Tại các địa phương khu vực Tây Nam Bộ có đông đồng bào Khmer sinh sống như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, từ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Khmer, nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc đã được giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước.
Đồng bào Khmer Nam Bộ hiện có khoảng trên 1,3 triệu người, sống tập trung tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc vùng Tây Nam Bộ. Trong quá trình sinh sống cộng cư, đồng bào Khmer đã tạo dựng được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhìn dưới khía cạnh phát triển du lịch – đây là nguồn tài nguyên quý giá để hình thành, phát triển nhiều sản phẩm du lịch cùng làm nên sự đa dạng của các điểm đến được xây dựng, khai thác và phát huy từ những nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Nhiều giá trị văn hóa đặc trưng
Trong quá trình sinh sống trên mảnh đất Nam Bộ, đồng bào Khmer đã sớm hình thành những giá trị văn hóa bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, nói đến các giá trị văn hóa vật thể của đồng bào Khmer không thể không đề cập tới hệ thống những ngôi chùa luôn hiện diện ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Trong văn hóa tín ngưỡng của người Khmer, chùa không chỉ là nơi diễn ra những nghi lễ của Phật giáo mà còn là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc.
Thạc sỹ Tạ Tường Vy, Trường Đại học Văn Lang cho biết: Hiện nay, toàn khu vực Tây Nam Bộ có khoảng trên 600 ngôi chùa Khmer. Phần lớn các ngôi chùa được xây dựng đều đạt trình độ nghệ thuật điêu khắc, tạo hình mang tính thẩm mỹ cao với phù điêu sắc màu rực rỡ từ các tượng Thần, tích Phật khiến không gian chùa luôn sinh động và huyền bí.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Lan Hạnh, Trường Đại học Sài Gòn, với đồng bào Khmer, chùa còn là nơi diễn ra hoạt động đào tạo, truyền thụ kiến thức, hiểu biết về văn hóa – nghệ thuật cũng như bảo tồn, lưu giữ chữ viết Khmer, hiện vật, cổ vật như sách quý viết trên lá buông, các tượng Phật và đặc biệt là chiếc ghe go. Mỗi chiếc ghe ngo do một ngôi chùa – đại diện cho một hay nhiều phum, sóc người Khmer tạo ra vừa mang tính cộng đồng vừa biểu hiện yếu tố tâm linh. Chiếc ghe ngo tại các chùa được xem là một hiện vật mang yếu tố văn hóa truyền thống của người Khmer Nam Bộ còn lưu giữ đến ngày nay.
Bên cạnh những công trình văn hóa, tín ngưỡng, di sản văn hóa vật thể, đồng bào Khmer Nam Bộ còn sáng tạo và gìn giữ nhiều di sản mang giá trị văn hóa phi vật thể. Nổi bật là những lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc, ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: Lễ Chôl Chnăm Thmây – lễ mừng năm mới tổ chức vào dịp giữa tháng 4 dương lịch; Lễ hội Ok Om Bok (lễ cúng trăng) diễn ra Rằm tháng 10 hằng năm, với ý nghĩa đưa tiễn mùa mưa, chào đón mùa khô và tạ ơn thần mặt trăng đã ban cho một mùa màng tốt tươi.
Lễ hội Sen Dolta, tổ chức vào dịp cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch, tưởng nhớ công ơn bậc sinh thành, tri ân tổ tiên đã phù hộ, dựng xây cho phum, sóc được bình an… Bên cạnh đó, đồng bào Khmer còn sáng tạo, lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật rất độc đáo như hát múa rô băm, nghệ thuật sân khấu kịch hát dù kê, nghệ thuật điêu khắc, trang trí, hội họa, các tác phẩm văn học dân gian.
Hình thành nhiều điểm đến hấp dẫn
Cùng với việc quan tâm bảo tồn, gìn giữ những di sản, nét đẹp văn hóa Khmer Nam Bộ, nhiều công trình kiến trúc, di tích, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa đã được ngành Du lịch, doanh nghiệp lữ hành khảo sát, đưa vào các tour, tuyến du lịch. Nhiều ngôi chùa, làng nghề của đồng bào Khmer, lễ hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống đã trở thành điểm đến, sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum, một trong những điểm nổi bật trong toàn bộ hệ thống tài nguyên du lịch của Trà Vinh là các kiến trúc công trình liên quan đến thiết chế văn hóa tôn giáo của đồng bào Khmer, tiêu biểu là hệ thống các ngôi chùa. Hiện nay, nhiều công ty lữ hành như: Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, Công ty Du lịch Vietravel đã mở tour và kết nối tuyến đưa du khách về Trà Vinh với nhiều điểm đến được hình thành từ những giá trị văn hóa Khmer như: Làng Văn hóa – Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh ở thành phố Trà Vinh và huyện Châu Thành, các ngôi chùa Khmer, làng nghề dệt chiếu Cà Hom ở huyện Trà Cú, làng làm cốm dẹp Ba So ở huyện Cầu Ngang.
Khẳng định những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc sinh sống ở Tây Nam Bộ, trong đó có người Khmer chính là nền tảng, cốt lõi để mỗi địa phương hình thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, Tiến sỹ Tạ Duy Linh -Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (Hội trí thức và khoa học công nghệ trẻ Việt Nam) lấy ví dụ cụ thể từ huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Trà Cú là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer và Hoa, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 60% dân số toàn huyện.
Hiện nay, địa bàn huyện Trà Cú có nhiều điểm đến nổi bật như: chùa Vàm Rây ở xã Hàm Tân. Kiến trúc chùa rất độc đáo với hình dáng nhìn từ bên ngoài như một cung điện bằng vàng, nhiều hoa văn tinh xảo; cổng chùa theo kiểu tam quan, mang phong cách kiến trúc Phật giáo Nam tông Khmer; có tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn sơn son thếp vàng dài 54 m. Chùa Phnô Đôn (thường gọi là chùa Cò) ở xã Đại An, ngoài nghệ thuật kiến trúc – trang trí, điểm đặc biệt của ngôi chùa này còn ở chỗ trong khuôn viên chùa, trên những cây sao, cây dầu… có nhiều loại cò về đậu.
Tương tự, tại Sóc Trăng nhiều di tích, điểm diễn ra lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer cũng là “chất liệu” để các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch thiết kế, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc sắc. Ông Dương Hồ Nhật Khôi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ du lịch Ba Xuyên (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Hiện nay, công ty có nhiều tour với các điểm đến mang đậm bản sắc của vùng đất Tây Nam Bộ, trong đó có tour mang tên Sóc sờ bai Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) với điểm đến là thăm các ngôi chùa Khmer, trải nghiệm nghề làm cốm dẹp, theo dõi chương trình phục dựng lễ cúng trăng của đồng bào Khmer.
Cũng theo ông Dương Hồ Nhật Khôi, trong hành trình tour Sóc sờ bai Sóc Trăng, du khách còn được giới thiệu thưởng thức đặc sản bún nước lèo Sóc Trăng – món ăn mà nhiều người gọi là “món ăn đoàn kết” bởi có sự kết hợp tinh hoa ẩm thực của cả ba dân tộc Kinh – Khmer và Hoa. Cùng với đó, du khách còn được tìm hiểu nguyên liệu độc đáo để có món bún nước lèo như củ ngải bún, mắm bò hóc, mắm cá sặc…
Bài cuối: Cần những đột phá mới
Nguồn: Báo Tin tức