối tượng trên mới lên tiếng khóc lóc, tỏ vẻ đấu tranh vì những “con chiên ngoan đạo” của mình mà thôi.
Chẳng hạn, với vai trò là Phó Chủ tịch của cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, Nguyễn Tường Thụy thường xuyên thu thập tin tức về các sự kiện nhạy cảm, tiêu cực, các vấn đề xã hội đang được dư luận quan tâm, qua đó đả kích, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kêu gọi đa nguyên, đa đảng.
Còn, Phạm Thị Đoan Trang đã được tổ chức “VOICE” đưa ra nước ngoài đào tạo về cách thức chống phá chính quyền, hoạt động “bất bạo động”. Phạm Thị Đoan Trang thành lập “Nhà xuất bản tự do” thường xuyên xuất bản các sách, tài liệu có nội dung đả phá chính quyền, công kích chế độ. Chỉ trong ít năm gần đây, Phạm Thị Đoan Trang đã viết, in ấn và tán phát hàng chục cuốn sách có nội dung chống phá chính quyền, hướng dẫn cách thức lật đổ chính quyền, như: “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Chúng ta làm báo”…
Từ đây, có thể thấy rằng, tất cả những đối tượng mà Ân xá Quốc tế gọi là “tù nhân lương tâm” như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thị Đoan Trang… thực chất là những đối tượng vi phạm pháp luật. Bản thân họ không phải là “nhà dân chủ”, hay “nhà hoạt động nhân quyền” mà thực chất chỉ là những kẻ lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền”, giả danh “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật.
Ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào, những đối tượng phạm pháp đều phải được xử lý nghiêm minh. Hoàn toàn không thể chấp nhận chuyện bắt, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là “gia tăng đàn áp nhân quyền” như những luận điệu mà các cá nhân, tổ chức trên đưa ra.
Cần phải nhớ, Việt Nam cũng luôn nghiêm túc trong thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, các cam kết theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Liên hợp quốc. Năm 2019, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua kết quả Báo cáo quốc gia định kỳ của Việt Nam, theo Cơ chế UPR (chu kỳ III) về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Hơn nữa, cũng từ thực tế, ân xá – đây là một chính sách nhân đạo hàng năm của Đảng và Nhà nước Việt Nam dành cho những người lầm đường, lạc hướng vi phạm pháp luật. Thế nhưng, dưới góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng những tội phạm lợi dụng dân chủ-nhân quyền để làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây tâm lý bất ổn, hoang mang trong cộng đồng là không thể ân xá… Không rõ Ân xá quốc tế đã cóp, nhặt những thông tin ở đâu để xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam khi mà đại diện hoặc nhân viên của tổ chức này chưa một lần đến Việt Nam để tìm hiểu thực tế.
Có lẽ, Ân xá quốc tế với mạng lưới ở 162 quốc gia và vùng lãnh thổ như hiện nay, đã đến lúc nên quay về với tôn chỉ, mục tiêu tốt đẹp ban đầu: Bảo vệ con người, nói lên tiếng nói vì một thế giới hòa bình không có chiến tranh, khủng bố và xung đột tôn giáo.
Bởi vì, xin khẳng định lại, ở Việt Nam không có ai bị coi là “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” hoặc “tù nhân tôn giáo”, cũng không có chuyện chính quyền tạo ra “không khí hoảng sợ cho những người sử dụng Internet” mà Ân xá quốc tế đã nói ra. Và càng không có chuyện các tổ chức, cá nhân, các thế lực thù địch dễ dàng đòi nhân quyền cho những kẻ chống lại tổ quốc bằng cách “ăng ẳng” từ tận trời Tây.
Đó là thực tế.
Sông Trà
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Cánh cò