Trang chủ Tin tức Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – 'người mộng du qua cánh đồng...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – 'người mộng du qua cánh đồng hội họa'

114
0

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tự nhận mình chỉ là “người đi ngang qua cánh đồng hội họa và bị hình màu thôi miên”, chứ ông không ở trong cánh đồng đó.

Nhưng Họa sỹ Lê Thiết Cương lại cho rằng, Nguyễn Quang Thiều là “người mộng du qua cánh đồng hội họa”. Còn Họa sỹ Thành Chương sau khi xem tranh đã bật thốt lên: “Tôi không nghĩ Nguyễn Quang Thiều lại bước chân vào hội họa một cách đàng hoàng, chững chạc và hoành tráng như thế”…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - 'người mộng du qua cánh đồng hội họa'Khách tham quan triển lãm “Người thổi sáo”.

Ngỡ ngàng bởi “Người thổi sáo”

Triển lãm “Người thổi sáo” (diễn ra từ ngày 7 – 15/1/2021 tại Trung tâm Art Space, Trường Đại học Mỹ Thuật, số 42, phố Yết Kiêu, Hà Nội) trưng bày 54 bức tranh do Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vẽ với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel, thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghệ sỹ và những người yêu hội họa.

Công chúng vốn đã rất quen thuộc với một Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ, nhà văn, nhưng khi ngắm những bức tranh với mảng khối, đường nét, màu sắc, không gian… rất rõ nét trong tranh của ông, nhiều người đã rất bất ngờ và ngỡ ngàng bởi số lượng, chất lượng các tác phẩm hội họa đầy màu sắc, đầy mê hoặc ấy.

Họa sỹ Trần Thắng chia sẻ, ngắm các tác phẩm trong triển lãm “Người thổi sáo” của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, anh đặc biệt ấn tượng với 2 bức tranh Người thổi sáo 3 và 14. Ở bức “Người thổi sáo 3”, tiếng sáo mang dáng hình tu sỹ thoát ra từ những cành cây như âm thanh của thiên nhiên nhuốm sắc thái siêu thực. Tiếng sáo ám ảnh, u uẩn, dị biệt như màu vàng của Van Gogh, và trộn lẫn nét thơ ngây như Henri Rousseau. Lá cây xanh lam như mây hội tụ về chuyển động theo giai điệu sáo. Bức tranh như đang bay lên, trôi theo ánh sáng, nhưng riêng anh vẫn có cảm giác nỗi đau từ những cành cây bị phạt đứt.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, triển lãm là sự kiện đặc biệt với ông. Hầu hết các bức tranh trưng bày trong triển lãm được ông vẽ trong 3 năm gần đây, một số bức tranh khác do ông mượn lại của những người đã sở hữu chúng.

Chỉ ngay trong ngày khai mạc, 41/54 bức tranh trưng bày trong triển lãm đã được khách đặt mua. Theo đánh giá của giới hội họa, đây là một thành công lớn, là một trong những “hiện tượng” hiếm hoi ở các triển lãm tranh.

Nói về con đường đến với hội họa của mình, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, ông bắt đầu vẽ từ tháng 1/2005. Lý do ông đến với hội họa thật đơn giản. Ngày đó, một người bạn của ông là dịch giả, họa sỹ Phạm Long Quận từ Cuba về đã gửi tranh, toan và màu vẽ tại nhà ông. Một buổi trưa, ông lấy 1 tuýp màu vàng bóp nhẹ lên toan. Một màu vàng lộng lẫy hiện ra và cuốn ông đi. Dịch giả, họa sỹ Phạm Long Quận biết vậy đã động viên ông vẽ. “Anh ấy quả là một người đặc biệt giống một nhà thôi miên. Và tôi bị những lời của anh ấy về hội họa cùng với cái màu vàng đầu tiên tôi vẽ lên toan cuốn tôi đi không thể nào cưỡng nổi”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Năm tháng sau lần đầu tiên “nghịch” màu trên toan ấy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được nhà văn Hoàng Minh Tường “lôi” vào cuộc triển lãm có tên “Nhà văn vẽ” cùng các nhà văn, họa sỹ Trần Nhương, Đỗ Minh Tuấn và Đoàn Lê. “Trong triển lãm đó, tôi bán gần hết số tranh của mình và về quê xây cho bố mẹ một chái nhà nhỏ hai tầng. Sau đó, tôi không vẽ nữa và cũng nghĩ mình sẽ không bao giờ vẽ nữa. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là muốn vẽ thì phải học nhưng mình đã quá tuổi, hơn nữa chẳng còn thời gian để mà tập trung cho chuyện đó”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhớ lại.

Nhưng một ngày của năm 2012 đã thay đổi ông. Một buổi, ông Trịnh Văn Sỹ mời mấy anh em Hà Đông đến nhà chơi. Vừa bước vào phòng khách nhà ông Trịnh Văn Sỹ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sững người khi thấy những bức tranh giấy ông vẽ bằng phấn sáp và mực màu từ 7 năm về trước (2005) giờ được đóng khung treo trang trọng. Qua lời kể của ông Trịnh Văn Sỹ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mới biết, hóa ra, những bức tranh đó được nhà thơ Dương Kiều Minh cất giữ rất lâu.

Nhà thơ Dương Kiều Minh là hàng xóm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Hai ông thường ngồi uống trà với nhau. Những lúc ấy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hay lấy giấy ra vẽ rồi vứt đi, vì ông nghĩ đó chỉ là trò nghịch như của một đứa trẻ. Nhà thơ Dương Kiều Minh lặng lẽ nhặt và mang về cất giữ cẩn thận.

Mấy tuần trước khi mất, nhà thơ Dương Kiều Minh gọi ông Trịnh Văn Sỹ đến, đưa cho ông Sỹ những bức tranh giấy và nói: “Bác Thiều vẽ những bức tranh này và vứt đi. Tôi đã nhặt và giữ lấy. Bây giờ tôi không thể còn sống lâu được nữa. Tôi biết bác rất quý trọng bác Thiều nên đưa bác giữ”.

“Câu chuyện ông Trịnh Văn Sỹ kể lại đã làm tôi xúc động khôn nguôi. Cũng năm đó, ông Sỹ xây xong nhà thờ và ngỏ ý muốn tôi tặng một bức tranh. Tôi lưỡng lự vì đã bỏ vẽ 7 năm rồi. Nhưng chiều bạn, tôi đi mua một cái toan và một vài tuýp sơn dầu nhỏ bằng ngón chân cái. Tôi đã vẽ bức Người thổi sáo 1. Và bây giờ lấy tên triển lãm là Người thổi sáo” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Cái tên triển lãm “Người thổi sáo” cũng liên quan đến một câu chuyện trong đời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là những ngày tháng ông mang một nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra được. Một sáng, có một người thổi sáo mù đi qua nơi ông ngồi uống cà phê ở thị xã Hà Đông. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cầu khẩn người thổi sáo mù thổi cho ông một khúc nào đó mà người thổi sáo mù muốn. Người thổi sáo mù ấy đã “nhìn” ông rất lâu bằng đôi mắt mù và nâng sáo lên thổi. Giai điệu của khúc sáo ấy đã chạm vào một nơi chốn nào đó trong con người ông và thay đổi ông. Những phiền muộn trong lòng ông bấy lâu nay đã tan biến…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, hai câu chuyện trên đã cuốn ông vào với màu sắc một lần nữa và ông không bao giờ có thể rời bỏ nữa… Dẫu vậy, ông vẫn không coi mình là một họa sỹ mà chỉ là “kẻ bị màu sắc thống trị” mà thôi.

Người mộng du qua cánh đồng hội họa

Có mặt tại triển lãm “Người thổi sáo”, Họa sỹ Thành Chương cho biết, ông là người luôn dõi theo từng chặng đường phát triển của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong con đường hội họa, ấy vậy mà khi đến triển lãm ông vẫn bị bất ngờ và ngỡ ngàng bởi số lượng, chất lượng các tác phẩm tranh của Nguyễn Quang Thiều. “Tôi không nghĩ Nguyễn Quang Thiều lại bước chân vào hội họa một cách đàng hoàng, chững chạc và hoành tráng như thế. Và tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc trong một phòng tranh đẹp đẽ, mê hoặc như vậy”, họa sỹ Thành Chương nói.

Theo Họa sỹ Thành Chương, tranh của Nguyễn Quang Thiều vừa có sự hồn nhiên trong hội họa, lãng mạn trong nghệ thuật tạo hình, vừa có sự khúc triết, thông minh và khoa học trong cấu trúc tạo hình và có tinh thần dân gian truyền thống đậm chất Việt Nam. Đặc biệt, trong con người Nguyễn Quang Thiều có chất mê dụ, trong văn thơ của ông cũng có điều đó và giờ trong tranh của ông cũng có.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tự nhận mình là “người đi ngang qua cánh đồng hội họa và bị hình màu thôi miên”, chứ ông không ở trong cánh đồng đó. Nhưng Họa sỹ Lê Thiết Cương lại cho rằng, Nguyễn Quang Thiều là “người mộng du qua cánh đồng hội họa”. Để viết một cuốn tiểu thuyết, làm một bài thơ, hay một truyện ngắn, việc khó nhất là tìm ra được giọng của mình, Nguyễn Quang Thiều đã chọn chính xác giọng cho hội họa của mình là “giọng mộng du”, bởi chỉ có qua mộng du thì nó mới bật ra vẻ đẹp vô lý của có lý, nó không cần quá quan trọng hình gì, màu gì, bút pháp gì, bố cục gì, đậm nhạt gì… mà toàn bộ mộng du đó sẽ chỉ huy điều đó. Đấy chính là cái đẹp của Nguyễn Quang Thiều.

Theo Họa sỹ Hoàng A Sáng, tranh của Nguyễn Quang Thiều có sự khác biệt rất riêng, rõ ràng. Ai đã đọc thơ của Nguyễn Quang Thiều sẽ thấy, thơ ông lãng mạn, huyền ảo và siêu thực. Và khi xem tranh của Nguyễn Quang Thiều, người xem vẫn thấy có sự huyền ảo, lãng mạn, siêu thực như thơ của ông vậy. Nhưng trong tranh của ông lại có mảng khối, đường nét, màu sắc, không gian… rất rõ nét của ngôn ngữ hội họa mà không hề bị lẫn vào thơ ca. Chính vì thế, những bức tranh của ông rất đẹp, nó đẹp ở tính tạo hình, chứ không phải đẹp ở nội dung của nó. Đó là điều đặc biệt ở Nguyễn Quang Thiều.

Họa sỹ Hoàng A Sáng cho biết, làm bạn với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều 20 năm qua, anh “mê” nhất ở Nguyễn Quang Thiều là sự kiên nhẫn. “Nhìn Nguyễn Quang Thiều vẽ tranh hay lắm. Khi vẽ, ông tỉ mỉ từng tí một và có một sự mê đắm. Đã vào phòng vẽ là ông đóng cửa, tắt điện thoại, không giao tiếp với bên ngoài và ông cứ thế làm việc thâu đêm suốt sáng. Nhìn ông vẽ, tôi cảm giác cái dáng gù gù của ông lẫn vào những bức tranh của ông. Tranh và Nguyễn Quang Thiều không hề tách biệt trong không gian nghệ thuật của ông”, Họa sỹ Hoàng A Sáng nói.

Theo ông Trịnh Văn Sỹ, thành viên nhóm Nhân sỹ Hà Đông, Nguyễn Quang Thiều làm thơ, viết tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện thiếu nhi, dịch thuật, viết kịch bản điện ảnh, làm báo, viết báo, vẽ tranh, giúp trẻ mồ côi, nấu ăn, làm đèn trung thu cho cháu… và cùng nhóm Nhân sỹ Hà Đông sưu tầm, trao trả các đạo sắc phong… Ông làm tất cả chỉ để được sống nhiều nhất trong một cuộc sống giới hạn của kiếp người.

“Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều luôn nói với anh em nhóm Nhân sỹ Hà Đông chúng tôi rằng: ‘Ngày hôm nay luôn luôn có thể là ngày cuối cùng của chúng ta’. Thế nên, ông luôn khao khát mỗi ngày có thể kéo dài 48 tiếng đồng hồ, để ông có thêm thời gian được làm tất cả những gì ông khao khát. Nhưng ngày nào cũng chỉ có 24 tiếng. Thượng đế không ban thêm cho ông cũng như cho chúng ta dù chỉ 1 giây. Vì vậy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chỉ biết làm việc, làm việc và làm việc”, ông Trịnh Văn Sỹ chia sẻ.

Khi nói về bản thân mình, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, ông chỉ là một cậu bé chạy trên cánh đồng của những ký ức, những giấc mơ và hướng về một tương lai tốt đẹp mà thôi. “Khoảnh khắc kỳ diệu và hạnh phúc nhất của một nghệ sỹ là khi anh ta đang viết một bài thơ, một truyện ngắn, đang vẽ một bức tranh. Còn sản phẩm sau đó có thể là một văn bản nghệ thuật không hoàn thiện, thậm chí không phải là một văn bản nghệ thuật. Điều đó không phải là điều hệ trọng nhất. Điều hệ trọng nhất đối với mỗi chúng ta là được sống và được sáng tạo trong tự do vô tận của mình”, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm niệm.

Bài và ảnh: Phương Lan (TTXVN)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - 'người mộng du qua cánh đồng hội họa'

Khai mạc triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

“Người thổi sáo” – Triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khai mạc ngày 7/1, tại Art Space, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42, phố Yết Kiêu, Hà Nội.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây