Tối 11/12, bên hồ Hoàn Kiếm, Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại do thành phố Hà Nội tổ chức, đã diễn ra trong không gian ngập tràn sắc màu văn hóa truyền thống.
Đây là hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian truyền thống trong xã hội đương đại, nhằm thực hiện cam kết của thành phố Hà Nội khi tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Lễ hội diễn ra vào dịp cuối tuần, trùng với thời gian hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm nên thu hút đông người dân và du khách. Đây cũng là một trong số ít hoạt động văn hóa có quy mô lớn được thành phố tổ chức trong năm nay. Không gian lễ hội được thiết kế, trưng bày, sắp đặt đẹp, tinh tế, tạo hiệu ứng tốt cho sự kiện. Đó là những chất liệu thân thiện môi trường, gần gũi trong đời sống kết hợp cùng vật dụng, sản phẩm truyền thống làng nghề và hiệu ứng ánh sáng.
Là nơi hội tụ những tinh hoa di sản văn hóa của Hà Nội, khu vực trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo, bố trí tại khuôn viên nhà Bát Giác, được sắp đặt với các gian hàng thiết kế hài hòa.
Lễ hội giới thiệu các làng nghề thủ công truyền thống với sự tham gia của các nghệ nhân trình diễn quy trình thực hành. Nhiều sản phẩm nghề thủ công truyền thống có thiết kế sáng tạo, đang được gìn giữ, phát huy giá trị trong đương đại, gồm: Nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình); dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); đậu bạc Định Công (Hoàng Mai); dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); nón lá Vĩnh Thịnh, đúc đồng Trường Tâm (huyện Thanh Trì); quạt giấy, mộc Chàng Sơn, mây tre giang đan, chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất); áo dài Trạch Xá, nhạc cụ dân tộc (huyện Ứng Hoà)… Người dân không chỉ thưởng lãm các sản phẩm thủ công truyền thống, lịch sử làng nghề mà còn được xem và tự tay trải nghiệm quy trình làm nghề.
Khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, dọc đường Đinh Tiên Hoàng, phố Lê Thạch, người dân Thủ đô và du khách được mãn nhãn với không gian mỹ thuật dân gian trong đời sống đương đại. Các loại hình văn hóa dân gian giàu giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được giới thiệu tại đây.
Qua đó, người dân, du khách hiểu hơn những nỗ lực của chính quyền và người dân trong việc bảo tồn, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống (Nghệ thuật nặn tò he Xuân La); sản phẩm thủ công (mây tre đan, làm quạt giấy, làm nón lá); sản phẩm mang đậm yếu tố đương đại (dòng tranh mới được ghép từ các mảnh lụa, vải,…). Đặc biệt, không gian này còn có khu vực giới thiệu hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống Đình Làng Việt; khu vực giới thiệu không gian giao lưu, trải nghiệm văn hóa về Làng…
Tại lễ khai mạc, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh: Hà Nội là nơi lưu giữ trong mình rất nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu quý giá, mang nét đặc trưng riêng của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài. Đây chính là nguồn lực nội sinh giàu năng lượng, ngày càng hội tụ, lan tỏa, góp phần xây dựng “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố Sáng tạo”.
Cùng với thời gian, các giá trị văn hóa dân gian liên tục được tái cấu trúc, tạo nên bộ mặt văn hóa của xã hội đương đại. Việc phát huy các di sản văn hóa dân gian trong đời sống đương đại không chỉ là bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản, mà còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp, mang lại giá trị tinh thần cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời là cơ hội khởi nghiệp sáng tạo cho giới trẻ, là nền tảng hội nhập thế giới.
Trong khuôn khổ Lễ hội sẽ có trình diễn di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại, nhằm giới thiệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội.
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, Lễ hội đã giảm quy mô so với kế hoạch ban đầu. Ban Tổ chức kêu gọi người dân và du khách khi tham quan mặc trang phục phù hợp, ứng xử văn minh thân thiện, thực hiện thông điệp 5K về phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nguồn: Báo Tin tức