“Chắc chắn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII sẽ thực sự là một tập thể trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất; tiêu biểu cho phẩm chất, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đủ sức lãnh đạo, đưa đất nước bước vào giai đoạn mới phát triển ngày càng nhanh hơn, bền vững hơn”, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, nhận định.
Nhân sự được chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, thận trọng
Trong các kỳ đại hội Đảng, những nội dung nào được xem là quan trọng bậc nhất, thưa ông?
Trong các kỳ đại hội thường có nhiều nội dung, nhưng có hai vấn đề quan trọng nhất là vấn đề văn kiện và công tác nhân sự. Vì tính chất quan trọng của hai nội dung này mà trực tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban nhân sự. Tại sao văn kiện là vấn đề cực kỳ quan trọng? Vì Đại hội sẽ quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước không chỉ cho 5 năm, mà định hướng cho 10 năm tới, thậm chí còn xác định tầm nhìn 25 năm, tức là đến năm 2045.
Vấn đề thứ hai, đường lối đã có, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là công tác cán bộ. Bên cạnh hoạch định được đường lối đúng, phải có tổ chức bộ máy phù hợp, khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phải có đội ngũ cán bộ tương xứng để đưa nghị quyết Đại hội vào thực tiễn. Suy cho cùng, cán bộ là khâu quyết định trước hết. Vì cán bộ là người làm ra đường lối, thiết lập nên tổ chức bộ máy, định vị ra cơ chế vận hành của tổ chức bộ máy.
Cán bộ cũng là người lãnh đạo chỉ đạo, đồng thời trực tiếp tổ chức thực hiện để đưa đường lối vào thực tiễn cuộc sống. Đường lối đó có tổ chức thực hiện tốt hay không phụ thuộc chính vào cán bộ. Nếu có cán bộ tốt, thậm chí đường lối chưa cụ thể, chưa toàn diện, chúng ta có thể bổ sung vào. Nhưng đường lối có đúng đến mấy, tổ chức bộ máy có khoa học, phù hợp đến mấy mà đội ngũ cán bộ không đáp ứng yêu cầu thì còn làm hỏng cả đường lối. Chính vì thế, công tác nhân sự của đại hội là vấn đề cực kỳ quan trọng.
Vậy theo ông, công tác nhân sự đã được chuẩn bị như thế nào?
Nói đến công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng tức là nói đến công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Đây chính là nhân tố quyết định. Vì thế, công tác nhân sự lần này được Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung cao độ. Có thể nói, công tác nhân sự đã được chuẩn bị một cách bài bản, kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ.
Về việc này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh, phải vì cái chung, vì cái lớn, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không được phép vì những động cơ cá nhân, cục bộ địa phương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhiều lần nhắc rằng, chúng ta phải làm từng bước, từng việc, từng khâu, thận trọng, kỹ lưỡng, chặt chẽ, phải bảo đảm thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương, nhưng cũng không bỏ sót những người thực sự có đức, có tài, có tín nhiệm trong Đảng, nhân dân.
Tôi tin rằng, với những gì Trung ương đã làm, đang làm và sẽ làm, chắc chắn Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII sẽ thực sự là một tập thể trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất và tiêu biểu cho phẩm chất, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đủ sức lãnh đạo, đưa đất nước bước vào giai đoạn mới phát triển ngày càng nhanh hơn, bền vững hơn.
Cũng về công tác cán bộ, có thể khẳng định, chưa bao giờ chúng ta lại ban hành nhiều nghị quyết, quyết định và được quan tâm nhiều như trong nhiệm kỳ qua?
Đúng như thế. Chưa có nhiệm kỳ Đại hội nào mà từ Trung ương đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp uỷ các cấp lại chăm lo, quan tâm đến công tác cán bộ như vậy. Công tác cán bộ có nhiều khâu, nhiều mục, nhiều yếu tố, nhưng có thể nói trong nhiệm kỳ này trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung cao độ cho việc hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ. Đó là các quy định, quy chế, quy trình để chúng ta thực hiện theo tinh thần đó.
Lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Bộ Chính trị cũng ban hành Quy định 214 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý…
Trước đây, chúng ta nói là đánh giá theo định tính, ít định lượng thì lần này, Bộ Chính trị đã quy định rất rõ, không chỉ định tính mà cả định lượng, đánh giá cán bộ về phẩm chất chính trị thế nào, năng lực công tác thế nào, ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức, tuổi tác, sức khoẻ thế nào…tất cả phải cụ thể ra để làm cơ sở đánh giá.
Đây cũng là nhiệm kỳ chúng ta đổi mới rất mạnh mẽ về đánh giá cán bộ. Đó là, đánh giá cán bộ phải liên tục, xuyên suốt, phải theo tiêu chí, phải bằng sản phẩm, đánh giá phải đa chiều, có so sánh, công khai; đánh giá người đứng đầu phải gắn với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cả địa phương, cơ quan, đơn vị. Với cách làm như vậy, quy định, quy chế chặt chẽ như vậy, tôi tin chắc rằng, công tác cán bộ của chúng ta sẽ tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ.
Siết chặt kỷ cương, khơi dậy sự sáng tạo, đổi mới
Một trong những dấu ấn đậm nét trong nhiệm kỳ qua là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
Đảng ta rất quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng. Nhưng trong nhiệm kỳ Đại hội XII này, nói đúng hơn là từ sau Hội nghị Trung ương 5 khoá XI, khi Ban Chấp hành Trung ương quyết định kiện toàn lại Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban chỉ đạo, thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được đẩy lên một giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Chính điều này đã củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Kiên trì chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền. Đảng nói thế nào làm đúng như thế. Cho nên, nhân dân ngày càng tin tưởng vào Đảng, tin tưởng vào Nhà nước.
Ông đánh giá gì trước ý kiến tỏ ra lo ngại rằng, nếu làm nghiêm khắc quá, cán bộ vì sợ trách nhiệm mà co mình lại, không dám đổi mới, đột phá để phát triển? Theo ông, phải làm sao để vừa siết chặt kỷ cương, nhưng vẫn khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới?
Đây đúng là một trong những vấn đề lớn đang đặt ra. Làm thế nào để vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật Nhà nước, nhưng lại phải khơi dậy, tạo môi trường, điều kiện để cho cán bộ năng động, sáng tạo, dám đổi mới, dám hành động quyết liệt vì lợi ích chung. Chắc chắn Đại hội XIII sẽ bàn rất kỹ vấn đề này.
Đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ thực tế đã góp phần rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì đấu tranh quyết liệt với tham nhũng là lời cảnh tỉnh, răn đe những người định tham nhũng không dám tham nhũng nữa. Qua đấu tranh chống tham nhũng sẽ phát hiện được những bất cập, kẽ hở từ cơ chế, chính sách, thể chế để bịt lại. Tổng kết 8 năm phòng, chống tham nhũng vừa qua cho thấy, mặc dù chưa thu hồi hết được tài sản tham nhũng, nhưng con số đã thu hồi, nộp lại ngân sách Nhà nước không hề nhỏ…
Cho nên, những ai nói đấu tranh chống tham nhũng cản trở phát triển kinh tế là không đúng, thậm chí ai nói như thế chính là người ủng hộ tham nhũng.
Cảm ơn ông.
(Theo TPO)
Nguồn: Cánh cò