Từ một quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng bởi chiến tranh, nhưng ngày hôm nay Việt Nam đã trở thành “một ngôi sao sáng toàn cầu về kinh tế” trong lúc dịch Covid-19 đang chi phối khắp thế giới. Chỉ cần nhìn vào đường lối ngoại giao, đủ để biết vì sao Việt Nam được cả thế giới đánh giá cao.
Những năm gần đây, doanh nghiệp quốc tế đến Việt Nam đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế ngày càng gia tăng. Các đoàn ngoại giao, chính trị gia, chính khách nước đến thăm chính thức Việt Nam ngày càng nhiều, không liệt kê xuể trong ngày một, ngày hai. Thậm chí trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu vào năm 2020, các nhà ngoại giao và phái đoàn doanh nghiệp từ nửa vòng trái đất vẫn đến Việt Nam để gặp trực tiếp Thủ tướng Chính phủ để đàm phán cho các hợp đồng triệu USD.
Năm 2020, nhiều sản phẩm của Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia … Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam duy trì tăng trưởng dương, ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỷ USD. Có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch hơn một tỷ USD. Bức tranh kinh tế của Việt Nam từ đó mà đa sắc màu, kết quả trên cũng là cơ sở để bạn bè quốc tế gọi tên “Việt Nam trở thành một ngôi sao sáng toàn cầu về kinh tế”.
Bỏ qua hận thù, hợp tác phát triển, hướng đến tương lai
Còn nhớ, trong khuôn khổ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã phát biểu rằng: “Mối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hết sức ấn tượng cả về chiều rộng và chiều sâu, trên mọi lĩnh vực nhất là quan hệ thương mại. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ”.
“Những gì mà hai nước đã đạt được là minh chứng cho thấy chúng ta có thể vượt qua thù hận, đắng cay, nghi kị và thay thế bằng sự tin cậy, tôn trọng và hợp tác. Hoa Kỳ và Việt Nam đã chứng minh rằng cựu thù có thể trở thành đối tác tin cậy và bạn bè. Thành tựu này không chỉ có ý nghĩa trong quan hệ hai nước mà còn có ý nghĩa đối với thế giới”, ông Daniel Kritenbrink nêu rõ nhận định. Chợt nhớ đến câu nói vô cùng ý nghĩa: “Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”. Kết quả cho quyết sách gác lại quá khứ hận thù là Việt – Mỹ đã bình thường hóa quan hệ, đem lại niềm vui cho cả hai dân tộc.
Sự kết nối từ ngoại giao
Gần đây nhất, vào tháng 10-2020, khi chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên công du, kể từ khi ông nhận chức, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có cuộc hội đàm với Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt – Nhật, trao đổi trực tiếp với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt – Nhật – Phạm Minh Chính về mong muốn: “Nhật Bản tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á với Việt Nam”. Kết quả trong chuyến thăm này đây, hàng loạt các hợp tác kinh tế giữa hai nước đã được ký kết, tăng cường. Đó cũng là cơ sở, Thủ tướng Suga đưa ra đánh giá cao hoạt động hiệu quả của Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Việt – Nhật và và Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật – Việt, góp phần thúc đẩy giao lưu, tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên.
Hoạt động đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Từ công tác ngoại giao, Việt Nam đã đến gần hơn với bạn bè quốc tế, có nhiều sự hợp tác, giao lưu và nâng tầm đối tác chiến lược, và cũng là một trong những tiền đề không thể thiếu, để đưa kinh tế Việt Nam phát triển ngày càng đi vào chiều sâu trong những năm qua. Như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Đối ngoại không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ góp phần thực hiện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Thanh Trúc
Nguồn: Cánh cò