“Lần này công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII tốt hơn những lần trước vì có sự thống nhất cao hơn giữa Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”, ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư nói khi trao đổi với PV.
Liên quan đến công tác nhân sự, tại Hội nghị Trung ương 14, Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới. Nhân dịp này PV có trao đổi với ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư xung quanh vấn đề chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng.
Những thay đổi trong công tác chuẩn bị nhân sự so với nhiệm kỳ trước
Hội nghị Trung ương 13 (tháng 10/2020), giới thiệu xong nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, đến Hội nghị Trung ương 14 (tháng 12/2020) tiến hành giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho nhiệm kỳ Đại hội XIII. Nhìn vào công tác chuẩn bị nhân sự ông thấy có điểm gì khác so với các nhiệm kỳ trước, thưa ông?
– Qua theo dõi tôi thấy công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII được làm bài bản hơn, chặt chẽ hơn, tốt hơn nhiều so với nhiều Đại hội trước, nhất là Đại hội XII.
Về điểm mới, nhiệm kỳ này Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Tổng Bí thư rất nhấn mạnh đến công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội, theo đó vừa phải quan tâm tiêu chuẩn, vừa quan tâm cơ cấu, nhưng nhấn mạnh tiêu chuẩn hơn, không vì cơ cấu mà làm giảm tiêu chuẩn.
Việc bảo đảm tiêu chuẩn mới lựa chọn được nhân sự đủ phẩm chất, năng lực, tín nhiệm vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng để đảm đương nhiệm vụ. Nhưng cơ cấu cũng quan trọng để đảm bảo yếu tố hài hòa, đảm bảo tham gia lãnh đạo trên tất cả lĩnh vực, vùng miền.
Phải nói là trong nhiều năm trước, chúng ta hay nhấn mạnh đến cơ cấu, thực tế khá nhiều trường hợp vì chạy theo cơ cấu mà không bảo đảm tiêu chuẩn làm yếu Ban chấp hành Trung ương. Người được bầu vào cơ quan lãnh đạo nhưng không đủ tiêu chuẩn, không làm tròn vai trò cấp ủy, Ủy viên Trung ương thì vai trò cơ cấu mà họ đảm nhiệm cũng chỉ là hình thức
Lần này công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII tốt hơn lần trước, có sự thống nhất cao hơn giữa Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Điều này khác hẳn so với lúc chuẩn bị Đại hội XII. Khi đó, nhiều người trong danh sách do Bộ Chính trị và Ban Bí thư đề nghị với Trung ương khóa XI giới thiệu để Trung ương khóa mới bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, song không được Ban chấp hành Trung ương khóa XI chấp nhận.
Trung ương khóa XI lại biểu quyết giới thiệu nhiều nhân sự nằm ngoài dự kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Một số trường hợp trong danh sách Trung ương mới bổ sung này về sau được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII rất xứng đáng, hoàn thành tốt nhiệm vụ; nhưng cũng có trường hợp về sau cho thấy lựa chọn lúc đó là sai.
Điển hình là trường hợp ông Đinh La Thăng. Trường hợp này, Bộ Chính trị không giới thiệu nhưng Trung ương giới thiệu bổ sung và được bầu vào Bộ Chính trị. Tuy nhiên đến giữa nhiệm kỳ Đại hội XII, ông Đinh La Thăng bị thi hành kỷ luật Đảng và sau đó bị xử lý hình sự.
Trong nhiệm kỳ này cũng có rất nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật Đảng, cả xử lý hình sự, trong đó có nhiều Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Điều này cho thấy công tác chuẩn bị nhân sự có thiếu sót.
Ngoài công tác chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược, nhìn vào công tác nhân sự cấp ủy các cấp, ông thấy thế nào?
– Qua theo dõi tôi thấy quá trình chuẩn bị nhân sự bầu vào cấp ủy của các đảng bộ trực thuộc Trung ương lần này chặt chẽ hơn, coi trọng chất lượng của những nhân sự được giới thiệu để bầu vào cấp ủy. Đây vừa là việc lựa chọn người vào ban lãnh đạo của đảng bộ các cấp, nhưng cũng là bước chuẩn bị cho Đại hội XIII.
Đặc biệt, có không ít trường hợp Trung ương đưa cán bộ từ nơi khác về các địa phương công tác, những thay đổi, những chuẩn bị đó là cần thiết và đem lại hiệu quả tích cực. Không chỉ đối với các Bí thư mà còn với các nhân sự thuộc lãnh đạo chủ chốt, ví dụ Giám đốc Công an các tỉnh, thành không phải người địa phương. Qua đó giúp phanh phui nhiều vụ án, xử lý nhiều sai phạm trước.
Ông nghĩ sao về sự nhấn mạnh tiêu chuẩn bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức đối với lựa chọn nhân sự cấp cao trong giai đoạn hiện nay?
– Trong công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nhấn mạnh 2 tiêu chuẩn là bản lĩnh chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức trong sáng, tiêu biểu, không có vi phạm khuyết điểm.
Thực ra nhiệm kỳ nào Đảng ta cũng nhấn mạnh tiêu chuẩn này nhưng nhiệm kỳ này chúng ta nhấn mạnh hơn là điều rất cần thiết. Vì sao? Vì chúng ta đang đứng trước giai đoạn nhiều thời cơ nhưng cũng nhiều thách thức, trong đó có nhiều thách thức khó lường, phức tạp trên các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng hay trong công tác xây dựng Đảng.
Về tình hình thế giới và khu vực, tình hình trên Biển Đông, an ninh quốc phòng có nhiều vấn đề phức tạp chúng ta phải đương đầu, xử lý.
Đứng trước tình hình phức tạp, nhiều thách thức lớn thì yêu cầu bản lĩnh với người lãnh đạo là rất quan trọng, nếu không sẽ không vượt qua được những khó khăn phía trước.
Tiêu chuẩn thứ 2, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh là người lãnh đạo phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là tấm gương cho đảng viên, cán bộ và mọi người tin và noi theo.
Đây cũng là điều đặc biệt cần thiết vì trước đây trong một thời gian khá dài có giai đoạn công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực làm chưa quyết liệt, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, tham nhũng tiêu cực diễn biến phức tạp gây tổn hại đến uy tín của Đảng.
Có thể thấy trong nhiệm kỳ Đại hội XII chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng và Nhà nước nhưng tình hình tham nhũng, tiêu cực đến nay vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, cuộc đấu tranh này còn lâu dài.
Từ “tình hình lo ngại ” đến những xoay chuyển trong nhiệm kỳ Đại hội XII
Thưa ông, trước kỳ Đại hội XII, ông từng nói tình hình hết sức lo ngại, sau một nhiệm kỳ ông thấy tình hình hiện nay đã xoay chuyển thế nào để tạo tiền đề tích cực cho Đại hội XIII?
– Tôi từng nói trước Đại hội XII, tình hình hết sức đáng lo ngại, nhận xét này dựa trên thực tế. Vì cuối nhiệm kỳ khóa XI, tình hình kinh tế -xã hội có nhiều bất ổn, đặc biệt có nhiều bất ổn trên phạm vi vĩ mô. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn, chủ chốt làm ăn thua lỗ, để thất thoát tài sản. Nhiều dự án xây dựng quan trọng chậm tiến độ, không đạt hiệu quả. Kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn, phát triển chật vật, ta thu hút nhiều đầu tư nước ngoài nhưng lựa chọn, quản lý không tốt. Kết quả là nhịp độ phát triển kinh tế chậm dần, chất lượng và hiệu quả phát triển kém, chúng ta liên tục bội chi ngân sách, nợ công.
Tình hình như vậy nhưng chúng ta chỉ có những giải pháp tình thế, chắp vá, thiếu biện pháp căn cơ. Ví dụ, lo đi vay nợ mới để trả nợ cũ, xoay vòng nợ, hay mua lại những ngân hàng đang thua lỗ của tư nhân, thay họ gánh vai trò trả nợ cho những người ngân hàng đang nợ họ. Rót vốn để cứu ngân hàng, chủ ngân hàng làm ăn không đúng nguyên tắc, thậm chí vi phạm pháp luật, để doanh nghiệp của mình lâm vào tình trạng bê bối. Các biện pháp như vậy không căn cơ,… Lúc đó, chúng ta gần với nguy cơ rơi vào khủng hoảng kinh tế -xã hội.
Trong khi đó tình hình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế chính trị chưa đạt như mong muốn, tình trạng tham nhũng, tiêu cực hoành hành.
Người dân không khó nhận ra trong cơ quan lãnh đạo của đảng bộ, chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở, ngày càng nhiều lãnh đạo có biểu hiện cơ hội, nâng đỡ cho tội phạm, xu nịnh… Theo dõi các vụ án được truy tố, xét xử trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã thấy phần nào điều đó.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được làm quyết liệt, nhìn thẳng vào sự thật, từ đó làm xoay chuyển tình hình.
Hiện nay dù tình hình thế giới nói chung rất khó khăn do dịch bệnh nhưng chúng ta vẫn đạt tốc độ phát triển ngày càng cao, các cân đối vĩ mô ngày được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng, bội chi ngân sách được kiềm chế, nợ công giảm…
Bên cạnh việc xử lý những nhân tố không được lành mạnh của nền kinh tế, chúng ta cũng đồng thời tạo được tiền đề để bắt kịp những xu hướng mới của nền kinh tế thế giới để phát triển bền vững.
Còn về công tác xây dựng Đảng có biến chuyển rõ ràng. Chúng ta đã tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII có rất nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý, trong đó có không ít cán bộ cấp cao. Chúng ta đã nghiêm khắc đưa các vụ án, trong đó nhiều vụ án lớn ra xem xét, xử lý. Có thể nói công tác xây dựng, chỉnh đốn, Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là dấu son trong nhiệm kỳ này.
Xin cảm ơn ông (!)
Lương Kết/DV
Nguồn: Cánh cò