“Ai sẽ là Tổng Bí thư khóa 13”; “Danh sách tỷ lệ ủng hộ vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ tới“… là những từ khóa được tìm kiếm trên mạng xã hội ngay sau khi Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII diễn ra, kèm theo đó là những thuyết âm mưu…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại Hội nghị Trung ương 14
Chỉ ít giờ sau khi Hội nghị Trung ương 14 diễn ra, mạng xã hội đã ầm ĩ những bài chia sẻ, clip rêu rao “Bộ Chính trị ra thông cáo về tứ trụ nhân sự Đại hội XIII”; “Danh sách tỷ lệ ủng hộ vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ tới”; “Chân dung Tổng Bí thư khóa XIII”;… thu hút tới hàng trăm nghìn lượt theo dõi, chia sẻ. Họ “giật tít – câu khách” kính thích, đánh vào sự tò mò của nhiều người, từ đó đưa ra phân tích nhận định, thông tin lệch lạc, hòng tạo nhận thức sai trái công tác cán bộ, nhân sự là có sự “an bài”, “sắp xếp”, “thỏa hiệp”; cuối cùng là rêu rao, xuyên tạc bầu cử trong Đảng, chế độ là mất dân chủ, độc đảng, độc đoán, chuyên quyền, toàn trị. Râu ông nọ cắm hàm bà kia đến độ, khi thì họ lu loa “nhóm quyền lực thực sự trong Bộ Chính trị nằm trong tay ông Nguyễn Phú Trọng”, khi lại khăng khăng “quyền lực trong tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”, thậm chí có khi lập lờ ví Bộ Công an là một bộ “siêu trường, siêu trọng” rồi ám chỉ đây là “thế lực chính trị” khuynh đảo…
Lấy vỏ bọc bên ngoài là dân chủ, họ quy kết cách làm nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay không có sự cạnh tranh công khai, minh bạch. Tất cả các quy định, thủ tục lựa chọn nhân sự chỉ để hợp thức hóa việc lựa chọn người theo phe cánh. Họ phân tích theo hướng tiêu cực “tranh giành quyền lực”, “đấu đá nội bộ”, dự đoán, sắp xếp vị trí theo kiểu “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông”, phân tích, suy diễn theo chiều hướng tiêu cực, đấu đá, mất đoàn kết nội bộ, gây rối loạn thông tin, hoang mang trong dư luận xã hội.
Thông tin xuyên tạc được các đối tượng chống phá phát tán, cần hết sức tỉnh táo
Để đạt được mục đích, họ còn nghĩ ra đủ chiêu trò, còn đưa ra thuyết âm mưu người này triệt hạ người kia để giữ được vị trí này, vị trí khác. Thậm chí, tới mức làm giả bức ảnh hồ sơ bệnh án tâm thần về một vị lãnh đạo địa phương với tên tuổi, địa chỉ rất rõ ràng. Nhưng sự thật là những kẻ bất lương đã tìm trên mạng một bức ảnh chụp hồ sơ bệnh án thật, dùng phần mềm để chỉnh sửa tên. Với những hành động này, các phần tử xấu muốn tạo nên sự nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn để người dân có những suy nghĩ tiêu cực, thiếu khách quan.
Thực tế cho thấy, công tác lựa chọn nhân sự, cán bộ, bầu cử của Đảng được thực hiện trên một quy trình chặt chẽ, công phu, tỉ mỉ, trách nhiệm, được thực hiện trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Sự thật nằm trong những cái đầu tỉnh táo, cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước các chiêu trò, luận điệu xuyên tạc, kích động để không mắc mưu để rồi ngập chân trong thứ “ma trận” mà các đối tượng cố tình tự vẽ lên tình hình chính trị nội bộ với gam màu xám, an ninh chính trị “đấu đá, lâm nguy”.
Nguyễn Trần/Cánh cò
Nguồn: Tre làng