Trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây, không còn nhân sự Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, còn ở các nhiệm kỳ trước đó có nhân sự là Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị.
Những trường hợp từng là Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị
Tính đến nay Đảng CSVN đã trải qua 12 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc và sắp sửa bước vào Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (viết tắt Đại hội).
Tại nhiệm kỳ Đại hội II (1951 – 1960), ngoài các Ủy viên Bộ Chính trị chính thức, có 1 Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị, đó là ông Lê Văn Lương (1912-1995, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội).
Tại nhiệm kỳ Đại hội III (1960 -1976), có 2 Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị là ông Văn Tiến Dũng (1917-2020, ông là Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và ông Trần Quốc Hoàn (1916-1986, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an). Cả 2 trường hợp này đều trở thành Ủy viên Bộ Chính trị chính thức từ năm 1972. Hai ông có đến 12 năm là Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị.
Tại nhiệm kỳ Đại hội IV (1976-1982) có 3 Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị là ông Tố Hữu (1920 -2002, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng nay gọi là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ), ông Đỗ Mười (1917 -2018) và ông Võ Văn Kiệt (1922-2008). Ông Tố Hữu trở thành Ủy viên Bộ Chính trị chính thức từ vào năm 1980. Còn ông Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt trở thành Ủy viên Bộ Chính trị chính thức tại Đại hội V (1982-1986). Ông Đỗ Mười làm Tổng Bí thư từ năm 1991 đến năm 1997. Còn ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng Chính phủ từ năm 1991 đến năm 1997. Sau này cả hai ông còn là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại nhiệm kỳ Đại hội V (1982-1986) có 2 Ủy viên Dự khuyết là ông Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay gọi là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và ông Đồng Sỹ Nguyên (1923-2019, ông là Trung tướng, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay gọi là Phó Thủ tướng Chính phủ) kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông.
Đến nhiệm kỳ Đại hội VI (1986-1991) có 1 Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị là ông Đào Duy Tùng (1924-1998, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương). Ông trở thành Ủy viên Bộ Chính trị chính thức từ tháng 5/1988.
Cơ cấu tổ chức nhân sự theo yêu cầu từng thời kỳ
Từ nhiệm kỳ Đại hội VII đến Đại hội XII, trong cơ cấu tổ chức của Đảng không còn Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị.
Trong nhiệm kỳ Đại hội VII (1991-1996) có 4 trường hợp được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, đó là ông Lê Khả Phiêu (1931-2020, nguyên Tổng Bí thư), ông Đỗ Quang Thắng (1927 -2009, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Nguyễn Mạnh Cầm (nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), và 1 trường hợp nữa xin không nêu tên do ông mắc vi phạm, khuyết điểm trong thời kỳ hoạt động bị địch bắt nên đã bị Trung ương kỷ luật bằng hình thức khai từ khỏi Đảng. Cả 4 ông đều được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị tháng 12/1993.
Trong nhiệm kỳ Đại hội VIII cũng có 4 trường hợp được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị là ông Phạm Thanh Ngân (Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam); ông Nguyễn Minh Triết (nguyên Chủ tịch nước); ông Phan Diễn (nguyên Thường trực Ban Bí thư); ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Tất cả 4 trường hợp này đều được bầu vào Bộ Chính trị tháng 12/1997.
Trong 2 nhiệm kỳ Đại hội gần đây, nhiệm kỳ Đại hội XII, không bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị. Còn trong nhiệm kỳ Đại hội XI trước đó, Ban Chấp hành Trung ương có bầu bổ sung 2 trường hợp vào Bộ Chính trị, đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội và ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM (hiện ông Nhân đang được Bộ Chính trị phân công theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM cho đến khi kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng).
Về vấn đề các nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc gần đây không còn bầu Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM) nhìn nhận: Do thấy không còn cần thiết nên Đảng ta đã bỏ cơ cấu Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị trong nhiều khóa trở lại đây. Bởi nhân sự đã được lựa chọn bầu vào Bộ Chính trị đều là những đồng chí thật sự tiêu biểu, mẫu mực về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý để phụ trách các mảng công việc. Do đó Ủy viên Bộ Chính trị không cần có một thời gian dự khuyết. Còn đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải cần có dự khuyết để có bước chuyển tiếp đối với đội ngũ cán bộ trẻ.
“Do yêu cầu nhiệm vụ của mỗi thời kỳ nên Đảng ta đặt ra cơ cấu tổ chức nhân sự của Trung ương cho thích hợp để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng”, PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc nói.
(Theo DV)
Nguồn: Cánh cò