Trang chủ Tin tức Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân...

Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại

169
0

Ngày 11/12, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại”.

Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đạiPGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hải Dương cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Hội thảo nhằm xác định cơ sở lý luận, làm rõ nội hàm khái niệm hệ giá trị văn học, nghệ thuật, những yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại. Thông qua hội thảo, các nhà khoa học phân tích thực tiễn để nhận diện, đánh giá thực trạng giá trị của văn học, nghệ thuật Việt Nam trên các lĩnh vực cơ bản.

Khai mạc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: Xây dựng hệ giá trị quốc gia nói chung, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và tương lai của đất nước. Do vậy, việc nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay có ý nghĩa không chỉ với đời sống văn học, nghệ thuật mà còn trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nhấn mạnh đến việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết, thời gian qua, đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam đã và đang có những bước vận động nhanh chóng, phong phú, đa dạng, có phần bề bộn với nhiều vấn đề mới. Sự biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc về quan niệm giá trị ở hầu hết các lĩnh vực đã và đang chi phối mạnh mẽ đến diện mạo, khả năng, chiều hướng vận động của đời sống văn nghệ dân tộc, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, từ đó chủ động định hướng cho sự phát triển.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đề nghị, các đại biểu tập trung làm rõ khái niệm, nội hàm của hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại. Đây là vấn đề mới, khó, đòi hỏi các đại biểu cần có cái nhìn hệ thống, sâu sắc và toàn diện, xuất phát từ các cấp độ, bình diện phong phú, đặc thù của văn học, nghệ thuật; đồng thời tập trung đưa ra kiến nghị, giải pháp trọng tâm, đồng bộ và khả thi để từng bước triển khai xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới…

Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đạiQuang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận tập trung vào những nội dung như: Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc, hiện đại; xây dựng hệ giá trị mới cho văn nghệ Việt Nam; con người trong các góc hệ giá trị văn chương; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế; vấn đề xây dựng giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay; hệ giá trị của con người và văn hóa Việt Nam…

 Chia sẻ về nội dung xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay, Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Qúy cho rằng, việc xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam là nhằm tìm kiếm các định hướng sáng suốt để văn học nghệ thuật nước nhà phát triển lành mạnh, văn nghệ sĩ sáng tạo được nhiều tác phẩm hay, có giá trị. Do vậy, hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam cần phản ánh được lý tưởng, niềm tin, kỳ vọng và nguyên tắc hoạt động của văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó, hệ giá trị văn học, nghệ thuật không được phép lảng tránh trách nhiệm tạo hành lang cởi mở cho sự phản ánh các giá trị đích thực của xã hội và đời sống văn nghệ hiện nay.

Liên quan đến nội dung con người trong các góc hệ văn chương, Giáo sư Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam khẳng định, hơn 30 năm đất nước đổi mới, con người đã đổi mới về tư duy, kinh tế – xã hội, do đó, văn hóa, văn nghệ phải đổi mới để phù hợp với xu thế hiện nay. Văn hóa, văn nghệ phải thể hiện được những phẩm chất mới và phê phán hiện tượng tiêu cực trong xã hội, do vậy, phương châm chân, thiện, mỹ vẫn còn nguyên giá trị nhưng phải nhận thức những thay đổi, thế nào là chân, thiện, mỹ trong tình hình hiện nay.

Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan đã giới thiệu khái quát về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh. Bắc Ninh là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, mạnh với nhiều chỉ tiêu đứng trong tốp đầu cả nước. Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, kinh tế của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 1,36%; quy mô GRDP (giá hiện hành) được mở rộng, ước thực hiện đạt 205 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 7 toàn quốc. GRDP bình quân đầu người ước đạt 144,5 triệu đồng, gấp 2,1 lần bình quân cả nước… Bắc Ninh đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của 1.558 di sản văn hóa trên địa bàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đặc biệt, tỉnh chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ 44 làng Quan họ gốc, đến nay đã lan tỏa, phát triển 369 làng Quan họ thực hành, có trên 140 Câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhấn mạnh, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, địa phương đã chú trọng xây dựng ba nội dung, đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Phát huy bản sắc văn hóa, lịch sử của Dân ca Quan họ Bắc Ninh gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh và Đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2020-2025.

Quang Nhiều (TTXVN)

Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại

Có thể chuyển thể Truyện Kiều sang nhiều loại hình nghệ thuật

Nhân kỷ niệm 200 năm Ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (1820-2020), ngày 26/11, tại Hà Nội, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia chủ đề “Nguyễn Du – Truyện Kiều qua văn bản và các liên văn bản văn chương, nghệ thuật”.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây