Trang chủ Chính trị Đổi mới tư duy, hành động quyết liệt trong năm 2021

Đổi mới tư duy, hành động quyết liệt trong năm 2021

181
0

Để thực hiện thành công các mục tiêu trong năm 2021, Chính phủ đã đề ra 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể

Ngày 28-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch triển khai phát triển kinh tế – xã hội năm 2021. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Quốc gia hiếm hoi tăng trưởng dương

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2020, dưới tác động của dịch Covid-19, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương, với 2,91%. Đến thời điểm này có thể khẳng định Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch Covid-19, duy trì tăng trưởng kinh tế.

Trong lần thứ tư liên tiếp dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt quan trọng. Bên cạnh các kết quả tích cực về kinh tế như báo cáo của Chính phủ, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ… tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được duy trì, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Đổi mới tư duy, hành động quyết liệt trong năm 2021
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sáng 28-12. Ảnh: QUANG HIẾU

Bày tỏ tin tưởng trước quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kết quả năm 2021 phải tốt hơn năm 2020, tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn vì mục tiêu đặt ra trong năm 2021 là rất cao trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, khó đoán định dưới tác động của đại dịch Covid-19. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của con người Việt Nam. Cần chú trọng thu hút, trọng dụng nhân tài, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển đất nước.

Về các mục tiêu cho năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%. Bên cạnh đó, tỉ lệ bao phủ BHYT khoảng 91%; tỉ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỉ lệ che phủ rừng khoảng 42%…

Cho rằng bối cảnh thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức, nên các nhiệm vụ là rất nặng nề, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội. Đồng thời, tận dụng tốt các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số… để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021.

Đổi mới mạnh mô hình tăng trưởng

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ đã đề ra 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành cho năm 2021, 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Nghị quyết 01 nêu giải pháp trước tiên là thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vắc-xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc-xin phòng dịch sớm nhất. Đồng thời, bố trí nguồn lực, triển khai kịp thời các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Chính phủ cũng xác định giải pháp đẩy nhanh tiến độ, công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trọng điểm, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, có giải pháp thu hút, bồi dưỡng nhân tài. Đồng thời, cải cách hành chính mạnh hơn, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với đó là quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Để kết quả năm 2021 tốt hơn năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt kế hoạch hằng năm, cũng như Kế hoạch 5 năm 2021-2025 gắn với Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế – xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các vùng và khu vực; phát triển bền vững kinh tế biển, các thành phần kinh tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến về chất trong việc tổ chức thực hiện 3 đột phá chiến lược, được bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Cụ thể, tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt lưu ý về việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện.

Nhấn mạnh về sứ mệnh kiến tạo một môi trường mà ở đó mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển và “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các vấn đề về giáo dục – đào tạo và dạy nghề; hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân; an sinh xã hội; môi trường cần được quan tâm… để xây dựng một xã hội phát triển toàn diện.

Hội nghị tiếp tục diễn ra trong hôm nay, 29-12.

Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5%

Với những tiền đề từ năm 2020, bước sang năm 2021, theo Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6%, cùng 10 chỉ tiêu kinh tế – xã hội khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021. “Mặc dù để đạt được mục tiêu này là rất thách thức nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế – xã hội khác” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

—–

Kiến nghị từ các địa phương

Tại hội nghị trực tuyến, lãnh đạo các địa phương đã nêu các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành sớm tháo gỡ để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2021 và giai đoạn tới.

Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét định hướng điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Hà Nội; sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô. Về quy hoạch TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, ông Chu Ngọc Anh đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ bố trí vốn, lập thẩm định dự toán, lựa chọn tư vấn phương pháp để triển khai; Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ để ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội theo Nghị quyết của Quốc hội.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ quan tâm, sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP theo Nghị quyết số 131 của Quốc hội trước ngày 1-1-2021. TP HCM cũng mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm có hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa để thành phố kịp triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra; đẩy nhanh tiến độ kê khai, phê duyệt phương án và thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên địa bàn để thành phố có thêm nguồn lực đầu tư phát triển.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành sớm sửa đổi Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Đà Nẵng; phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông lớn.

Minh Chiến/NLD


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây