Trang chủ Chính trị ‘Trường hợp đặc biệt’ tái cử là rất cần thiết

‘Trường hợp đặc biệt’ tái cử là rất cần thiết

281
0

Hội nghị Trung ương 15 khóa XII sẽ thảo luận lần cuối về công tác nhân sự chủ chốt cho nhiệm kỳ tới, trong đó có nhân sự thuộc “trường hợp đặc biệt” tái cử để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (khai mạc ngày 25/1). Trao đổi với PV, nhiều chuyên gia cho rằng, “trường hợp đặc biệt” là Ủy viên Bộ Chính trị quá tuổi tái cử chỉ nên 1 hoặc 2, không nên nhiều quá.

‘Trường hợp đặc biệt’ tái cử là rất cần thiết
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội tại Hội nghị Trung ương 14 ảnh: Nhật Minh

Ông Lê Quang Thưởng (nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương): Chỉ nên có 1 hoặc 2

Hội nghị Trung ương 15 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thảo luận và lựa chọn nhân sự chủ chốt để trình Đại hội XIII của Đảng. Đây đều là những chức danh đặc biệt quan trọng nên đòi hỏi quy trình thực hiện phải kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan và công tâm.

Theo quy định, Ủy viên Bộ Chính trị tái cử khóa XIII không quá 65 tuổi, “trường hợp đặc biệt” quá tuổi tái cử thì Trung ương xem xét, quyết định và trình ra Đại hội. Việc xem xét “trường hợp đặc biệt” là Ủy viên Bộ Chính trị quá tuổi tái cử trên thực tế được đặt ra ở Đại hội XI. Khi đó, Trung ương đã thảo luận và quyết định giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “trường hợp đặc biệt” tái cử để giữ chức Tổng Bí thư khóa XII. Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thể thấy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện năng lực nổi bật và uy tín và trách nhiệm của mình trong công việc và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, và sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.

‘Trường hợp đặc biệt’ tái cử là rất cần thiết
Ông Lê Quang Thưởng

Tuy nhiên, đã gọi là “trường hợp đặc biệt” tái cử, theo tôi, chỉ nên giới hạn ở 1 hoặc 2 trường hợp, nếu nhiều quá sẽ chẳng còn gì đặc biệt. Việc giữ lại các “trường hợp đặc biệt” cũng nên coi đó là yếu tố khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, của Đảng trong tình hình mới. Riêng về tiêu chuẩn, “trường hợp đặc biệt” được giới thiệu tái cử phải là người có uy tín cao trong Đảng và nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng.

ÐBQH Vũ Trọng Kim (Ủy viên Trung ương Ðảng từ khóa VIII – XI): Chọn tấm gương nổi bật

Nhìn lại Đại hội XII, đến bây giờ có thể thấy, những trường hợp đặc biệt được lựa chọn rất đúng đắn, sáng suốt. Do chọn được đúng người, đúng việc nên trường hợp đặc biệt ở Đại hội XII đều phát huy rất tốt vai trò của mình. Điển hình như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi đó là trường hợp đặc biệt duy nhất trong Bộ Chính trị, tiếp tục ở lại một nhiệm kỳ trên cương vị Tổng Bí thư và đã phát huy rất tốt vai trò người đứng đầu của Đảng. Tổng Bí thư đã quy tụ được sức mạnh, sự đoàn kết, phát động, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Từ Đại hội Đảng lần thứ XI có đặt ra trường hợp đặc biệt, những người tuổi cao hơn quy định, nhưng có năng lực, kinh nghiệm, sự từng trải. Nhờ kinh nghiệm thực tiễn, sự từng trải và cương vị công tác trải qua, họ có nhiều điều kiện để dẫn dắt, định hướng cho lớp cán bộ đi sau trong giải quyết những tình huống khó khăn. Đã là đặc biệt thì phải hội tụ toàn diện mọi mặt, từ đạo đức đến năng lực lãnh đạo, có trí tuệ, bản lĩnh, sức khỏe, đặc biệt có uy tín và là tấm gương sáng cho toàn Đảng.

‘Trường hợp đặc biệt’ tái cử là rất cần thiết
Ông Vũ Trọng Kim

Về số lượng, đương nhiên, trường hợp đặc biệt thường không có nhiều. Như Đại hội Đảng khóa XII, chỉ có một trường hợp đặc biệt của Bộ Chính trị và một số trường hợp đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương. Đây đều là những trường hợp cần thiết, do bối cảnh khách quan chứ không phải áp đặt hay bắt buộc. Được biết, Hội nghị Trung ương 15 lần này sẽ xem xét trường hợp đặc biệt để trình ra Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Việc lựa chọn nhân sự đặc biệt được xem xét dựa trên nhiều tiêu chuẩn để chọn ra những tấm gương nổi bật trong một tập thể lãnh đạo. Trước khi trình danh sách trường hợp đặc biệt ra Đại hội, phải làm tốt và có sự thống nhất cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Sự thống nhất này gần như là tuyệt đối, như vậy sẽ có sức thuyết phục cao với Đại hội.

Ông Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Ðảng): Phải có uy tín trong Ðảng, trong dân

Đất nước có phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới hay không phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn, tư duy chiến lược của lãnh đạo chủ chốt. Do đó, việc lựa chọn nhân sự chủ chốt tại Hội nghị Trung ương 15 để trình ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là công việc quan trọng, cần được xem xét chặt chẽ, kỹ lưỡng, cẩn trọng, khách quan.

‘Trường hợp đặc biệt’ tái cử là rất cần thiết
Ông Nguyễn Trọng Phúc

Hơn nữa, trong thời gian tới có sự chuyển tiếp thế hệ quan trọng, trong đó dự kiến sẽ xuất hiện nhiều Ủy viên Trung ương thuộc thế hệ 7X. Đây là những người trưởng thành trong hòa bình, song lại học tập từ nhiều nước khác nhau. Trong sự chuyển tiếp đó vai trò của Ủy viên Bộ Chính trị thuộc “trường hợp đặc biệt” tái cử rất quan trọng. Đó phải là người tiêu biểu về đạo đức, trí tuệ, là tấm gương để những người trẻ nhìn vào đó mà nỗ lực lao động, cống hiến, phục vụ đất nước và nhân dân.

Nhìn lại trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, chúng ta thấy, nhân sự thuộc “trường hợp đặc biệt” là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện sự tín nhiệm cao trong Đảng và trong nhân dân. Tổng Bí thư đã đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng, trở thành trung tâm đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Với sự đoàn kết đó trong nhiệm kỳ qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song đất nước đều đã vượt qua và đã đạt được nhiều những thành tựu quan trọng.

Trường hợp đặc biệt ở lại không phải là mong muốn cá nhân mà do sự lựa chọn, yêu cầu của sự nghiệp chung. Họ ở lại theo đúng sự phân công, nhưng cũng phải trên tinh thần sẵn sàng, tự nguyện. Việc lựa chọn trường hợp đặc biệt do nhận thức từ thực tế khách quan chứ không phải ý chí chủ quan của một người hay nhóm người, Ông Vũ Trọng Kim

Văn Kiên – Luân Dũng/TPO


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây