Nước Nhật được coi là phát triển thần kỳ, nhưng chẳng có một phép lạ nào cả. Một trong những nguyên nhân là quan chức của họ biết quý từng đồng tiền thuế của dân. Giáo sư Trần Văn Thọ kể, Thủ tướng Ikeda Hayato (1960-1965) lúc còn là Bộ trưởng Tài chánh khi dẫn đầu một phái đoàn quan chức công du sang Mỹ chỉ dám thuê phòng khách sạn với giá 7 USD một ngày (hạng 3 sao, vào năm 1955), giá phòng đã rẻ còn cho 2-3 quan chức ở chung một phòng để tiết kiệm ngân sách hơn nữa, kể cả bộ trưởng cũng ở chung phòng với một vụ trưởng. Phòng chỉ có giường ngủ, không có bàn ghế, nên ban ngày đi làm việc với các cơ quan chính phủ Mỹ, ban đêm về ngồi bệt dưới sàn trao đổi công việc. Phái đoàn đó, sau này ngoài Ikeda Hayato, còn có ông Miyazawa Kiichi cũng trở thành Thủ tướng Nhật.
Các quan chức ta đoàn này đoàn khác lũ lượt sang Nhật tham quan học tập, nhưng chẳng thấy ai học được đức tính cần kiệm của quan chức Nhật, ngược lại càng học càng về xài sang. Một minh chứng điển hình là, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa cho hay do siết chặt chi tiêu như chi hội nghị hội thảo, đi công tác nước ngoài (không biết có phải do Covid) mà đã cắt giảm tối thiểu 70% và cắt giảm thêm 10% chi phí ngoài lương nên ngân sách đã tiết kiệm chi trên 10 ngàn tỉ đồng!
10 ngàn tỉ, tương đương với số thu ngân sách 2019 của toàn tỉnh Kiên Giang. Bằng số thu của hai tỉnh Bến Tre và Gia Lai cộng lại. Gấp 4 lần số thu 2019 của một tỉnh như Điện Biên… Tóm lại là số tiền gần nửa tỷ đô này vô cùng lớn trong bối cảnh nước nhà chắt chiu từng đồng. Chỉ vài động thái thắt lưng buộc bụng và cắt giảm những chi tiêu bất hợp lý mà ngân khố đã tiết kiệm được từng ấy.
Con số ấy vừa đáng mừng nhưng cũng đáng lo bởi bao năm qua “phung phí” biết bao ngàn tỷ. Tôi nghĩ cắt mạnh hơn nữa các khoản chi lễ lạt, tượng đài, hội họp… thì những khoản thuế phí sẽ dễ thở hơn và quan chức xưa nay phóng tay cũng chùng bớt, dân chúng sẽ ủng hộ.
Cũng cần nhắc qua một chút về lịch sử nước ta. Suốt 21 năm làm vua, hoàng đế Minh Mệnh năm nào cũng ra chỉ dụ giảm thuế cho dân. Khi thiên tai lớn, nhà vua vừa xuất kho cứu dân vừa tự giảm khẩu phần của mình xuống một nửa. Không thấy sử sách ghi lần nào ông tăng thuế, sử sách cũng không thấy ghi có vụ tham nhũng nào đáng để ý. Tài sản quốc gia đến một tấm gỗ vụn, một đoạn tre cũng không để thất thoát. Bởi vậy mà Việt Nam ta trở thành một quốc gia cường thịnh nhất châu Á thời bấy giờ.
Ngày nay, nước ta trên dưới 1/3 tổng của cải mà xã hội tạo ra được đưa vào quốc khố, tỉ trọng khi nhiều hơn khi ít hơn một chút, nhưng con số tuyệt đối thì không ngừng gia tăng cùng với gia tăng GDP. Chỉ mới phanh phui một số đại án, chỉ qua vài cuộc thanh tra, tổng số tài sản tham nhũng, tiêu xài, thất thoát khiến cho người ta kinh dị. Nó cho thấy tài sản của dân khi đưa vào quốc khố đã trở thành tài sản vô chủ. Tham nhũng, tiêu xài ngân sách phung phí, dùng ngân sách để mua quan đổi tước…, tiền thuế của dân đưa vào quốc khố như gió vào nhà trống, gió bay đi bao nhiêu tăng thuế để bù lại bấy nhiêu, chưa có thời đại nào kinh dị như thời đại này.
Khi công cuộc đốt lò chống tham nhũng đang rực lửa, thì công cuộc cướp bóc tiêu xài ngân khố cũng thần thông biến hóa khôn lường, công cuộc vặt lông tăng thuế cũng quyết không chậm trễ.
Hoàng Hải Vân
*Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả
Nguồn: Cánh cò