Trang chủ Bản tin Dân chủ Nhân sự Đại hội XIII: Ai sẽ là “trường hợp đặc biệt”?

Nhân sự Đại hội XIII: Ai sẽ là “trường hợp đặc biệt”?

220
0

Nhân sự Đại hội XIII: Ai sẽ là “trường hợp đặc biệt”?Hội nghị Trung ương 14 khóa XII

Sáng 28/12, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho các cơ quan báo chí. Tại hội nghị này, ông Nguyễn Đức Hà (Ban Tổ chức Trung ương), cho biết thực hiện quy trình công tác nhân sự Đại hội XIII, các cơ quan chuẩn bị nhân sự Ban chấp hành Trung ương trước; sau đó là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; rồi đến các chức danh chủ chốt gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và “trường hợp đặc biệt” chuẩn bị sau cùng.

Ông Nguyễn Đức Hà cũng cho biết, các “trường hợp đặc biệt” sẽ được Ban Chấp hành Trung ương xem xét tại Hội nghị Trung ương 15. Vậy, thế nào là “trường hợp đặc biệt” và ai sẽ là “trường hợp đặc biệt”?

Trung ương khóa mới được cơ cấu 3 độ tuổi: Dưới 50, từ 50 đến 60 và 61 tuổi trở lên để đảm bảo kế thừa. Trong đó, người tham gia Ban chấp hành Trung ương lần đầu phải bảo đảm còn tuổi công tác hai nhiệm kỳ, ít nhất trọn một nhiệm kỳ (tức không quá 55 tuổi). Nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi.

Như vậy, “trường hợp đặt biệt” là những người ngoài độ tuổi nêu trên. Với Uỷ viên Trung ương là quá 60 tuổi; còn với Bộ Chính trị, Ban Bí thư quá 65 tuổi.

Hiện nay, Bộ Chính trị đương nhiệm gồm 17 ủy viên. Trong đó, một người được thông báo nghỉ chữa bệnh từ hơn hai năm trước, 8 ủy viên còn tuổi tái cử, 8 ủy viên đã quá 65 tuổi khi đến Đại hội XIII. Trong số 8 ủy viên Bộ Chính trị còn tuổi tái cử, gần đây các cấp có thẩm quyền đã kỷ luật cảnh cáo hai vị là ông Hoàng Trung Hải và Nguyễn Văn Bình.

Với các thành viên Ban Bí thư (không phải là ủy viên Bộ Chính trị) thì tất cả 7 vị đều còn tuổi tái cử.

Căn cứ vào quy định này có thế thấy rằng, “trường hợp đặc biệt” sẽ được xem xét trong số 08 ủy viên Bộ Chính trị đã quá 65 tuổi và một số trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị quá 60 tuổi khi tham gia Bộ Chính trị lần đầu, Ủy viên Trung ương quá 55 tuổi khi tham gia Ban Chấp hành Trung ương lần đầu hoặc quá 60 tuổi với trường hợp Ủy viên Trung ương tái cử khi đến Đại hội XIII.

Như vậy, 08 trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị quá tuổi gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944, 77 tuổi); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (sinh năm 1954, 67 tuổi); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1954, 67 tuổi); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (sinh năm 1954, 67 tuổi); Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2016 – 2021 Nguyễn Thiện Nhân (sinh năm 1953, 68 tuổi); Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (sinh năm 1954, 67 tuổi); Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (sinh năm 1953, 68 tuổi); Phó thủ tướng Trương Hòa Bình (sinh ngày 13.4.1955, trên 65 tuổi).

Liên quan tới vấn đề nhân sự Đại hội XIII, cách đây ít giờ, trang mạng BBC tiếng Việt đăng tải bài viết có tiêu đề: “Đại hội 13: Công tác nhân sự có nên “biệt lệ hóa” mãi hay không”? Bài viết này đã cố tình đưa ra những luận điệu xuyên tạc khi cho rằng, công tác nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam nên “dân chủ hóa” thay vì “biệt lệ hóa” mãi như với các trường hợp “đặc biệt” hay “siêu đặc biệt”.

Họ cho rằng, những gì đã và đang diễn ra trong cách thức làm nhân sự cao cấp của Đảng cho chúng ta thấy, “Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn loay hoay với cung cách tuyển chọn các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước theo lối truyền thống. Đó là Ban lãnh đạo đương nhiệm vạch đường lối cho Ban lãnh đạo mới thực hiện chúng, nhân sự chỉ là tìm người thực thi Nghị quyết của Đảng” và “với cách làm ” nhân sự” này sẽ rất khó có sự thay đổi căn bản nào”.

Đây rõ ràng là những luận điệu xuyên tạc về công tác tổ chức, nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Công tác nhân sự là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt, sống còn, bởi vậy tại bất cứ kỳ Đại hội nào, công tác này cũng được tiến hành nghiêm túc, theo quy trình chặt chẽ và nghiêm ngặt nhất.

Đặc biệt, quy trình công tác nhân sự Đại hội XIII được chuẩn bị rất chặt chẽ, công phu và có nhiều điểm mới so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, số lượng cán bộ được quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa mới ít hơn. Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương đã bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khoảng 222 người, giảm gần 300 so với số quy hoạch khoá XII.

Nhiều nhiệm kỳ trước đây, công tác nhân sự thực hiện theo quy trình 3 bước thì lần này là 5 bước. Theo đó, hai lần trình Ban thường vụ, hai lần trình Ban chấp hành và một lần lấy ý kiến cán bộ chủ chốt. Điều đó cho thấy, các nhân sự quy hoạch vào Trung ương được rà soát, lấy phiếu kỹ lưỡng và dân chủ hơn.

Việt Nguyễn

Nguồn: Bản tin Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây