Mới đây, tổ chức Ân xá quốc tế đưa ra tuyên bố rằng “Việt Nam đang gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội, giam giữ ít nhất 170 tù nhân lương tâm, một con số kỷ lục kể từ năm 1996” và “có ít nhất 70 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các trại giam ở Việt nam chỉ vì các hoạt động trực tuyến ôn hoà trên Facebook và Youtube.”
Trước đó, tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) được cho rằng “có trụ sở ở Hà Nội” đưa ra con số Việt Nam có 276 “tù nhân lương tâm” trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ khác, trong đó có 213 người đã bị kết án, liệt kê tất cả những cá nhân bị xét xử theo Điều 109, 117 và 331 Bộ luật Hình sự 2015 là tội lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống Nhà nước, lợi dụng quyền tự do dân chủ và gây rối TTCC, chống người thi hành công vụ.Trong khi đó, tổ chức Project88 nói Việt Nam hiện đang giam giữ 250 “tù nhân lương tâm”.
Như vậy có thể thấy, việc gán ghép danh xưng “tù nhân lương tâm” của mỗi tổ chức một kiểu và rất tùy tiện. Bề ngoài thì cho rằng, họ bị bắt, xử lý vì quan điểm “ôn hòa, phi bạo lực”, nhưng lại đưa những kẻ tham gia “Việt Tân”, “Chính phủ Đào Minh Quân” (đều là tổ chức khủng bố) hay bạo loạn, tấn công trụ sở công an, chính quyền ở Bình Thuận tháng 6/2018 cũng thành “tù nhân lương tâm”.
“Tù nhân lương tâm” là khái niệm do Ân xá quốc tế (AI) “nghĩ ra” rồi dựa vào đó để áp đặt, bênh vực, dung túng một số người có hành vi vi phạm pháp luật. Dễ dàng thấy được AI cố tình sản xuất ra một khái niệm mập mờ để xóa nhòa ranh giới giữa người hoạt động nhân quyền đích thực với người chỉ nấp dưới chiêu bài nhân quyền để gây rối, chống đối, phá hoại. Từ khi khái niệm này ra đời, nghiễm nhiên, các tổ chức, hội nhóm, trang mạng phản động, cực đoan, hoặc thù địch với Việt Nam đua nhau lạm dụng cụm từ này để bênh vực, dán nhãn, ca tụng những kẻ chống phá Việt Nam, vi phạm pháp luật, rồi đánh lận, vu cáo chính quyền đàn áp, trả thù người “bất đồng chính kiến”
Dư luận thế giới đã rất nhiều lần lên tiếng phản đối, coi báo cáo nhân quyền của AI chỉ một chiều; AI không coi hành vi đe dọa an ninh là yếu tố cần xem xét, và mở rộng sự độc đoán, thúc đẩy ý thức hệ của khái niệm nhân quyền. Và người làm việc ở AI cũng nhận ra điều này, như tại Hội nghị hội đồng quốc tế AI tổ chức ở Dakar (Senegan) có đại biểu cho rằng “AI có thể biến thành một “cửa hàng tạp hóa nhân quyền” và mất uy tín”. F. Boyle – cựu thành viên ban điều hành AI tại Mỹ, nói: “AI chủ yếu được thúc đẩy không phải vì quyền con người, mà vì sự công khai. Thứ hai, là tiền. Thứ ba, nhiều thành viên hơn. Thứ tư là trận chiến nội bộ. Cuối cùng mới là quyền con người”…
Xét về bản chất, lương tâm là nền tảng tinh thần để mỗi người tự điều hướng suy nghĩ, hành động. Người trân trọng lương tâm sẽ có hành vi lành mạnh, đúng đắn, góp điều tốt đẹp với cuộc sống. Vì thế, trong xã hội đã nảy sinh hai khái niệm đối lập nhau là lương tâm và vô lương tâm.
Từ thái độ, việc làm của AI và mấy tổ chức đội lốt đấu tranh dân chủ, nhân quyền bát nháo kia, có thể thấy rõ, họ bất chấp mọi giá trị “đạo lý” bảo vệ hành vi vô lương tâm hơn là ca ngợi, bảo vệ các hành vi biểu thị cho giá trị của lương tâm. Mục đích chẳng qua chỉ là bảo bọc người vi phạm pháp luật, biến thành chỗ dựa giúp một số người biến lương tâm thành món hàng để trục lợi?
Võ Khánh Linh
Nguồn: Diễn đàn Dân chủ