Trang chủ Bản tin Dân chủ Thấy gì từ việc khởi tố, bắt giam ông Tất Thành Cang?

Thấy gì từ việc khởi tố, bắt giam ông Tất Thành Cang?

183
0

Thấy gì từ việc khởi tố, bắt giam ông Tất Thành Cang?Ông Tất Thành Cang khi còn là Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố HCM

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, quá trình điều tra các vi phạm trong việc phát hành cổ phiếu tại Công ty phát triển Công nghiệp Tân Thuận và Công ty cổ phần SADECO, Cơ quan CSĐT đã phát hiện các dấu hiệu sai phạm liên quan của ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM (nhiệm kỳ 2015- 2020).

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy các dấu hiệu và hành vi vi phạm của ông Tất Thành Cang đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm “vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra TP.HCM (tháng 10/2018) Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) có vốn góp của các cổ đông nhà nước gồm: Công ty IPC, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận), Văn phòng Thành ủy TP.HCM và các tổ chức khác. Bên cạnh đó, Sadeco có cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim.

Đáng nói, trong bối cảnh Sadeco hoạt động kinh doanh đang mang lại lợi nhuận rất cao, tỷ lệ chia cổ tức hàng năm có lúc lên đến 40%, vào năm 2015 khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND TP yêu cầu Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) (chiếm tỷ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco) không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn. Nhưng trên thực tế, IPC đã “phớt lờ” yêu cầu này của cơ quan chủ quản.

Từ việc phớt lờ đó, IPC đã trình UBND TP phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%. Đồng thời, IPC cũng nêu việc “Văn phòng Thành ủy truyền đạt ý kiến chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.

Khi thanh tra vào cuộc thì đã muộn, với chủ trương chấp thuận của ông Tất Thành Cang, IPC đã tiến hành giảm sở hữu vốn tại Sadeco từ 44% xuống còn 28% thông qua việc phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim mà không qua đấu giá.

Đặc biệt, sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,8%), trong khi Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco là hơn 54% vốn điều lệ.

Thanh tra TP cho rằng, việc làm này là “trái quy định pháp luật” dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu). Nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”.

Căn cứ vào những vi phạm trên, ngày 16/12/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP đã ban hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Tất Thành Cang. Quyết địch này đã được phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân TP.

Việc khởi tố, bắt tạm giam với ông Tất Thành Cang cho thấy điều gì?

Thứ nhất, tinh thần “Kiên quyết xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền…” được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tiếp tục được thực hiện.

Thứ hai, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng vẫn đang được triển khai quyết liệt, hoàn toàn không có chuyện Đảng đã tạm thời dừng cuộc chiến này để phục vụ Đại hội.

Thứ ba, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm đòi hỏi phải có sự kiên quyết, kiên trì, không nóng vội.

Thứ tư, việc bắt, khởi tố ông Tất Thành Cang là lời cảnh tỉnh cho những cán bộ lãnh đạo trẻ, những “hạt giống”, những “ngôi sao” đang lên. Ông Tất Thành Cang từng được đánh giá là một trong những cán bộ trẻ có năng lực, cán bộ nguồn. Tuy nhiên, vì không tự rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, năng lực, tự mãn quá sớm, tha hóa, lạm dụng quyền lực nên đã dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng.

Việt Nguyễn

Nguồn: Bản tin Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây