Để phục vụ công tác nghiên cứu và lập hồ sơ khoa học về đồ gốm sứ Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn thời Lý – Trần (từ đầu thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIV), ngày 15/12, Viện Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Đồ sứ Trung Quốc thời Tống trong Hoàng cung Thăng Long”, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, chuyên gia về gốm cổ Việt Nam, cho biết: Tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã phát hiện một số lượng lớn đồ sứ Trung Quốc có niên đại từ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh. Trong đó, đồ sứ Trung Quốc thời Tống được tìm thấy tại khu di tích vô cùng đặc sắc và quý hiếm. Đây là những minh chứng sinh động phản ánh rằng đồ sứ Trung Quốc được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long xưa; đồng thời khơi gợi về mối quan hệ giao lưu giữa Trung Quốc và Kinh đô Thăng Long của nước Đại Việt trong lịch sử.
Phát hiện này cũng mở ra hướng nghiên cứu về mối quan hệ giữa các đồ sứ tìm thấy tại di tích Hoàng thành Thăng Long với các đồ sứ Trung Quốc hiện tại. Đây là vấn đề khoa học rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu, tìm hiểu mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Thăng Long (Việt Nam) và Trung Quốc trong lịch sử.
Tại Hoàng thành Thăng Long các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy nhiều đồ gốm sứ Việt Nam thời Lý có trình độ công nghệ ngang với thời Tống của Trung Quốc và có nhiều nét tương đồng khó phân định. Do vậy, tọa đàm là cơ sở khoa học làm rõ giá trị cơ bản của những phát hiện khảo cổ học, góp phần thiết thực cho công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di sản cũng như đặt nền móng cho chiến lược quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Nhận xét những điểm tương đồng và dị biệt qua so sánh loại hình bát và đĩa gốm men thời Tống và Lý, Tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến (Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam) cho biết: Kết quả so sánh phần nào phản ánh rằng thời kỳ gốm của Đại Việt đã có tiếp thu ảnh hưởng nhất định trong khâu tạo hình và trang trí sản phẩm, qua đó nhận ra sự sáng tạo và thành tựu riêng của nghề gốm trong lịch sử nước ta. Những trường hợp có sự tương đồng, gần gũi về kiểu dáng bát, đĩa cho đến hoa văn không gợi ý về sự đồng đại nhưng cũng không phản ánh sự cách biệt về thời gian. Nghề gốm Đại Việt dưới thời Lý là một kỷ nguyên rất huy hoàng vì đã sản sinh ra các dòng gốm men, đặc biệt như: men ngọc, men trắng, men nâu và men lục. Từ dòng men nâu, gốm thời Lý đã sản sinh ra gốm hoa nâu và đây chính là một thành tựu rực rỡ đáng tự hào của nghề gốm thời Lý.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, phân tích nhiều vấn đề như: đồ sứ thời Tống khai quật ở khu vực Vườn hồng; những điểm tương đồng và dị biệt qua so sánh loại hình bát và đĩa gốm men thời Tống và Lý; đặc trưng, quy mô đồ gốm Trung Quốc xuất khẩu tới châu Phi thế kỷ IX-X và các biến thể… Thông qua các sưu tập đồ gốm thời Tống các nhà nghiên cứu sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Kinh đô Thăng Long của Đại Việt và Trung Quốc trong lịch sử.
Nguồn: Báo Tin tức