Ngày 8/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2021; nhìn lại những hoạt động trong năm.
Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về những nỗ lực vượt khó của toàn ngành trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và thiên tai trong năm 2020 và hướng tới năm 2021 tươi sáng hơn.
Thưa Bộ trưởng, năm 2020 là năm cả nước gặp nhiều khó khăn, thử thách do dịch COVID-19, vậy ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vượt qua những khó khăn nào trong năm qua?
Năm 2020, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế. Ở trong nước, dịch COVID-19, cùng thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội bền vững của đất nước, đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Trong bối cảnh chung đó, các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Các sự kiện, hoạt động quảng bá văn hóa, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tại nước ngoài, hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam, thi đấu, các giải thể thao quốc tế tại Việt Nam, tập huấn thể thao tại nước ngoài… phải hoãn, lùi thời gian tổ chức, một số sự kiện bị hủy.
Việc hoãn tập huấn và tham dự các giải thể thao quốc tế, đặc biệt là các cuộc thi vòng loại Olympic, Paralympic đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu vượt qua vòng loại, giành suất tham dự Thế vận hội của các vận động viên Việt Nam. Bên cạnh đó, các chương trình văn hóa-nghệ thuật phải điều chỉnh, sắp xếp lại kế hoạch hoặc thay đổi hình thức thực hiện, các hội nghị, hội thảo phải chuyển sang hình thức trực tuyến.
Một số hoạt động, sự kiện về văn hóa-thể thao và du lịch dự kiến tổ chức trong năm 2020 tại Việt Nam đã bị hoãn/ hủy như Festival Huế, Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội, Chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, Chặng đua F1 tại Hà Nội, Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội, Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2020 tại Ninh Bình, Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, EXPO 2020 tại Dubai-UAE, Thế vận hội Thể thao Olympic và Paralympic tại Tokyo…
Đặc biệt, ngành du lịch chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất trong năm 2020. Năm 2020, kết quả thực hiện các chỉ tiêu đề ra đều giảm mạnh. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với cùng kỳ 2019. Khách nội địa ước đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 ước đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 58,7% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 19 tỷ USD.
Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, khoảng 1/5 tổng số cơ sở lưu trú trên toàn quốc phải đóng cửa, dừng hoạt động. Đối với lĩnh vực lữ hành, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương; khoảng 80-95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên cả nước đã dừng hoạt động.
Tuy nhiên, nhờ có chính sách, biện pháp phù hợp, đúng đắn, quyết liệt, Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kép, vừa kiềm chế sự bùng phát của dịch COVID-19 và giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, với những kết quả được thế giới đánh giá là “kỳ tích”. Nhờ vậy, việc tái khởi động các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên phạm vi cả nước diễn ra thuận lợi, hiệu quả. Các cơ sở, thiết chế văn hóa nghệ thuật, các nhà hát, rạp chiếu phim đã mở cửa trở lại, các hoạt động văn hóa nghệ thuật thu hút đông khán giả đã được duy trì. Các sự kiện thể thao, trong đó có bóng đá (Cúp Quốc gia, Giải vô địch quốc gia), chuỗi các chương trình nghệ thuật, các nhà hát, các hoạt động du lịch nội địa… được tái khởi động mạnh mẽ phục vụ người dân.
Năm 2020 là năm rất khó khăn nhưng lĩnh vực du lịch cũng đã thu được những kết quả nhất định từ khách du lịch nội địa thông qua 2 cuộc kích cầu, vậy Bộ trưởng có thể chia sẻ cụ thể những thành công này của du lịch Việt Nam trong bối cảnh vượt qua khó khăn vì dịch bệnh? Các giải pháp hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người lao động trong lĩnh vực du lịch là gì?
Ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát ở Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa vào đầu tháng 5/2020 với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và tiếp tục phát động giai đoạn 2 vào tháng 9/2020 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.
Có thể nói, chương trình kích cầu du lịch đã làm hồi sinh thị trường du lịch nội địa, là điểm tựa cho sự phục hồi của ngành du lịch, đồng thời giúp giảm thiểu thiệt hại do COVID-19 gây ra.
Một là phục hồi lượng khách nội địa. Các điểm đến ghi nhận lượng khách đông trở lại, nhất là vào thời điểm tháng 5, 6, 7 là mùa cao điểm du lịch nội địa, cũng như nhu cầu khách tăng cao sau đợt giãn cách xã hội. Lượng khách nội địa tháng 6 tăng gấp 2,3 lần so với tháng 5; lượng khách tháng 7 tăng 16% so với cùng kỳ 2019…
Lượng khách tăng giúp công suất buồng phòng ở các cơ sở lưu trú tăng trở lại, đạt 30-50%, cuối tuần có lúc đạt 80-90%. Các hãng hàng không liên tục tăng chuyến, mở đường bay mới để phục vụ nhu cầu đi lại. Nhu cầu du lịch gia tăng cũng đã giúp các ngành hàng không, đường sắt dần hồi phục.
Hai là sự tham gia tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và xu hướng hình thành các liên minh, liên kết phát triển du lịch. Chương trình kích cầu nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các địa phương trong cả nước, nhất là tại các trung tâm du lịch (Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Ninh Bình, 8 tỉnh Tây Bắc, 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long…).
Điểm nổi bật của chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 là sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố với nhiều liên minh kích cầu du lịch được hình thành (liên kết của 7 Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh; 3 tỉnh Nghệ An – Hải Phòng – Bình Định…). Đặc biệt, một số địa phương đã xây dựng và khai trương website kích cầu du lịch nhằm giúp du khách có thể tìm kiếm thông tin chính thức từ các doanh nghiệp và tăng tính tương tác giữa du khách và nhà cung cấp dịch vụ.
Ba là phát triển các sản phẩm mới. Dịch COVID-19 đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, trong đó ưu tiên cho yếu tố an toàn, trải nghiệm thiên nhiên, sinh thái, đi nhóm nhỏ, thời gian ngắn, sử dụng công nghệ… Do vậy, các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới, sáng tạo, phát triển sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của khách.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch. Một số các giải pháp đã được ban hành như: Hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; giảm 50% phí cấp giấy phép lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên trong năm 2020…
Ngoài ra, một số các chính sách của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất với Chính phủ về bảo hiểm, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn, giải pháp về tài khóa, tiền tệ, một số nội dung mở rộng đối tượng hưởng lợi từ chính sách và thuận lợi hơn về thủ tục nhận gói hỗ trợ người lao động cũng đã được Chính phủ xem xét ban hành tại các Nghị quyết.
Trong năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thực hiện những việc gì để tiếp tục phát huy thành quả du lịch Việt Nam những năm qua?
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn đang diễn biến phức tạp, việc kinh doanh lữ hành quốc tế chưa thực hiện được. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ nhằm phục hồi hoạt động du lịch trong năm 2021. Trong đó, Bộ tiếp tục kiến nghị với các Bộ, ngành liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi sau dịch COVID -19; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch về các chính sách hỗ trợ khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch.
Bộ chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương triển khai tốt chương trình kích cầu du lịch nội địa; liên kết hợp tác với các địa phương, các hãng hàng không, cơ sở dịch vụ du lịch xây dựng sản phẩm kích cầu trọng tâm để đẩy mạnh thu hút thị trường khách du lịch nội địa nhằm khôi phục nhanh hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch.
Ngành du lịch nghiên cứu thị trường và xu hướng thị trường để hỗ trợ các địa phương để khảo sát, xây dựng sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ để thu hút khách du lịch; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, khu, điểm tham quan du lịch mở cửa hoạt động trở lại ổn định dần để thu hút khách. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở kinh doanh du lịch cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách, đồng thời tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân và khách du lịch, đảm bảo an toàn cho khách khi đi du lịch.
Bộ trưởng có kỳ vọng như thế nào về sự phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm mới 2021?
Trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, tôi mong ước về một năm mà ngành văn hóa tiếp tục khẳng định những giá trị nền tảng cốt lõi làm nên bản sắc văn hóa – con người Việt Nam hồn hậu, trí tuệ, sáng tạo, một dân tộc văn hiến với nhiều di sản văn hóa đặc sắc thu hút, hấp dẫn được du khách cả trong nước và quốc tế. Một năm mới người dân Việt Nam lạc quan, mạnh khỏe, có nhiều đóng góp cho thể thao trong khu vực, thế giới một cách bền bỉ, vững vàng. Các khó khăn nhất thời của ngành sẽ được khắc phục với quyết tâm và sự đoàn kết, đồng thuận của xã hội.
Ngành văn hóa, thể thao và du lịch xứng đáng là tấm gương phản ánh nội lực, nền tảng và sức mạnh giá trị văn hóa truyền thống luôn luôn vươn lên để hướng tới sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Nguồn: Báo Tin tức