Ngày 21/12, tại Hà Nội, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và kết nạp hội viên năm 2020.
Tại Lễ trao giải, Nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho biết, năm 2020, Hội đã tổ chức trại sáng tác tại nhiều địa phương theo các chủ đề khác nhau. Từ đây, hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật của các hội viên đã ra đời, từ truyện ngắn, tiểu thuyết, tác phẩm thơ, tản văn, lý luận phê bình, âm nhạc, tranh, ảnh…
Ban Tổ chức đã công bố có 50 tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc được trao giải thưởng trong năm 2020 nhưng không có tác phẩm nào được trao giải A.
Ban Tổ chức trao 9 giải B cho các tác phẩm: Tiểu thuyết “Ngược dòng quá khứ” của tác giả Trần Thị Mộng Dần và “Kẻ sống sót” của tác giả Trịnh Thanh Phong; tản văn “Chín bậc thang nhà người” của tác giả Phạm Tú Anh; tác phẩm ảnh “Hướng dẫn viên du lịch” của tác giả Thanh Miền và “Giúp bé học cái chữ” của Đặng Phương Lan; tác phẩm tranh khắc gỗ màu “Truyền nghề” của Họa sỹ Trần Ngọc Kiên; tác phẩm hội họa màu nước trên giấy “Hẹn em dưới đồi mơ” của tác giả Lương Thị Hiện; ca khúc “Tình núi” của tác giả Krajan K’dick và “Nhớ” của tác giả Linh Nga Niê Kdam.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức trao 15 giải C, 25 giải Khuyến khích và một tặng thưởng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc. Đồng thời, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam quyết định cấp kinh phí hỗ trợ sáng tạo năm 2020 cho 145 tác phẩm và kết nạp 49 tác giả thành hội viên của Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2020.
Nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho biết, trong năm 2021, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội VI (nhiệm kỳ 2019-2024) của Hội. Hội tập trung bồi dưỡng, phát triển hội viên mới cho các chi hội còn ít người, hoặc chưa có hội viên; xây dựng đề án bồi dưỡng văn nghệ sỹ; tiếp tục tổ chức in một số công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian, văn học, nghệ thuật tiêu biểu của Hội trong đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” giai đoạn tiếp theo.
Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam sẽ liên hệ, đề xuất với Trung tâm Hỗ trợ Sáng tạo văn học nghệ thuật (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tổ chức trại sáng tác; phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức hoạt động giao lưu, thâm nhập thực tế các khu vực Việt Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, ưu tiên địa bàn biên giới, hải đảo. Ngoài ra, Hội tiếp tục tổ chức trại sáng tác trẻ trong điều kiện cho phép; thúc đẩy hợp tác với một số đối tác nước ngoài nhằm tạo mối quan hệ sáng tạo văn học nghệ thuật, dịch thuật tác phổ văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số, miền núi giới thiệu với các nước.
Bên cạnh đó, Hội tiếp tục kiến nghị việc triển khai dạy, phổ biến tiếng nói, chữ viết của một số dân tộc có chữ viết đến các cấp bộ, ngành, địa phương liên quan; động viên, khuyến khích văn nghệ sỹ sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật bằng ngôn ngữ, hình tượng, bản sắc, cảm xúc của dân tộc mình.
Đồng thời, Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam kêu gọi các chi hội, toàn thể hội viên, cán bộ, viên chức cơ quan Hội, các Chi hội địa phương chủ động, sáng tạo các hoạt động, tăng cường giao lưu, liên kết giữa các vùng miền, nỗ lực thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, thực hiện Nghị quyết Đại hội VI (nhiệm kỳ 2019-2024), thúc đẩy sự nghiệp văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam phát triển thêm một bước mới.
Nguồn: Báo Tin tức