Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021, Sở sẽ phối hợp với ngành công an, lực lượng bảo vệ du khách tăng cường kiểm tra, tuần tra để ngăn chặn nạn chèo kéo mua bán hàng rong, cướp giật tài sản của du khách.
Chiều 7/1, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm và Lễ ký kết quy chế về công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao chất lượng quản lý du lịch tại TP Hồ Chí Minh.
Thượng tá Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng phòng An ninh Đối ngoại Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, qua 5 năm triển khai, hai đơn vị đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn. Qua kiểm tra, hai đơn vị cũng đã phát hiện các vi phạm như: Khách sạn không thông báo lưu trú đối với khách nước ngoài; một số DN lữ hành chưa được cấp phép kinh doanh quảng cáo, chào bán sản phẩm du lịch giá rẻ nhưng vẫn công khai bán tour du lịch gây thiệt hại cho du khách… Đáng chú ý, còn có tình trạng DN lữ hành quốc tế không tổ chức hoạt động tham quan, du lịch cho người nước ngoài mà chỉ tập trung vào việc bảo lãnh cho du khách nhập cảnh…
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Thanh Tú, trong giai đoạn 2016-2020, Công an Thành phố phối hợp với Sở Du lịch Thành phố còn phát hiện 940 vụ xâm hại tài sản của người nước ngoài; đã điều tra khám phá 484 vụ, bắt 297 đối tượng có liên quan và đang xác minh điều tra 61 vụ, 4 đối tượng. Tuy nhiên, trên thực tế, số khách du lịch nước ngoài bị xâm hại tài sản nhiều hơn với số vụ việc bị phát hiện, nguyên nhân do du khách không khai báo, e ngại khai báo vì không đủ chứng cứ…
Trong khi đó, Đại tá Phạm Ngọc Tiến, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, kích cầu du lịch mang nhiều lợi ích nhưng đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng công an khi đảm bảo môi trường an toàn du lịch, đảm bảo an toàn trật tự xã hội khi người nước ngoài du lịch nhập cảnh vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng. Theo đó, xuất hiện tình trạng người nước ngoài lợi dụng du lịch sau đó ở lại lao động trái phép, nhập cảnh sai mục đích vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam. Thống kê sơ bộ, trong 5 năm qua, đơn vị đã xử phạt trên 6.000 trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật tại Việt Nam.
“Năm 2020, dù người nước ngoài nhập cảnh giảm trên 90% do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng số người nước ngoài vi phạm pháp luật trên địa bàn vẫn tăng. Tại Thành phố, đã xuất hiện những trường hợp nhập cảnh từ phía Bắc cũng như đường biên giới giáp ranh, nhập cảnh trái phép vào Thành phố trốn dịch COVID-19, tìm kiếm việc làm… Năm 2020, ngành công an đã kịp thời ngăn chặn, xử lý gần 200 trường hợp nhập cảnh trái phép”, ông Phạm Ngọc Tiến nói.
Để đảm bảo công tác an toàn, an ninh du lịch, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch quốc tế và khách du lịch trong nước, đã được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. “Hiện an ninh du lịch trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp trong tình hình mới và khi công nghệ 4.0 được triển khai mạnh mẽ cùng với chính sách thông thoáng trong lĩnh vực du lịch để thu hút du khách… Vì vậy, để đảm bảo an ninh du lịch, hai đơn vị sẽ tiếp tục ký kết quy chế phối hợp để công tác đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động du lịch trên địa bàn trong 5 năm tới”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết.
Theo đó, Sở sẽ phối hợp cùng ngành công an nghiên cứu, tham mưu xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ về việc người nước ngoài nhập cảnh để hướng dẫn cho các doanh nghiệp lữ hành thực hiện nghiêm; phối hợp thực hiện thường xuyên công tác hậu kiểm sau cấp phép hoạt động du lịch; phối hợp để tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh xử lý kiên quyết các hành vi lợi dụng giấy phép đầu tư, kinh doanh để bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh không đúng nhu cầu; sử dụng lao động người nước ngoài không đúng quy định…
“Đối với công tác đảm bảo an ninh du lịch cho du khách, năm 2021, Sở cũng sẽ phối hợp với công an, lực lượng bảo vệ du khách tăng cường kiểm tra, tuần tra để ngăn chặn nạn chèo kéo mua bán hàng rong, cướp giật. Trong đó, lực lượng bảo vệ du khách chủ yếu là thanh niên xung phong, chia làm ba ca trực liên tục tại một số điểm tham quan như: Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ… và lực lượng này cũng phối hợp với công an các quận để ngăn chặn các trường hợp ăn xin, các trường hợp đeo bám, làm phiền du khác tại các điểm du lịch”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm.
Nguồn: Báo Tin tức