Với mong muốn khai thác tốt tiềm năng phát triển của Làng hoa Sa Đéc phục vụ du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống người dân Sa Đéc nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng, chiều 10/12, tại thành phố Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo “Tiềm năng và giải pháp phát triển Làng văn hóa du lịch Sa Đéc”.
Làng hoa Sa Đéc đã hình thành từ đầu thế kỷ XX, đến nay có hơn 600 ha diện tích trồng hoa, với 2.000 loài hoa – kiểng khác nhau, trở thành một trong những vựa hoa – kiểng lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án Làng văn hóa du lịch Sa Đéc được thực hiện trên diện tích khoảng 510 ha, trong đó tập trung vào 2 vùng lõi của Làng hoa Sa Đéc thuộc hai khóm Tân Hiệp và Tân Mỹ (phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Dự án được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2020-2025 và từ năm 2026-2030 với tổng kinh phí thực hiện gần 600 tỷ đồng được huy động từ Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Đây sẽ là một trong 10 mô hình Làng văn hóa du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới được chọn thí điểm của cả nước.
Xây dựng và phát triển Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc góp phần phục hồi – phát triển các giá trị văn hóa và nghề truyền thống, khai thác các giá trị văn hóa địa phương, tạo ra tài nguyên du lịch có giá trị phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, tham quan du lịch, mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cải tạo môi trường sống khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư. Ngoài ra, việc xây dựng Làng văn hóa du lịch tạo ra các cơ hội để giao lưu văn hóa giữa các địa phương trong và ngoài nước. Đây là nhân tố quan trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc phát triển Làng văn hóa du lịch có thể khuyến khích cộng đồng tự hào về văn hóa địa phương và góp phần củng cố bản sắc cộng đồng. Để có thể khai thác thế mạnh, tiềm năng du lịch gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa của địa phương, thông qua việc xây dựng Làng văn hóa du lịch, tính đặc thù và tài nguyên địa phương phải được nhấn mạnh, thể hiện qua các sản phẩm du lịch cụ thể, đặc thù.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến, kinh nghiệm, đánh giá chuyên sâu đã được chia sẻ, đóng góp về vấn đề phát triển sản phẩm làng hoa, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ số để khai thác du lịch thông minh, định hướng phát triển hoa – kiểng Sa Đéc gắn với phát triển sản phẩm theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên nền tảng du lịch nông nghiệp trong thời gian tới.
Thạc sỹ Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, lợi thế của Làng hoa Sa Đéc là tập trung, có hoa quanh năm và nổi tiếng trong, ngoài nước, thuận lợi về giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ. Sa Đéc có nhiều hoa nhưng cần có hoa biểu tượng, trên các không gian cần có sự hiện diện của hoa, đầu tư bảo tàng làng hoa, tạo điểm nhấn bằng lễ hội hoa theo mùa.
Thạc sỹ Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn cho rằng, cần chú trọng đào tạo ngoại ngữ cùng với các chuyên môn nghiệp vụ theo lộ trình đầu tư của dự án, nhất là cộng đồng dân cư tham gia trực tiếp vào các hoạt động như các hộ dân làm homestay, điểm tham quan, các hộ kinh doanh, các hội đoàn thể…; đồng thời cần có định hướng phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Sa Đéc trong công tác đào tạo nhằm phát triển mô hình đào tạo tại các doanh nghiệp theo đơn đặt hàng và đặc thù của từng doanh nghiệp với phương châm đào tạo những gì doanh nghiệp cần.
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc, phát triển Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc là bước chuyển hướng có tính đột phá để phát triển địa phương; gắn phát triển du lịch với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Việc triển khai thực hiện Dự án Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc giai đoạn 2020 – 2025, hướng đến năm 2030 nhằm kiến tạo điểm đến du lịch đặc thù có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao; đồng thời đây cũng là sản phẩm của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn hướng đến việc kích thích sản xuất, nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm hoa – kiểng mang tính lịch sử gắn liền với vùng đất có truyền thống sản xuất trăm năm tuổi; nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, tạo việc làm, gia tăng giá trị kinh tế và đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng nông thôn mới tại Đồng Tháp nói chung, thành phố Sa Đéc nói riêng.
Nguồn: Báo Tin tức