Các chuyên gia đều cho rằng Trung Quốc đã có sự hiện diện đáng kể tại Biển Đông, đi trước Mỹ và sẽ tận dụng ưu thế này để ép các nước nhỏ phải theo họ.
Đặc trưng 2020
Biển Đông trong năm 2020 có thể được khái quát hóa bằng những nét đặc trưng:
Sự trỗi dậy, tăng cường hiện diện của Trung Quốc sau phán quyết Biển Đông 2016.
Sự tập hợp lực lượng của các nước trong và ngoài khu vực thông qua trao đổi công hàm phản đối đường 9 đoạn, yêu cầu Trung Quốc nghiêm chỉnh tuân thủ phán quyết và khẳng định “Công ước luật Biển 1982 (UNCLOS) là cơ sở pháp lý phổ cập và thống nhất cho tất cả các hoạt động trên đại dương và biển” và “là cơ sở để xác định khả năng tạo ra các vùng biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng trên các vùng biển” cũng như để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
ASEAN có những nỗ lực mới trong việc xây dựng một lập trường thống nhất dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch ASEAN là Việt Nam; ảnh hưởng của bầu cử Tổng thống Mỹ với nỗ lực định hình chiến lược Thái Bình Dương Ấn Độ Dương của Mỹ và đồng minh.
Cạnh tranh Mỹ Trung ngày càng khốc liệt thông qua ngoại giao công hàm, ngoại giao pháo hạm, ngoại giao chiến lang trên Biển Đông.
Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều muốn lôi kéo các nước ASEAN. Washington muốn nhấn mạnh một nước Mỹ mạnh mẽ, cam kết tiếp tục hiện diện tại khu vực, đảm bảo duy trì luật pháp quốc tế, không để bất cứ bên nào độc chiếm Biển Đông.
Bắc Kinh tự cho mình quyền xem Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, không ngần ngại sức mạnh của Mỹ, và sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự cũng như sự hiện diện trên Biển Đông như sân sau của mình.
Đại dịch Covid-19 không làm khó cho Trung Quốc nhưng gây ra tác động lớn tới sự tập trung của các nước trong khu vực với vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Biển Đông với vai trò thông thương hai đại dương, vị trí địa chiến lược, kinh tế, tài nguyên vẫn không nằm ngoài sự chú ý của dư luận quốc tế. Xu thế quốc tế hóa và hàm lượng pháp lý trong đấu tranh Biển Đông có sự phát triển đột biến.
Bước đi của Trung Quốc
Các học giả, chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất nhận định trong năm 2020, Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng hơn, thể hiện trên khắp các mặt trận. Về chiến lược, Trung Quốc xác định hoàn thành xây dựng quân giải phóng nhân dân PLA thành lực lượng “đẳng cấp thế giới” vào năm 2037, có tầm hoạt động vượt qua hai chuỗi đảo bao vây do Mỹ và đồng minh thiết lập sau Đại chiến 2 trong năm 2021.
Khoa học công nghệ biển của Trung Quốc có bước tiến đột phá. Dự tính tháng 1/2021, giàn khoan thăm dò tự nâng tự hành sâu nhất và lớn nhất thế giới do Trung Quốc đóng sẽ hạ thủy và đi vào hoạt động tại mỏ Lingshui 17-2 nằm cách Hải Nam 150km về phía Nam. Tại đây, Trung Quốc cũng sẽ bố trí giàn thu trữ dầu khí 53.000 tấn.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ xây dựng đội tàu sân bay 10 chiếc với phạm vi hoạt động phần lớn ở Biển Đông. Trung Quốc tiếp tục triển khai các dự án trung tâm cứu nạn, thành phố trên biển, các nhà máy điện hạt nhân nổi tại Trường Sa, hạ thủy tàu ngầm, các thiết bị nghiên cứu lớn dưới nước.
Năm 2020 đánh dấu việc Trung Quốc hoàn thành kế hoạch thay mới đội tàu nghiên cứu đại dương. Năm 1958, nước này chỉ có 50 tàu khảo sát biển các loại. 42 năm sau, đội tàu nghiên cứu khoa học biển là 60 chiếc với 9 chiếc nghiên cứu đại dương như Rồng trắng 2 đã hoàn thành chuyến đi đầu tiên tới Nam Cực.
Đáng chú ý, các tàu này đều có mặt ở Biển Đông trong năm 2020 bao gồm cả Đông Phương Hồng 3 tàu nghiên cứu biển lớn nhất thế giới. Thiết bị lặn ngầm Petrel-X lập kỷ lục thế giới đạt độ sâu 10.619m, thực hiện thu thập thông tin về độ mặn, nhiệt độ và các yếu tố của nước biển sâu.
Trung Quốc cũng thông báo khởi động dự án đóng 50 tàu trang trại thủy sản 100.000m3 có khả năng đánh bắt và nuôi 200.000 tấn thủy sản có giá trị cao.
Các hoạt động này là lớn nhất về phạm vi, quy mô, thời gian từ trước đến nay và nếu thành công, Trung Quốc sẽ chính thức quản lý và “làm chủ” toàn bộ các hoạt động biển ở Biển Đông.
Các chuyên gia đều cho rằng Trung Quốc đã có sự hiện diện đáng kể tại Biển Đông, đi trước Mỹ và sẽ tận dụng ưu thế này để ép các nước nhỏ phải theo họ.
Xu thế 2021
Trong năm 2021, Trung Quốc sẽ tiếp tục kết hợp tam chủng chiến pháp, kết hợp tăng cường hiện diện của tàu hải cảnh, dân quân biển.
Chúng nhằm mục đích:
Khẳng định yêu sách đường 9 đoạn và Tứ Sa nhằm bác bỏ phán quyết 2016; Gây áp lực buộc các nước liên quan từ bỏ con đường pháp lý giải quyết tranh chấp;
Gây áp lực để các nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ dự án với các nước quanh Biển Đông để thực hiện chủ trương không nước nào ngoài khu vực được tham dự thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông; Thúc đẩy “gác tranh chấp, cùng khai thác”; Phản ứng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ và các nước khác;
Thúc đẩy đàm phán COC theo hướng có lợi cho Trung Quốc; Tạo thế đứng cho sáng kiến “Một vành đai, một con đường” trước việc Mỹ thay đổi chính quyền, thay đổi chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương; Lập con bài mặc cả khi cần trong cạnh tranh chiến lược nước lớn; Triển khai chiến lược nghiên cứu khoa học đại dương cho thập kỷ tiếp theo và cuối cùng là hiện đại hóa quân đội cùng các lực lượng phối thuộc.
Các chuyên gia quốc tế cũng nói nhiều về khả năng thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Song khả năng này cũng tác động ngược trở lại với Trung Quốc khi phần lớn đường bay thương mại quốc tế đi qua Biển Đông.
Trong năm 2021, căn cứ thái độ và phản ứng của Mỹ, Trung Quốc sẽ có những hoạt động quân sự đủ để đe nẹt các nước xung quanh, đồng thời chứng minh cho thế giới thấy sự hiện diện của mình và an ninh Biển Đông trong tầm kiểm soát, bất ổn là do các yếu tố bên ngoài.
Năm 2021 chưa hội tụ đủ yếu tố để tình hình sáng hơn. Các chuyên gia quốc tế tại hội thảo Biển Đông lần thứ 12 diễn ra tháng 11 vừa qua cũng chỉ đưa ra những khuyến nghị chung.
Các học giả đều cho rằng ASEAN không đủ sức mạnh quân sự chống lại Trung Quốc, nên chỉ có thể dựa vào đấu tranh pháp lý và ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế về thiết lập và tuân thủ một trật tự dựa trên luật lệ. Trật tự khu vực cần dựa trên các lợi ích và giá trị, quy tắc, quy phạm chung với các thể chế điều chỉnh hành vi của các quốc gia và quan hệ quốc tế.
Cơ chế đối thoại có thể giúp các nước giải quyết những điểm chưa rõ ràng và thúc đẩy hợp tác thông qua thể hiện các dự tính và lợi ích. Minh bạch, đối thoại, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau là các yếu tố của mối quan hệ dựa trên tin cậy.
Chuyên gia Carl Thayer đề xuất xây dựng Bộ quy tắc ứng xử phòng chống các sự cố trên biển, mở rộng Quy định về chống va chạm không định trước trên biển giữa các lực lượng quân sự cho cả tàu thuyền dân sự, thương mại và đánh cá.
Các học giả đều thiên về phát triển chủ nghĩa đa phương, kêu gọi hợp tác xây dựng trật tự dựa trên luật lệ, kêu gọi Trung Quốc đàm phán. Các nước cần đấu tranh để có một cơ chế giám sát hiệu quả và giải quyết tranh chấp bắt buộc nhằm ổn định tình hình Biển Đông.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao
Nguồn: Cánh cò