Trang chủ Chính trị Quốc hội khóa mới dự kiến có 500 đại biểu, phải là...

Quốc hội khóa mới dự kiến có 500 đại biểu, phải là người có đức có tài

204
0

Quốc hội khóa XV dự kiến có 500 đại biểu và phải là những người “thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân”.

Quốc hội khóa mới dự kiến có 500 đại biểu, phải là người có đức có tài
Tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV dự kiến cả nước là 500 người (Ảnh minh họa)

Ngày 21/1, phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói “đây là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân”.

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp cũng là “cơ hội thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài”.

“Chúng ta phải tổ chức và chuẩn bị tiến hành làm sao cho thật sự dân chủ, đoàn kết, và chọn những đại biểu xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.

Quốc hội khóa mới dự kiến có 500 đại biểu, phải là người có đức có tài
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho hay, chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đã đề ra mục tiêu phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách (ít nhất 40%).

Bộ Chính trị yêu cầu cần gắn kết quả nhân sự của Đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Bộ Chính trị nêu rõ kiên quyết không giới thiệu ứng cử những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

“Chúng ta vừa đảm bảo quyền bầu cử, ứng cử, quyền tự ứng cử, đề cử của công dân nhưng cũng phải đảm bảo quy trình, tránh việc lợi dụng khe hở để đưa người không đủ tiêu chuẩn vào HĐND và đại biểu Quốc hội”, ông Trần Quốc Vượng nói và đề nghị việc lấy ý kiến đại biểu, cử tri nơi công tác phải được thực hiện thực chất.

“Dân là người giám sát, không ai qua mắt được dân nên phải lấy ý kiến của dân thực chất chứ không nên tổ chức hình thức, như vậy mới chọn được người đúng tiêu chuẩn”, ông Vượng nói thêm.

Trình bày hướng dẫn về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, nói người ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn như trung thành với tổ quốc, nhân dân, hiến pháp; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ…

“Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết…”, ông Chính nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ phối hợp với các đơn vị hướng dẫn về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND; việc ứng cử, hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lập và công bố danh sách người ứng cử; thành lập các tổ chức bầu cử ở địa phương…

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ diễn ra vào Chủ nhật, ngày 23/5. Thời hạn nhận hồ sơ ứng cử đại biểu bắt đầu từ 22/2, kết thúc lúc 17h ngày 14/3.

Viết Tuân/VNE


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây