Hoa Kỳ năm nào cũng có báo cáo nhân quyền về Việt Nam và những nước mà Hoa Kỳ cho rằng “độc đảng”, “độc tài”, “vi phạm nhân quyền”. Một trong những nội dung mà báo cáo nhân quyền năm nào Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc tới đó là phê phán điều kiện vật chất trong các trại giam Việt Nam chưa đáp ứng “tiêu chuẩn”, lượng thức ăn không đầy đủ, kém chất lượng, tù nhân được thăm thân 1h/1 tháng là quá ít, các phạm nhân phải làm việc nhưng không được nhận tiền công, có tù nhân được nhận kinh thánh có tù nhân không được nhận, rằng Việt Nam không chịu mời “cán bộ Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế địa phương và khu vực” đến thăm trại giam, các cán bộ quản trại không ngăn chặn được tình trạng bạo lực giữa các tù nhân…. Nhìn chung là báo cáo của Hoa Kỳ kể lể rất chi tiết, rất đầy đủ “mọi hiện tượng” liên quan đến nhà tù mà họ “thu thập” được, kể cả trường hợp cá biệt, đơn lẻ, sai phạm trong giam giữ nhằm góp phần tạo nên hình ảnh Việt Nam không tôn giao nhân quyền trong các báo cáo nhân quyền hàng năm.
Loa Phường xin dành một loạt các bài viết nhằm so sánh giữa điều kiện giam giữ của Việt Nam và Hoa Kỳ để thấy, tình trạng ở đâu đáng sợ, tệ hại hơn, qua đó lý giải vì sao Hoa Kỳ lại chăm chăm lo cho “nhân quyền” nước khác một cách kỹ càng, tỉ mỉ, chi tiết đến vậy trong khi đáng lẽ nên cải thiện chính nhà tù nước mình, vì sao chính sách tài khóa hàng năm của Hoa Kỳ cứ phải dành khoản “đối ngoại” hàng triệu USD lo cho nhân quyền nước khác mà không lo cho chính người dân mình đang đóng thuế cho Chính phủ Mỹ làm chuyện bao đồng?
1. Lịch sử giam giữ, tù đày hà khắc của nước Mỹ
Hình phạt tù đã được sử dụng ở Anh từ đầu triều đại Tudor (1485-1603). Tuy nhiên, trước thế kỷ 19, rất hiếm khi các tòa án hình sự ở Bắc Mỹ kết án tù. Giam giữ trở thành một hình thức trừng phạt phổ biến từ sau cách mạng Mỹ (cuối thế kỷ 18). Mô hình trại giam đầu tiên được áp dụng như những Trại tế bần mà nước Anh trước đó đã áp dụng để chữa bệnh lười biếng của những đối tượng nghèo, lang thang. Dần dần, hệ thống này hình thành như một hệ thống cải huấn người bị kết án[1].
Tù nhân và nhà tù xuất hiện tại Bắc Mỹ đồng thời với sự xuất hiện của những người định cư châu Âu. Trong đoàn thám hiểm của Christopher Columbus có một số phạm nhân được mang theo để phục dịch. Năm 1570, người Tây Ban Nha đã xây dựng nhà tù đầu tiên. Khi các quốc gia khác ở châu Âu cạnh tranh với Tây Ban Nha ở Tân thế giới, họ cũng mang theo tù nhân. Ước tính một phần tư người di dân Anh đến Bắc Mỹ trong những năm 1700 là tù nhân, từ đây hình thành hệ thống nhà tù thuộc địa và chế độ tù nô lệ tại vùng đất này.
Sau cuộc nội chiến 1861-1865, theo Tu chính án thứ 13 Hiến pháp Hoa Kỳ (1865), chế độ nô lệ bị bãi bỏ, ngoại trừ trường hợp tội phạm bị tuyên làm nô lệ như một hình phạt. Tuy nhiên, một hệ thống “cho thuê tù nhân ra ngoài” (hiring out prisoners) đã được tạo dựng để kế tục chế độ nô lệ truyền thống mà trong đó, sự phân biệt chủng tộc hết sức nặng nề. Từ năm 1870 đến năm 1910 ở bang Georgia, 88% tù nhân được thuê là người gốc Phi. Ở bang Alabama, 93% số tù nhân thuê làm thợ mỏ là người da đen. Ở bang Mississippi, có trang trại tù khổng lồ tương tự như đồn điền nô lệ cũ tồn tại cho đến những năm 70 của thế kỷ 20[2].
Chính sách khai thác tù nhân cho thuê rất tàn nhẫn, sinh mạng của người tù hầu như không được đếm xỉa đến, vì vậy, số phạm nhân chết rất lớn. Theo những con số tổng kết, tỷ lệ tử vong của các tù nhân cho thuê tại các công ty đường sắt ở Nam Carolina giữa các năm 1877 và 1879 lên đến 45%, ở Arkansas 25% và ở Mississippi là 16%[3].
Chính sự tàn ác trên đã làm cho chế độ lao động nhà tù gắn liền với lịch sử đấu tranh của tù nhân và tầng lớp lao động. Đầu những năm 1800, cùng với việc hàng trăm tù nhân lao động cho đến chết, các cuộc đấu tranh phản đối của những người lao động bị mất việc làm do nhà thầu thuê tù liên tiếp nổ ra. Một trong các vụ đụng độ nổi tiếng nhất là cuộc nổi dậy tại mỏ than Creek năm 1891, các mỏ than sắt và đường sắt đã bị khóa, các thợ mỏ đã xông vào giải thoát 400 tù nhân và đốt nhà tù. Hệ thống nhà tù cho thuê đã bị giải tán ở Tennessee ngay sau đó, nhưng vẫn còn ở nhiều tiểu bang. Cho đến khi phong trào tiếp tục dâng cao với sự lãnh đạo của các tổ chức công đoàn trong những năm 1930. Kết quả là Quốc hội phải thông qua Luật Ashurst-Sumners năm 1935, theo đó, việc vận chuyển hàng hóa nhà tù qua các bang bị coi là bất hợp pháp. Tuy nhiên, trải qua thời gian khá dài, đến nhiệm kỳ Tổng thống Jimmy Carter, Quốc hội đã thông qua Đạo luật cải cách hệ thống tư pháp (năm 1979), trong đó có điều khoản miễn trừ cho bảy dự án thí điểm “tăng cường công nghiệp tù” (Prison Industry Enhancement). Kể từ đó, đã có 50 hệ thống nhà tù của các bang được cấp miễn trừ, đây là tiền đề thúc đẩy ngành công nghiệp tù Hoa Kỳ phát triển không ngừng[4].
[1]History of United States prison systems http://en.wikipedia.org/wiki/History_of_United_States_prison_systems
[2] Vicky Pelaze, The Prison Industry in the United States: Big Business or a New Form of Slavery? (http://www.globalresearch.ca/the-prison-industry-in-the-united-states-big-business-or-a-new-form-of-slavery/8289).
[3] Stephen Hartnett, Prison Labor, Slavery & Capitalism In Historical Perspective
(http://www.historyisaweapon.com/defcon1/hisprislacap.html).
[4] Alan Whyte and Jamie Baker, Prison labor on the rise in US (http://www.wsws.org/en/articles/2000/05/pris-m08.html)
Nguồn: Loa phường