Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ lựa chọn được một đội ngũ cán đủ tư cách, phẩm chất, năng lực, uy tín, là những người có đủ đức tài.
Đó là kỳ vọng của nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Theo ông Hà Đăng, khi nói đến Đại hội Đảng XIII là nhắc đến vấn đề đường lối, quyết sách để đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, phát triển đất nước với mục tiêu có một tương lai tươi sáng, đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nói “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, ông đánh giá thế nào về nhận định này? Ông có kỳ vọng gì về Ban Chấp hành Trung ương khoá mới?
Theo tôi hiểu, “cơ đồ” chính là sự nghiệp lớn lao, đó là sự nghiệp độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Khi đã giành được độc lập dân tộc thì phải giữ bảo vệ cho được, đồng thời phải tính đến chuyện phát triển như thế nào.
“Cơ đồ” còn ở chỗ bảo vệ được nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
35 năm vừa qua đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, những kết quả này đều được nhắc tới trong các kỳ Đại hội. Ý của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói không phải là cơ đồ của một vài nhiệm kỳ mà cho cả thời kỳ đổi mới.
Thời kỳ đổi mới là tiếp tục các thời kỳ oanh liệt trước, nếu không có những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Cách mạng tháng Tám, không có hai cuộc kháng chiến và các thời kỳ phát triển trước đó thì làm sao có được 35 năm đổi mới.
Tiềm lực là sức mạnh kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội cũng tăng lên rất nhiều. Vị thế của nước ta ở trong khu vực và trên thế giới càng ngày càng lớn.
Ngay trong phòng chống dịch Covid-19, nước ta là một tấm gương sáng, không chỉ khu vực châu Á mà cả thế giới khâm phục. Những biện pháp áp dụng trong chống dịch, trước đây họ cho rằng là vi phạm nhân quyền nhưng rồi người ta lại thấy rằng cả hệ thống chính trị ủng hộ. Nhờ sự quyết liệt mà chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu.
Chính vì vậy, nói vị thế là nói chỗ đứng của mình so với mình trước đây, so với các nước Đông Nam Á và cả thế giới đã tăng cao, uy tín cũng đã rõ ràng. Chúng ta tin tưởng nhưng không phải kê gối ngủ yên trên vòng nguyệt quế.
Tôi tin rằng Đại hội Đảng XIII sẽ lựa chọn được một đội ngũ cán bộ tốt, có đủ tư cách, phẩm chất, năng lực, uy tín, là những người có đức và tài. Từ đó đảm đương được trọng trách, nhiệm vụ mà toàn Đảng giao phó cho mình. Bởi vì không có cán bộ tốt thì đường lối có tốt mấy cũng chịu. Còn tốt đến mức nào, làm tròn nhiệm vụ đến như thế nào thì phải chờ.
‘Cưa cành cây sâu mọt’ để ‘cơ thể’ của Đảng lành mạnh hơn
Trong nhiệm kỳ vừa qua đã có rất nhiều lãnh đạo cấp cao, thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, có người còn bị xử lý hình sự. Vấn đề này cho thấy còn nhiều kẽ hở trong công tác lựa chọn cán bộ. Theo ông, Đại hội Đảng XIII sắp tới cần lưu ý những gì để không xảy ra việc mất cán bộ?
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta có rất nhiều thành tích lớn, trong đó có công tác cán bộ. Nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ mặt trái ngay trong đội ngũ cán bộ. Đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí có cả những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Vì vậy, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã được triển khai một cách rất quyết liệt. Chủ trương của ta là vừa xây vừa chống, xây là chính, là cơ bản, nhưng chống là cấp bách và trọng yếu, phải làm ngay. Việc xử lý một số cán bộ, kể cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói làm việc đó là đau xót, nhưng dù đau xót đến đâu cũng phải làm, vì sự phát triển của Đảng. Cưa cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây, đó là tinh thần của chúng ta.
Chúng ta không bi quan khi có một số lượng lớn cán bộ bị thi hành kỷ luật mà nên mừng về chuyện đó, tức là bớt đi những con sâu trong Đảng, làm cho “cơ thể” của Đảng lành mạnh hơn.
Theo ông cần có công cụ như nào để loại bỏ được những người cơ hội, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, người chạy chức, chạy quyền…, để họ không vào được cánh cửa Ban Chấp hành Trung ương khóa mới?
Trong công tác cán bộ có nêu khẩu hiệu mà tôi rất thích đó là không bỏ sót nhưng đồng thời không để lọt.
Nếu ta không nhận thức sâu sắc quan điểm về phát hiện, sử dụng nhân tài như Bác Hồ đã nói và làm thì bỏ sót những người thực sự có tài năng, đạo đức. Còn để lọt là do chúng ta không nhìn đúng bản chất của con người, những mặt ưu và khuyết điểm mà chỉ thấy được cái vẻ bên ngoài của họ. Vì vậy mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói đừng có thấy đỏ mà tưởng chín.
Trong việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội XIII, tôi nghĩ những khẩu hiệu được nêu lên rất thiết thực và đúng để không bỏ sót người tốt nhưng cũng không để lọt những phần tử xấu, cơ hội.
Còn cơ chế như thế nào? Bây giờ các vấn đề suy thoái ở chỗ thường là quyền lực được giao nhưng trách nhiệm thì không có hoặc không rõ ràng. Phải có cơ chế về kiểm soát quyền lực, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong Đảng cũng như việc sinh hoạt chính trị, tự phê bình và phê bình đấu tranh trong nội bộ.
Tất cả những việc đó trong quá trình chuẩn bị Đại hội chúng ta làm đã có nhiều thành tích đáng khen nhưng còn phải tiếp tục làm, chứ không phải Đại hội giải quyết được tất cả những vấn đề đó.
Hương Quỳnh Thành Nam/VNN
Nguồn: Cánh cò