Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump bị Facebook, Twitter…khóa tài khoản được dư luận hết sức quan tâm về tiêu chuẩn kép của phương Tây về cái gọi là dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận.
Trên trang bìa của tờ Libération đã đăng ảnh tổng thống Trump màu đỏ trên nền đen, miệng bị khóa và chua thêm dòng “Trump, im lặng trên mạng”.
Kể từ khi vụ người ủng hộ tràn vào tòa nhà Quốc Hội hôm thứ Tư tuần trước làm 5 người chết và khoảng 50 người bị bắt, loại trừ những cú đánh của phe dân chủ thì những cú đòn nặng nề nhất đến từ thung lũng Silicon. Các trang mạng này lần lượt phế truất Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cuối tuần vừa qua, các tài khoản Facebook, Instagram, Twitter, Snapchat và Twitch của Trump đều bị đóng. Kết quả là mạng Parler được những người ủng hộ ông Trump ưa thích, hôm thứ Bảy 9/1 đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên Apple Store, còn Gap cũng có thêm nhiều người sử dụng mới. Tuy nhiên, sau đó không lâu, mạng Parler đã bị Amazon loại bỏ và bị Apple và Google xóa khỏi kho ứng dụng.
Thật ngạc nhiên, đã có thời gian, Tổng thống Trump dọa dẫm sẽ đóng cửa Facebook và kể cả Twitter nếu không tuân thủ những quy định hay chính xác hơn là những yêu cầu của ông ta. Thì nay, chính ông lại bị các mạng xã hội đồng loạt bịt mồm. Tất nhiên, các trang mạng có lý khi cho rằng những bài viết, những phát biểu hay những clip của ông đăng tải đã kích động và cổ súy cho những hành vi bạo lực của những người ủng hộ. Đó là những hành vi mà ở bất cứ đâu cũng bị cấm.
Nhiều nhà nghiên cứu nói vui rằng: Các tỉ phú Zuckerberg, Bezos, Dorsey…đã thực sự phế truất tổng thống Mỹ trên mạng và nó có giá trị như một “án lệ”.
Tờ Les Echos của Pháp cho rằng “Vụ chiếm Capitol là triệu chứng của các nền dân chủ đang đau ốm của chúng ta” và rằng, “cũng như hiện tượng Áo Vàng ở Pháp, chúng ta đang đối mặt với thất bại của các chế độ dân chủ trong việc làm hài lòng tất cả công dân”.
Khi tràn vào tòa nhà Quốc Hội, người biểu tình không coi “Ngôi nhà của nhân dân” là của họ, mà thuộc về giới tinh hoa và lớp người giàu có. Đây là lần thứ hai trong lịch sử điện Capitol bị chiếm, lần đầu vào năm 1814 khi Anh và Mỹ đang chiến tranh. Sự kiện này cho thấy khi xã hội phân cực, chia rẽ trầm trọng trong bối cảnh cách mạng công nghệ như Facebook, Twitter, tạo thành một hỗn hợp dễ gây tổn thương cho mô hình dân chủ.
Những người lạc quan thì cho vụ bạo loạn ở điện Capitol là trận chiến danh dự cuối cùng của Donald Trump, còn người bi quan cho coi đó là việc thử nghiệm một cuộc đảo chính. Thật thú vị khi có người ví von sự kiện ngày 8/1/2021 là một bước ngoặt trong trách nhiệm quản lý nội dung, một “ngày 11 tháng Chín” về thông tin. Nhưng dù thế nào đi nữa, việc Trump bị các trang mạng khâu miệng cũng nói lên nhiều điều về mô hình dân chủ phương Tây với những tiêu chuẩn kép đầy ngờ vực.
Khoai@
Nguồn: Tre làng